Lại ‘nóng’ tình trạng an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao

PV 08/02/2023 16:12

Theo thống kê, số cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xử lý trong tháng 1/2023 là 1.234 cuộc.

Gia tăng đáng kể

Trước đó, số lượng thống kê của NCSC cho thấy, sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong tháng cùng kỳ năm ngoái (tháng 1/2022) là 1.383 và trong tháng liền kề trước đó (tháng 12/2022) là 982.

Ảnh minh hoạ: NCSC.

Đại diện Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam - NCS cho hay, tháng 1 năm nay tiếp tục có số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam gây ra sự cố tăng cao hơn so với tháng trước đó là do đây là khoảng thời gian Tết Nguyên đán. Các nhóm tội phạm mạng thường gia tăng hoạt động tấn công mạng, phát tán mã độc nhằm chiếm đoạt thông tin, tài sản của các cá nhân và tổ chức.

Thực tế tình hình an toàn thông tin mạng trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 kéo dài 7 ngày từ 20/1 đến hết ngày 26/1 cũng đã minh chứng cho nhận định, phân tích kể trên. Chỉ trong khoảng 1 tuần Cục An toàn thông tin đã ghi nhận và cảnh báo tới 508 cuộc tấn công mạng, tăng 23% so với 1 tuần trước nghỉ Tết và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

So với cùng kỳ năm 2021, số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong năm 2022 đã tăng 44,2%, so với cùng kỳ năm 2021. Đại diện Cục An toàn thông tin cũng đã lưu ý về hiện trạng dù có nhận được cảnh báo về tấn công mạng hoặc các cảnh báo về điểm yếu, lỗ hổng từ cơ quan chức năng, song vẫn còn rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm xử lý hoặc cập nhật bản vá để giảm thiểu rủi ro.

Cần giải pháp đồng bộ

Hiện nay, tình hình an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng. Trên thế giới, tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng được xếp vào nhóm những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất đối với các quốc gia, ngang hàng với tấn công khủng bố, vũ khí hóa học, thảm họa hạt nhân và là một trọng tâm mới trong công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng của mỗi quốc gia.

Khi các công nghệ mới xuất hiện, đối tượng tấn công mạng, lừa đảo cũng sẽ tìm cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất, đó là con người, áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản.

Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư,... nhưng mục tiêu cuối cùng của các đối tượng chính là tiền.

Cơ quan công an thời gian qua đã liện tục đưa ra các cảnh báo và khuyến nghị, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa các hành vi lừa đảo. Để giải quyết lừa đảo trực tuyến cũng tương tự như lừa đảo trên đời thực, cơ quan công an cho rằng, cần có sự tham gia phối hợp, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương.

Về phía Bộ TT&TT, để bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thời gian tới, cơ quan này sẽ vẫn tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam; đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh. Đồng thời, tiếp tục có các văn bản cảnh báo rộng rãi, đôn đốc việc rà soát điểm yếu lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.

PV