Sôi động tuyển sinh đầu cấp
Thời điểm này nhiều trường ngoài công lập tại Hà Nội đã thông báo tuyển sinh năm học 2023-2024 với các hình thức chiêu sinh đa dạng, nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Sớm lựa chọn, nhiều ưu đãi
Bên cạnh lựa chọn vào các trường công lập gần nhà, đúng tuyến, một số phụ huynh có nguyện vọng đăng ký cho con em vào các trường phổ thông ngoài công lập phù hợp với yêu cầu của gia đình. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều trường ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán đã thông báo tuyển sinh như hệ thống Archimedes, Ngôi sao, Newton... Mới đây, Hệ thống Giáo dục Marie Curie cũng vừa công bố thông tin tuyển sinh đầu cấp năm học 2023- 2024 ở 3 cơ sở Mỹ Đình, Kiến Hưng và Văn Phú.
Theo đó, tại cơ sở Mỹ Đình sẽ tuyển 180 chỉ tiêu lớp 1 (6 lớp), 360 chỉ tiêu lớp 6 (12 lớp) và 320 chỉ tiêu lớp 10 (10 lớp). Ở cơ sở Kiến Hưng tuyển 180 học sinh lớp 1 (6 lớp) còn cơ sở Văn Phú tuyển 360 chỉ tiêu lớp 6 và 360 học sinh lớp 10 (mỗi khối 12 lớp). Riêng Trường phổ thông liên cấp Marie Curie cơ sở Long Biên chưa thể đi vào hoạt động và tuyển sinh trong năm học 2023- 2024.
Năm học 2023- 2024, Hệ thống giáo dục MV. Lômônôxốp tuyển sinh 10 lớp 6 với 340 học sinh. Học sinh có nguyện vọng sẽ làm đơn đăng ký dự tuyển (theo mẫu). Trường tuyển sinh bằng 2 hình thức (tuyển thẳng với học sinh có thành tích theo quy định của trường) và kiểm tra đánh giá năng lực (3 bài Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh). Nhà trường có đề minh họa trên website của trường).
Từ ngày 20/2, hệ thống giáo dục Nguyễn Siêu sẽ bắt đầu mở đăng ký trực tuyến với lớp 1 hệ Song ngữ quốc tế Cambridge. Thời gian xét tuyển dự kiến vào tháng 3/2023. Với lớp 6 và lớp 10, trường tuyển lần lượt 210 và 270 chỉ tiêu, chia làm 2 đợt; trong đó học sinh cũ của trường và học sinh mới phải làm bài đánh giá năng lực đầu vào lớp 6 (gồm: Năng lực tiếng Anh, năng lực tổng hợp bằng tiếng Anh và năng lực tổng hợp bằng Tiếng Việt). Hệ thống trực tuyến đợt 2 sẽ mở từ ngày 27/2 với lớp 6 và ngày 6/3 với lớp 10 dành cho học sinh trường khác có nguyện vọng đăng ký vào trường. Các hồ sơ đều đăng ký trực tuyến.
Như vậy, có thể thấy để trúng tuyển vào các lớp đầu cấp của các trường phổ thông ngoài công lập có thương hiệu ở Hà Nội, học sinh không chỉ cần ghi danh từ sớm mà còn phải trải qua các vòng xét chọn, thi tuyển thông qua hình thức phỏng vấn hoặc tham gia các bài kiểm tra đánh giá năng lực do nhà trường tổ chức. Một cuộc đua cũng gay cấn không kém so với những kỳ thi vào cấp 3, đại học do lượng hồ sơ dự tuyển lớn, chỉ tiêu có hạn.
Đặc biệt, với khối tiểu học, nhiều trường cũng tổ chức các lớp tiền tiểu học nhằm trang bị cho trẻ các kỹ năng cần thiết khi bước vào lớp 1. Đơn cử như Trường song ngữ Hanoi Academy có tổ chức lớp tiền tiểu học với các nội dung như Tiếng Anh 10 tiết/tuần, Tiếng Việt, Toán, Thể dục, Mỹ thuật, Gym Sport, hoạt động trải nghiệm 1 tiết/ tuần… Học phí lớp tiền tiểu học của trường trung bình 10.250.000 đồng/tháng.
Cân nhắc nhập học sớm
Do các trường tổ chức tuyển sinh sớm nên sau khi trúng tuyển, người học cần phải thực hiện việc đặt cọc giữ chỗ. Nếu quá thời gian xác nhận trúng tuyển và đặt cọc, phụ huynh vẫn chưa nộp tiền thì coi như mất suất vào trường. Ngược lại, nếu phụ huynh nộp tiền cọc để chắc suất con sẽ vào học, nếu sau này có thay đổi nguyện vọng thì phần lớn các trường sẽ không trả lại số tiền này. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần cẩn trọng cân nhắc.
Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Nguyễn Thanh Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ ban đầu chị đăng ký cho con học một trường tư thục với mức học phí hơn 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi bé thứ 2 chuẩn bị đi học tiểu học, Covid-19 ập đến khiến công việc bị đình trệ, cộng thêm có người nhà bị bệnh kéo dài khiến chị không thể tiếp tục để con học ở trường tư. Khi chuyển con về trường công lập gần nhà lại học online toàn bạn mới chưa quen nên chị phải liên tục động viên, đồng hành cùng con. May mắn bé đã bắt nhịp được và tới đây, khi chọn trường cấp 2 cho con, chị dự định sẽ cho con thi tuyển vào một số trường chất lượng cao và đã nghiên cứu rất kỹ về mức học phí, môi trường học tập cũng như chương trình, đội ngũ thầy cô.
“Song song với đó, tôi vẫn chuẩn bị cả phương án nếu con trượt các nguyện vọng này thì học trường công lập ở gần nhà để con cố gắng nhưng cũng không quá áp lực thi cử, vẫn cân bằng giữa học và nghỉ ngơi, chơi bóng 2 buổi/tuần ở câu lạc bộ gần nhà”- chị Mai cho biết.
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) cho rằng, ngày nay nhiều bậc phụ huynh coi trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ từ sớm nên việc chọn trường, chọn lớp cho con là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện gia đình để quyết định cho con đi đường dài với việc học, không nên thay đổi môi trường học tập của con trẻ liên tục để tránh bị xáo trộn tâm lý. Đặc biệt, quan trọng nhất là tìm kiếm môi trường thực sự phù hợp với con.