Mưa trái mùa, người trồng điều bất an
Đang là cao điểm vào mùa điều, song do diễn biến thời tiết phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến vườn điều. Thời điểm này, bà con nông dân ở “thủ phủ điều” Bình Phước đang nỗ lực vào cuộc chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho vườn điều của mình.
Những ngày này, hộ gia đình anh Nguyễn Ngọc Hùng (xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đang khẩn trương thuê nhân công để phát, dọn cỏ cho vườn điều rộng gần 6ha của gia đình. Anh Hùng cho hay, sau Tết Nguyên đán, vườn điều đã ra bông và kết trái sớm. Đây là thời điểm nhà nông trồng điều tất bật bắt tay làm sạch vườn để chờ thu hoạch. Một tay nhặt cỏ, một tay tưới tắm vườn điều, anh Hùng cho biết, vườn điều nhà anh năm nay ít sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với mọi năm. Thời điểm này, anh Hùng và nhiều hộ trồng điều khác ở xã Đức Hạnh đang tấp nập cho việc dọn dẹp, chăm sóc vườn điều. Theo anh Hùng, việc dọn cỏ sạch sẽ hạn chế sự xuất hiện của sâu bệnh.
Tuy nhiên, sự chăm chút của những người nông dân cũng không thể “đấu” lại được với khí hậu thiên nhiên. Những cơn mưa trái mùa nhiều ngày qua xuất hiện liên tục khiến bà con ở “thủ phủ điều” không khỏi lo lắng. Bởi, thời tiết thay đổi nên việc có được mùa điều năm nay hay không vẫn còn là câu hỏi phía trước. Trong tình hình đó, bà con xã Đức Hạnh đang khẩn trương vào cuộc chăm sóc vườn điều để giúp cây phát triển tốt trong quá trình ra bông đậu trái, hạn chế thấp nhất tác động gây hại từ thời tiết cực đoan.
Tương tự, gia đình bà Phạm Thị Thanh (xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập) cũng đang tập trung phun thuốc bảo vệ thực vật để tăng hiệu quả đậu trái, phòng trừ sâu bệnh sau khi trời đổ mưa. Với diện tích khoảng 5ha, đến thời điểm này việc dọn vườn cơ bản đã được gia đình bà Thanh thực hiện đến 80%. Dù vậy, do thời tiết, khí hậu thay đổi nên điều có tình trạng kết trái sớm, gia đình bà Thanh vẫn đang phải chăm chút, theo dõi diễn biến từng ngày của vườn điều.
Bà Thanh cho hay, nhờ sự tích cực tham gia các buổi hội thảo, tập huấn, tìm hiểu rõ từng loại sâu, bệnh được xã tổ chức, gia đình đã chủ động mua thuốc phòng trị sâu bệnh kịp thời, theo dõi vườn nhằm phát hiện dấu hiệu bất thường để ứng phó.
Tại nhiều địa phương ở “thủ phủ điều” Bình Phước, sau các đợt ra quân hướng dẫn, tập huấn chăm sóc vườn điều, ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt trong việc chủ động chăm sóc vườn điều.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cũng liên tục tuyên truyền khuyến cáo người dân không nên chủ quan vì thời tiết diễn biến phức tạp, cần thường xuyên kiểm tra vườn điều để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sâu bệnh phát sinh cũng như có biện pháp khắc phục khi mưa trái mùa và có sương.
Hiện, toàn tỉnh Bình Phước có hơn 150.000 ha điều. Cây điều đang là cây trồng chủ lực tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đốp... Chính quyền địa phương cũng đã chủ động khuyến cáo bà con nông dân ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để đa dạng hóa sản phẩm ngành điều, chủ động kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm điều.
Bình Phước được xem là "thủ phủ điều" của cả nước. Tỉnh này cũng đã quy hoạch phát triển ngành điều của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu ổn định diện tích cây điều theo hướng thâm canh, xen canh. Gắn sản xuất với công nghiệp chế biến hạt điều.