Hồ Văn khoác 'áo mới'
Sau khi được chỉnh trang, tôn tạo, hồ Văn (Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám) đã có một diện mạo mới. Nơi đây từ lâu đã trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục gắn liền với di tích. Với những giá trị đặc biệt vốn có, hồ Văn hoàn toàn có thể trở thành một không gian văn hóa sáng tạo hấp dẫn của Hà Nội trong tương lai.
Diện mạo mới
Hồ Văn nằm trong quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây vốn là nơi bình thơ văn của các bậc nho sĩ xưa, nhưng trải qua thời gian dài, công trình này bị mai một. Cùng với đó, việc quản lý khu vực hồ Văn lỏng lẻo nên xuất hiện công trình thờ tự tự phát do một số người dân xây trái phép.
Năm 2006, sau khi hồ Văn được bàn giao cho Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám quản lý, hiện trạng hồ đã khang trang, sạch đẹp hơn. Trở thành nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân, công chúng và du khách trong nước và quốc tế.
Trước khi dự án cải tạo hồ Văn được thực hiện, các vấn đề tồn tại trên gò Kim Châu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan chung của khu di tích, làm sai lệch các giá trị vốn có của tổng thể khu di tích, ảnh hưởng đến hoạt động phát huy, khai thác giá trị của hồ.
Sau khi được cơ quan cấp có thẩm quyền đồng ý, dự án tôn tạo, tu bổ hồ Văn đã được triển khai. Theo đó, dự án đã tiến hành chỉnh trang đường đi lối lại trong khu vực hồ Văn, thi công các công trình làm đẹp cảnh quan, không gian quanh hồ. Tòa Phương đình được phục dựng theo tiêu chí là kiến trúc duy nhất trên gò, nằm ở vị trí trung tâm của tổng thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mang đậm nét kiến trúc Việt. Kiến trúc Phương đình chồng diêm 2 tầng 8 mái đặt trên nền cao hơn so với mặt sân 0,45m. Kết cấu bộ khung gồm 16 cột gỗ, cột cái, cột quân bằng chất liệu đá để giảm thiểu các tác nhân gây hại như nắng, mưa cho hàng cột ngoài cùng; nền lát gạch Bát Tràng phục chế; chân tảng, bậc cấp bó vỉa chế tác bằng đá xanh Thanh Hóa; mái lợp ngói mũi hài. Sau khi dựng lên Phương đình tại gò Kim Châu, hai cây si cổ thụ và hai bia đá vốn có vẫn được bảo tồn.
Thay đổi đáng chú ý là sự xuất hiện của chiếc cầu đá dẫn sang gò, tòa Phương đình. Cầu đá là giải pháp tối ưu khi tu bổ hồ Văn, đặt ở phía Tây Bắc hồ. Cầu bằng đá xanh, dài gần 17m, rộng hơn 2m chia làm 5 nhịp lớn, 4 hàng chân cột. Mảng trang trí cầu gắn với truyền thống dân gian, lan can cầu cao 0,95m được bọc toàn bộ đá xanh đục thô.
Cảnh quan sân vườn ở khu vực hồ Văn cũng được thay “áo” mới. Toàn bộ nền sân được lát đá xanh, bề mặt đục nhám chống trơn, giữa các viên đá được xen kẽ trồng mạch cỏ rộng 5cm nhằm giảm bớt vẻ khô cứng để hòa nhập, gần gũi với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Ngoài ra còn có hạng mục xây dựng kè hồ, lan can đá.
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Việc phục dựng không gian hồ Văn nhằm ổn định công tác quản lý và sử dụng khu vực hồ Văn, trả lại đúng chức năng và vị trí vốn có trong tổng thể, góp phần thiết thực vào việc nâng cao giá trị, phát huy giá trị của tổng thể khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám”.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát huy di sản văn hóa Việt Nam, khi không gian văn hóa hồ Văn được hình thành, người được hưởng lợi đầu tiên là những người dân sống xung quanh di tích. Người dân không chỉ được hưởng thụ một không gian văn hóa cộng đồng mà còn có thể kiếm kế sinh nhai khi các hoạt động phục vụ du khách được diễn ra.
Nội dung cần hấp dẫn
Tại một buổi gặp gỡ và bình thơ được tổ chức tại hồ Văn diễn ra mới đây, tác giả của bài thơ “Bếp lửa” Bằng Việt đã rất tâm đắc khi Văn Miếu - Quốc Tử Giám làm được một việc mà từ lâu nhiều người mong đợi đó là phục dựng gò Kim Châu và cải tạo hồ Văn, nơi bình thơ văn của các bậc nho sĩ xưa.
“Đây là một địa điểm đẹp và ý nghĩa. Gò Kim Châu (hồ Văn) không cách xa chốn đô hội ồn ào của phố xá nhưng nó lại hoàn toàn tĩnh lặng. Ngoài đường người ta có thể không biết nhưng khi đến vào trong thì người ta lại thấy rất đẹp và bất ngờ” - nhà thơ Bằng Việt chia sẻ.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cải tạo, chỉnh trang hồ Văn mới chỉ hoàn thành được phần “vỏ”. Muốn hồ Văn thực sự hồi sinh, Hà Nội cần nghĩ tới hoạt động văn hóa, giáo dục gắn liền với di tích. Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, việc chỉnh trang để trả lại giá trị cho hồ Văn là hết sức cần thiết, tuy nhiên sau khi hoàn thiện công trình này, Trung tâm Văn Miếu cần quan tâm tới hoạt động văn hóa, di sản đa dạng để phát huy giá trị.
“Những hoạt động hội sách, hội chữ, trải nghiệm đã từng diễn ra ở hồ Văn trong mấy năm qua là một sự khởi đầu rất tốt, đã thật sự hấp dẫn và phù hợp. Tuy nhiên, các hoạt động này chưa diễn ra thường xuyên nên cần thêm nhiều hoạt động phù hợp và hấp dẫn hơn nữa theo hướng đa dạng để phát huy giá trị di sản” - ông Trụ nhấn mạnh.
“Dự án Xây dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu thuộc hồ Văn đã hoàn thành sau 6 năm chuẩn bị. Các hoạt động được tổ chức tại đây đã thực sự hồi sinh hồ Văn sau một thời gian dài đóng cửa, không hoạt động. Mục tiêu đặt ra của dự án, bước đầu đã được thực hiện tốt. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ triển khai dự án tiếp theo chỉnh trang tổng thể để phát huy giá trị hồ Văn phục vụ phát triển du lịch bền vững. Sau khi dự án hoàn thành, hồ Văn sẽ là trung tâm hoạt động văn hoá, hướng tới đối tượng là người trẻ, không gian mở cho các hoạt động cộng đồng” - ông Lê Xuân Kiêu cho biết.