TP HCM 'đặt hàng' báo chí tham vấn, phản biện nhiều chủ trương, quyết sách lớn
Ngày 7/2, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức họp mặt lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên tiêu biểu các cơ quan báo chí, xuất bản mừng Đảng mừng Xuân Quý Mão năm 2023. Tham dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên.
Báo cáo những điểm nổi bật trong công tác báo chí xuất bản của TP HCM trong năm qua, ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM cho biết, lãnh đạo thành phố ghi nhận sự đóng góp rất lớn, nhất là các tuyến bài tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Một số báo tổ chức được các loạt bài giám sát, phản biện làm rõ vai trò của chính quyền thành phố về đổi mới phương pháp làm việc đối với các cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần phục vụ, góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách cho thành phố.
Cũng theo ông Lê Hồng Sơn, một số cơ quan báo chí cũng khai thác ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra các tham vấn, dự báo nhiều tín hiệu tích cực trong hoạt động kinh tế năm 2023 của TP HCM. Nhờ đó, giúp tham mưu tốt cho nhiều chủ trương, kế hoạch, chính sách phát triển cho thành phố. Điển hình như các tuyến bài với chủ đề: TP HCM gỡ điểm nghẽn, khai thác dư địa phát triển; Thôi thúc khát vọng phát triển TPHCM; Tầm nhìn mới, viễn cảnh mới cho TP HCM; Đón chuyến tàu biển châu Âu xông đất đầu năm; Động lực tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu tư công; Các cảng biển đón tàu khai xuân, hoạt động xuyên Tết.
Dù vậy, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM cũng chỉ ra 3 hạn chế, tồn tại lớn nhất trong lĩnh vực báo chí xuất bản trong năm 2022, trong đó số bài viết về thành tựu trong công tác xây dựng Đảng trên báo chí thành phố còn ít. Vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí có biểu hiện “chạy” theo mạng xã hội, khai thác quá đà thông tin, đặt tít câu view, sử dụng thông tin và hình ảnh chưa phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Cũng theo ông Lê Hồng Sơn, một số cơ quan báo chí chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo, định hướng về thông tin của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí gây tác động tiêu cực trong dư luận. Bên cạnh đó, xuất bản phẩm điện tử phát triển còn chậm do khả năng ứng dụng công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hoạt động xuất bản, in và phát hành chưa có bước phát triển mang tính đột phá…
Phát biểu góp ý tại buổi gặp mặt, ông Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ nhìn nhận, báo in hiện đang ngày càng giảm số lượng, trong khi các thông tin trên mạng xã hội ngày càng mở rộng. Do đó, báo chí phải đối mặt với nhiều thách thức, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn hơn trong những năm tới.
“Trong những năm qua, báo in Tuổi Trẻ sụt giảm mạnh, trong đó riêng năm 2022 số lượng quảng cáo và phát hành giảm 25% so với năm 2021. Phần lớn doanh thu từ báo Tuổi Trẻ đến từ các sản phẩm chuyển đổi số và nhờ vào tổ chức các hoạt động truyền thông”, ông Lê Thế Chữ chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, báo Tuổi Trẻ đã chuyển hướng đầu tư mạnh vào các sản phẩm chuyển đổi số, như hệ sinh thái số, gồm Tuổi Trẻ online, các trang mạng xã hội báo Tuổi Trẻ trên Youtube, Intergram, Zalo, Facebook,….Song song đó, báo Tuổi Trẻ đổi mới về nội dung, công nghệ, tập trung cho kinh doanh trên nền tảng số.
Nhân sự kiện gặp mặt lãnh đạo TP HCM, ông Lê Thế Chữ đã kiến nghị TP HCM cần tăng cường cơ chế đặt hàng đối với báo chí, trong đó tập trung vào những vấn đề lớn của thành phố để báo chí chủ trọng tổ chức các tuyến bài tham vấn, phản biện, hiến kế cho thành phố. Chẳng hạn như là các ấn đề về liên kết vùng, chính quyền đô thị, chuyển đổi số, cơ chế đặc thù đầu tư nhà ở xã hội.
Góp ý với lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM cho biết, trong năm qua đài VOH tập trung tuyên truyền về đầu tư công các dự án lớn như Vành đai 3, tuyến Metro, cao tốc TP HCM - Mộc Bài,…Song song đó là thông tin liên kết vùng giữa TP HCM và các địa phương trên cả nước.
Ông Bình kiến nghị, TP HCM tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong truyền thông về thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển TP HCM được hiệu quả hơn. Nhất là, thành phố cần lập bộ phận cung cấp thông tin nhanh đến báo chí để phóng viên tiếp cận nhanh các thông tin, phỏng vấn kịp thời lãnh đạo Sở ban ngành, quận/huyện trong quá trình triển khai các Nghị quyết.
Tại buổi họp mặt, ông Từ Lương, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP HCM góp ý một số giải pháp để nâng cao công tác báo chí - xuất bản trong thời gian tới, như truyền thông chính sách, truyền thông các dự án/đề án trọng điểm của thành phố.
Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Từ Lương cho biết trong quá trình cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến chủ trương xây dựng dự án Vành đai 3 vừa qua, TP HCM đã chủ động trong hỗ trợ, cung cấp thông tin, người phát ngôn. Đặc biệt, thành phố cũng hỗ trợ phóng viên báo chí tiếp cận nhiều chuyên gia về hạ tầng, đô thị để báo chí tiếp cận đa dạng nguồn thông tin về dự án.
Từ dẫn chứng này, ông Từ Lương cho biết vào cuối tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng. Ở TP HCM, nhiệm vụ không chỉ của riêng Sở TTTT, Ban Tuyên giáo mà còn là nhiệm vụ của các Sở ban ngành thành phố. Do đó, kiến nghị TP HCM sớm có giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện, gợi ý, cung cấp thông tin, giới thiệu nhân vật để khai mở những khả năng đổi mới, sáng tạo của thành phố trong thời gian tới.
“Đầu tư cho truyền thông là đầu tư cho phát triển”, ông Từ Lương chia sẻ.
Cũng tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam cho biết, với vai trò là cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, là tổ hợp truyền thông đa phương tiện chủ lực mạnh của quốc gia với hàng chục sản phẩm báo chí xuất bản, trong thời gian qua TTXVN cũng đã luôn đặt ưu tiên nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về TP HCM lên hàng đầu.
Phát huy những kết quả, cách làm hiệu quả trong nhiều năm qua của TTXVN, ông Tuấn góp ý TP HCM cần xây dựng một đề án truyền thông bài bản, dài hạn để vừa chủ động về nguồn lực tài chính, vừa có chiến lược truyền thông tổng thể, chuyên nghiệp, để có thể chủ động trong mọi tình huống, mọi giai đoạn, đem lại hiệu quả cao nhất trong thúc đẩy xây dựng, phát triển cũng như khẳng định, quảng bá “thương hiệu” TP HCM.
Phát biểu ghi nhận ý kiến góp ý của các cơ quan báo chí, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã thay mặt lãnh đạo thành phố gửi lời cảm ơn và chúc mừng năm mới đến các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đóng trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Văn Nên đánh giá, báo chí đã thực hiện khá tốt truyền thông đồng hành của mình giai đoạn “hậu” Covid-19. Đặc biệt, thành phố đánh giá cao vai trò đóng góp của các cơ quan báo chí thông tin chủ động phản ánh bức tranh sinh động kinh tế - xã hội của thành phố. Nhất là, phản ánh nhiều sự kiến lớn của thành phố như chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với đảng bộ, chính quyền thành phố; hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; tổng kết và tham mưu thay thế Nghị quyết 54; triển khai Nghị quyết 31 và nhiều vấn đề trọng tâm khác.
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ thứ 11 của Đảng bộ TP HCM, ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí tập trung vào phản ánh, lan tỏa niềm tin mới, quyết tâm mới vào đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhất là, tập trung vào thực hiện chủ đề năm 2023 của TP HCM là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”.
“ChatGMT là đột phá của trí tuệ nhân tạo đã và đang có tác động rất lớn, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội nhưng công cụ này cũng sẽ có tác động hai mặt. Mặt tích cực của công cụ này sẽ thúc giục chúng ta phải đổi mới, sáng tạo và thích nghi trong bối cảnh mới. Nhưng mặt khác cũng đặt ra nhiệm vụ báo chí phải sàng lọc thông tin, các nhà báo phải nhanh hơn, chuyên nghiệp để hoàn thành sứ mệnh của mình”, Bí thư Thành ủy TP HCM chia sẻ tại buổi gặp mặt.