Bùng nổ bán hàng qua livestream: Cửa hàng truyền thống có mất vị thế?
Livestream bán hàng hiện nay đang rất thu hút người mua và mang lại nhiều lợi nhuận, tuy nhiên vì phát triển quá nở rộ cùng hình thức chốt đơn trước trả tiền sau nên tỉ lệ hàng "bom" về cũng khá cao.
Livestream bán hàng trên Tiktok, Facebook ngày càng thịnh hành
Hiện nay, việc bán hàng qua hình thức livestream (phát sóng trực tiếp) đang ngày càng phổ biến trên mạng xã hội. Hình thức bán hàng này mang lại lợi nhuận cao trong khi chi phí bỏ ra thấp và khả năng tiếp cận đến nhiều người cũng rộng rãi hơn.
Mặc dù hình thức bán hàng qua livestream đã xuất hiện từ lâu nhưng bùng nổ nhất phải kể đến khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan mạnh tại Việt Nam, buộc mọi người phải cách ly tại nhà.
Theo một thống kê mới đây tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 70 đến 80 nghìn phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Thậm chí, không chỉ những người buôn bán bình thường mà ngay cả giới nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL cũng đang tận dụng hình thức bán hàng này để kiếm thêm thu nhập.
Bạn Hoài Như (26 tuổi), hiện đang là cộng tác viên tại một công ty về logistics tại Hà Nội kiêm bán hàng quần áo qua livestream cho biết, hàng ngày cô thường bắt đầu livestream vào lúc 21h, vì đấy là thời điểm mà nhiều người xem nhất, đơn đặt hàng cũng đến nhiều hơn.
Theo Như chia sẻ: "Mình bắt đầu làm công việc này vào khoảng tháng 4/2022, khi được một người quen nhờ livestream bán hàng cùng vì quá tải đơn. Khi đó mình bắt đầu hứng thú với công việc vì lượng đơn đặt hàng đến liên tục mà lại không mất nhiều chi phí, bỏ nhiều vốn lấy hàng hay phải thuê mặt bằng kinh doanh"...
Những cửa hàng bán hàng chính liệu có bị thay thế?
Mặc dù hình thức livestream bán hàng nổi lên rất nhanh, nhiều người cũng đặt ra nghi vấn liệu sau này các cửa hàng truyền thống có dần phải đóng cửa và thay thế khi người bán hàng chỉ việc ngồi một chỗ, đối diện với chiếc màn hình điện thoại và "chốt đơn"?
Tuy nhiên, xét về nhiều mặt, hình thức bán hàng này vẫn gặp những trở ngại. Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ), livestream bán hàng đang tăng trưởng nóng nhưng đi kèm là tỉ lệ hàng bị trả lại rất cao, ước tính khoảng 30%, nhất là hình thức thanh toán COD (nhận hàng trả tiền) còn đang phổ biến.
"Hàng hoàn lại gây thiệt hại cho nhà bán. Mỗi đơn hàng bị hoàn lỗ từ 30.000 - 50.000 đồng do chi phí vận chuyển 2 chiều, chi phí đóng gói chưa kể hàng hóa bị hư hỏng, xuống cấp. Đây là "ác mộng" của người bán vì nếu không khéo quản lý thì sẽ bị lỗ dù nhìn qua có vẻ rất đắt hàng", ông Nguyễn Mạnh Tấn nhìn nhận.
Chị Bích Thuỳ (42 tuổi), chủ cửa hàng tiêu dùng nội địa Nhật Bản tại Cầu Giấy cho biết: "Khi hình thức bán hàng livestream nổi lên, tôi cũng nhanh chóng nắm bắt và cho các nhân viên học livestream. Đúng là bán qua đây có mang lại lãi nhiều hơn, tuy nhiên tệp khách hàng mà quán đang hướng tới lại là những người đứng tuổi, muốn tận tay tận mắt nhìn thấy sản phẩm rồi mới đặt hàng".
"Ngoài ra, việc mở cửa hàng cũng là hình thức để "khẳng định thương hiệu" của người bán, để giúp giải đáp thắc mắc của khách hàng, đồ có hỏng có sai người ta cũng mang tận nơi đổi trả được nếu lo sợ. Còn bán hàng livestream không thôi, có bị làm sao cũng chưa chắc có người chịu trách nhiệm thay mình", chị Thủy đánh giá.
Đây cũng là chia sẻ của một số người tiêu dùng: Dù hình thức bán hàng livestream "gây bão" trong suốt thời gian qua, tuy nhiên nhiều người tiêu dùng vẫn muốn được là người được cầm vào, thử sản phẩm trước khi thanh toán tiền. Khi theo dõi và mua hàng bằng hình thức livestream, khách hàng không được trực tiếp cầm sản phẩm, không được trải nghiệm sản phẩm như những mô hình mua sắm truyền thống. Do đó, có thể phát sinh các trường hợp bán hàng không đúng với cam kết chất lượng, thậm chí lừa đảo.
Nhận định từ phía các chuyên gia, việc tạo điều kiện cho công nghệ này phát triển là tất yếu nhưng quản lý thế nào để đảm bảo các hoạt động livestream diễn ra đúng pháp luật là vấn đề cần cơ quan quản lý Nhà nước chú ý. Được biết sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng. Ví dụ như chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được livestream, phải cung cấp thông tin thời gian và nếu bán hàng thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế... Thay đổi này phần nào giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng, mua hàng qua livestream.