Giữ gìn giá trị đẹp của lễ hội
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về nhiều lễ hội lại được tổ chức khắp mọi miền của đất nước. Song, bên cạnh những nét đẹp mà văn hóa lễ hội mang lại, vẫn còn những bất cập, những điểm trừ... ở nhiều lễ hội.
Nhiều chuyển biến tích cực
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của Covid-19, sự trở lại của nhiều lễ hội trong những ngày đầu năm đã tạo nên không khí tưng bừng, sôi động khắp nơi trên cả nước. Điều đó thể hiện ở việc, lượng du khách thập phương tham gia các lễ hội tăng đột biến. Song, khác với mọi năm, tại các lễ hội năm nay, ý thức của người dân tham gia có sự chuyển biến rõ nét. Không còn cảnh chen lấn, xô đẩy, cướp lộc... như mọi năm.
Hầu hết ở các lễ hội thể hiện rõ nét văn minh nơi thờ tự, không gian sạch đẹp, an toàn và bảo đảm các yếu tố truyền thống, du khách cũng chấp hành tốt các quy định.
Bên cạnh đó, các ban quản lý lễ hội đã có những đầu tư về hạ tầng, tăng cường lực lượng phục vụ khách đến lễ, dự hội, làm tốt việc thu gom đồ lễ, vệ sinh di tích, công tác tổ chức cũng trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục. Điều đáng ghi nhận là, tệ nạn và những biến tướng ở lễ hội có chiều hướng giảm mạnh, góp phần đưa hoạt động lễ hội và nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân trở lại nét đẹp văn hóa như vốn có.
Một trong những “điểm nóng” năm nay là lễ hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, Phú Thọ) dừng tổ chức cướp phết. Mặc dù khá nhiều người dân địa phương tiếc nuối vì không có màn cướp phết, nhưng không vì thế mà không khí lễ hội kém đi sự sôi động.
Chủ tịch UBND xã Hiền Quan, Trưởng ban tổ chức lễ hội Lê Trung Huyên cho biết, có nhiều lý do để dừng việc tổ chức cướp phết trong lễ hội. “Ngoài lo dịch Covid-19 lây lan thì ở những lễ hội trước đã xuất hiện một số hình ảnh được cho là phản cảm như: cởi trần, tranh cướp dưới bùn đất, thanh niên tham gia lễ hội xô xát” – ông Huyên cho biết.
Không chỉ lễ hội Phết Hiền Quan, nhiều lễ hội thường xảy ra những sự cố đáng tiếc cũng đã có nhiều thay đổi. Tại lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội), sau nhiều năm thay đổi phương thức tổ chức, đã không còn cảnh cướp hoa tre. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, năm nay lễ hội tiến hành nghi lễ phát lộc hoa tre cho người dân ngay từ đêm 30 Tết. Số lộc hoa tre được chuẩn bị nhiều hơn, tránh tình trạng thiếu hụt, xảy ra tranh cướp phản cảm. Phần hội có thêm nhiều nét mới, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm. Lễ đúc Bụt (Vĩnh Phúc) năm nay, lần đầu tiên nghi lễ “cướp chiếu” được thay đổi bằng việc “phát lộc”, nhờ đó đã giảm thiểu sự hỗn loạn.
Tại Bắc Ninh, Ban tổ chức lễ hội Lim năm nay cũng đã có những biện pháp mạnh để tránh các hình ảnh phản cảm, như nghiêm cấm tất cả hình thức hát quan họ ngửa nón nhận tiền. Không hát nhạc mới, hát chèo, hát văn nhảy đồng, các loại nhạc khác không phù hợp. Nghiêm cấm các trò chơi điện tử, xiếc, môtô bay, quảng cáo và các trò chơi khác dùng loa nén, sử dụng âm thanh loa máy có công suất lớn gây ảnh hưởng đến không gian lễ hội. Đồng thời nghiêm cấm các hàng quán, dịch vụ bày bán hàng, kinh doanh trên đồi Lim; nghiêm cấm lợi dụng các trò chơi dân gian để tổ chức cờ bạc trá hình; không tổ chức trò chơi chọi gà.
Những mảng màu tối
Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, vẫn còn đó những gam “màu tối” vốn là bất cập xảy ra nhiều năm. Trong đó, tình trạng chèo kéo khách vẫn diễn ra, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn nhức nhối. Tại khu di tích Tây Thiên, các xe của du khách muốn vào thì phải vượt qua “ma trận” của “cò mồi” chỗ ăn, chỗ nghỉ, chỗ sắm lễ... Còn tại Chùa Hương, dù đã có “lệnh cấm” nhưng việc bán thịt thú rừng vẫn diễn ra hết sức công khai. Theo cảnh báo của Ban Tổ chức lễ hội Chùa Hương, tất cả các loại “thịt thú rừng” chỉ là chiêu trò “treo đầu dê bán thịt chó” của chủ nhà hàng. Hầu hết những loại thịt được quảng cáo là thịt hươu, nai, hoẵng, chồn hương… đều là thịt dê, thịt bê, thịt thỏ được “phù phép” thành thịt thú rừng. Dù vậy, Ban quản lý khu di tích Chùa Hương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. “Sạn” của lễ hội Chùa Hương còn thể hiện ở việc, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phải xử phạt hàng loạt chủ thuyền, đò tại suối Yến do không trang bị áo phao cho khách.
Cùng với đó, tình trạng đốt vàng mã, nhét tiền vào tượng Phật tại nhiều điểm di tích vẫn còn tái diễn như tại Đền Bà chúa Kho, Chùa Bái Đính, Chùa Bia Bà… Nhìn nhận về thực trạng này, TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu dân gian ứng dụng cho rằng, việc người dân đi lễ hội đốt vàng mã, nhét tiền vào tượng phật, các nơi trong đền, chùa… thể hiện sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng, thậm chí là biểu hiện của cuồng tín, mê tín. “Có một tư tưởng sai lầm của một bộ phận người dân là, xã hội dương gian như thế nào thì ở phần âm cũng như vậy. Họ quan niệm dương gian có càng nhiều tiền càng tốt. Chính vì vậy, ở thế giới âm cũng cần phải có nhiều tiền nên người ta đốt nhiều tiền vàng mã. Đây là quan niệm rất sai lầm...” – ông Sơn nói và đề nghị, ngành chức năng cần lên tiếng về vấn đề này. Ngoài ra các chùa, đền cũng phải có quy định rõ, người đi lễ nên đốt vàng mã như thế nào, không thể đốt vàng mã một cách phung phí.
Với sự phát triển của xã hội, việc tổ chức lễ hội đang phải đối mặt với nhiều diễn biến, thay đổi trong bối cảnh mới. Bởi vậy, việc bảo tồn giá trị văn hóa tại các lễ hội chính là bảo tồn cốt lõi, ý nghĩa và lựa chọn những hành động phù hợp, điều này rất cần sự chung tay của cơ quan quản lý và toàn dân.