Tận dụng tốt các FTA để xuất khẩu
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Nhận định về tình hình xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng, nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nên xuất khẩu duy trì tốt. Trong đó, doanh nghiệp (DN) đã tận dụng tốt cơ hội để phát triển thị trường, phát triển sản lượng xuất khẩu hiệu quả. Theo Bộ Công thương, trong năm đầu thực thi Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA), trao đổi thương mại song thương đạt 54,9 tỷ USD, sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD. Thực tế cho thấy, DN Việt đã tận dụng hiệu quả các lợi thế từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Trước khi có EVFTA gạo xuất khẩu đi châu Âu phải chịu mức thuế từ 5 - 45%. Khi có EVFTA các DN ngành gạo Việt Nam bắt đầu cạnh tranh với gạo các nước. Đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn sang thị trường EU. Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đơn vị đã xuất khẩu 1.000 tấn gạo mang thương hiệu riêng Cơm Vietnam Rice vào hai chuỗi bán lẻ lớn của Pháp. Không chỉ có gạo của Lộc Trời vào thị trường EU, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Trung An cho hay, hiện toàn bộ gạo của công ty xuất sang châu Âu đều được đóng bao bì nhãn mác thương hiệu Trung An. Giá gạo của Trung An vào thị trường này có mức giá khá cao, khoảng 1.000 USD/tấn.
Cùng với gạo, xuất khẩu da giày của Việt Nam sang các thị trường EVFTA tăng hơn 50% trong năm 2022; xuất khẩu vào thị trường các nước Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) tăng trưởng mạnh, hơn 46%, thị trường ASEAN tăng 64,9%.... “Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu” - ông Vũ Bá Phú đánh giá.
Thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại cho hay, để có kết quả xuất khẩu khả quan Bộ Công thương đã phê duyệt hơn 100 đề án xúc tiến thương mại triển khai tại Việt Nam và các nước trên thế giới, hỗ trợ trên 10.000 lượt tham gia trực tiếp các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện xúc tiến thương mại. Kết quả, hàng triệu DN được hưởng lợi từ các chương trình cung cấp thông tin, tư vấn thị trường, các sự kiện xúc tiến thương mại. Những hoạt động xúc tiến xuất khẩu này sẽ khó thành công nếu không có sự phối hợp, đóng góp của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Thế nhưng, nhận định của đại diện Hiệp hội các ngành, hàng, năm 2023 kinh tế toàn cầu sẽ ảm đạm hơn năm 2022 khi sức mua thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật giảm, nhất là đối với mặt hàng may mặc, da giày, sản phẩm gỗ. Trước tình hình khó khăn nêu trên, yêu cầu đặt ra, ngoài những thị trường truyền thống, DN cần phát triển thị trường mới, thị trường ngách. Đáng chú ý, cần phải khai thác triệt để lợi thế từ những thị trường mà Việt Nam đã ký FTA với các nước, vì đây là những thị trường vừa tiềm năng, vừa có thuế quan thấp. Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, vấn đề thuế quan chỉ là một phần. Hiện các DN Việt Nam đang vướng đó là các hàng rào kỹ thuật. DN Việt cần tuân thủ nghiêm các cam kết về tiêu chuẩn, chất lượng. Thực hiện tốt những cam kết này mới mong mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nói về việc phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện phương châm giữ vững thị trường truyền thống. Song song đó là phát triển các thị trường mới, nhất là thị trường tiềm năng, như Tây Á, Nam Á, Châu Phi và Mỹ La tinh. Đồng thời, phát triển nhiều mặt hàng mới để hàng Việt Nam có thể vươn xa hơn đến người tiêu dùng toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, các DN cần chủ động nắm bắt chính sách mới của các nước sở tại, nhất là những rào cản kỹ thuật mới, để kịp thời tham mưu những chính sách hợp lý, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của các DN. Cần tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa giữa ta và các châu lục, các quốc gia, giữa các DN, từ đó giúp DN trong nước có những điều chỉnh kịp thời chiến lược cũng như các kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.