Giữ cho hiện tại và tương lai

Thanh Tùng 07/02/2023 08:08

UBND TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt danh mục 8 ao, hồ, đầm, phá trên địa bàn không được san lấp, xâm lấn. Trong bối cảnh hệ sinh thái mặt nước (ao, hồ, đầm, phá) nhiều địa phương trên cả nước bị xâm hại, bức tử dưới danh nghĩa quy hoạch, chỉnh trang đô thị suốt hàng chục năm qua thì động thái này của chính quyền TP HCM là tín hiệu rất tích cực.

8 ao hồ, đầm, phá được chính quyền TPHCM phê duyệt không được san lấp, xâm lấn là ao cá Hương Tràm, hồ cá Công ty thủy sản, ao Song Tân ở quận 7; hồ Kỳ Hòa, công viên văn hóa Lê Thị Riêng ở quận 10; hồ chứa trong Công viên văn hóa Đầm Sen ở quận 11; hồ điều tiết nước Công viên Thanh Đa, hồ chứa nước ở quận Bình Thạnh; đều là hệ sinh thái mặt nước tồn tại qua nhiều thế hệ dân cư. Các hệ sinh thái ao hồ, đầm, phá không chỉ tạo nên vùng “tiểu khí hậu” trong lành, cảnh quan thơ mộng mà còn thực hiện công năng điều tiết nước, giảm ngập úng cục bộ cho thành phố đông dân cư mỗi khi mưa lớn.

Động thái tích cực của chính quyền TPHCM cũng khiến mọi người liên tưởng đến sáng kiến chống ngập bằng lu (chum, vại) của Đại biểu HĐND TPHCM, bà Phan Thị Hồng Xuân, giữa tháng 7/2019. Theo bà Xuân, mỗi gia đình ở đô thị đông dân nhất cả nước, chỉ cần cái lu sức chứa 1m3 là vừa có thể góp phần chống ngập, vừa có nước sạch để dùng. Liên tưởng để thấy rằng, hàng trăm ha diện tích của 8 ao hồ, đầm phá ở TPHCM được gìn giữ nguyên vẹn, sẽ là những khu vực chứa nước tương đương vài chục triệu chiếc lu đặt tại hộ gia đình.

Hàng chục năm qua, hệ sinh thái mặt nước (ao, hồ, đầm, phá) ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có TP Hà Nội, bị san lấp, xâm hại, thậm chí bị bức tử, xóa sổ trước áp lực đô thị hóa. San lấp ao hồ, đầm, phá - đặc biệt là ao hồ, đầm, phá kiến tạo tự nhiên, tồn tại của hàng nghìn năm để xây cao ốc hay phân lô, bán nền là hoàn toàn không nên nhưng đáng tiếc trong quá trình đô thị hóa, không ít địa phương đã xóa sổ hoặc thu hẹp diện tích lớn mặt nước, bờ bãi đầu biển cuối sông để hình thành “khu đô thị” và phân lô bán nền.

Việc phê duyệt giữ nguyên vẹn 8 ao hồ, đầm, phá ở TPHCM cũng có thể nhìn nhận là khởi đầu tích cực đối với công tác quy hoạch ở các địa phương, tránh cái giá phải trả quá đắt cho hiện tại và tương lai, nhất là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP Đà Nẵng. Những năm gần đây, khu vực trung tâm Đà Nẵng thường xuyên xảy ra ngập cục bộ. Hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung rộng hàng chục ha ở trung tâm thành phố đã gần như bị xóa sổ trong quá trình quy hoạch mở mang hạ tầng đô thị từ năm 1997, chỉ còn lại 2 cái ao nhỏ không đủ chứa nước trong các trận mưa lớn, là nguyên nhân gây ra ngập úng cục bộ. Sau trận mưa lớn, kéo dài trong bão số 5 (đêm 14/10/2022), gần như toàn bộ diện tích quận Liên Chiểu với gần 10 km mặt tiền bờ biển bị ngập sâu. Nước lên nhanh khiến người dân không kịp trở tay dẫn đến thiệt hại nặng nề. Không thể loại trừ nguyên nhân dẫn đến trận mưa ngập bất thường, là cửa sông Cu Đê - Thủy Tú dưới chân đèo Hải Vân bị thu hẹp, bị thắt lại bởi khu đô thị được hình thành trên hàng trăm ha bờ bãi cửa sông - là nơi chứa nước từ sườn Đông dãy Trường Sơn đổ về mỗi khi mưa lớn.

Ao hồ, đầm, phá, nhất là ao hồ, đầm phá có kiến tạo tự nhiên, ảnh hưởng, tác động rất lớn đến đời sống cũng như tinh thần của rất nhiều thế hệ dân cư ở mỗi vùng đất. Xâm hại, xóa sổ ao hồ, đầm phá tự nhiên, chắc chắn phải trả giá rất đắt cho hiện tại và tương lai.

Thanh Tùng