Sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Khủng hoảng chồng chất
Đối với nhiều nạn nhân Syria, trận động đất kinh hoàng tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 chỉ là thảm kịch mới nhất trong chuỗi thảm kịch kéo dài hàng thập kỷ bởi nội chiến.
Khủng hoảng trong khủng hoảng
Theo hãng thông tấn nhà nước NASA, tại Syria, hầu hết các thương vong đều ở phía Tây Bắc của đất nước, chủ yếu ở các thành phố Aleppo, Hama, Latakia và Tartus. Đặc biệt, đây là khu vực đang phải vật lộn để xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng nề do không kích liên tục trong cuộc nội chiến ở đất nước mà Liên hợp quốc (LHQ) ước tính đã cướp đi sinh mạng của 300.000 người kể từ năm 2011.
“Đây là khủng hoảng trong khủng hoảng vì vốn trước đó cơ sở hạ tầng đã bị tê liệt bởi chiến tranh, v.v… Giờ đây, các thành phố hoàn toàn sụp đổ. Nhiều người rất sợ hãi, họ không thể trở về nhà của mình” - ông El-Mostafa Benlamlih, điều phối viên nhân đạo và thường trú của LHQ tại Syria - cho biết.
Trong khi đó, anh Khalil Ashawi - một phóng viên ảnh có trụ sở làm việc tại thị trấn Jindiris ở tỉnh Allepo phía Tây Bắc Syria – cho biết, trong 10 năm đưa tin về cuộc nội chiến ở Syria, anh chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào thảm khốc như trận động đất hôm 6/2.
“Trong 10 năm đưa tin về chiến tranh ở đây, tôi chưa từng chứng kiến một cảnh tượng nào khủng khiếp như thế. Nó là một thảm họa. Nhân viên y tế và lính cứu hỏa đang cố gắng giúp đỡ nhưng thực sự là quá tải” – anh Ashawi nói.
Theo tiến sĩ Mostafa Edo - Giám đốc quốc gia của tổ chức phi chính phủ MedGlobal tại Mỹ, các bệnh viện trong thành phố đã quá tải và thiếu trang thiết bị y tế, đơn cử như đĩa chỉnh hình để điều trị gãy xương. Các bệnh viện cũng đang bị mất điện. Trước đây, họ phụ thuộc vào nguồn điện từ Thổ Nhĩ Kỳ, giờ đây họ sử dụng các máy phát điện đang thiếu nhiên liệu.
Bà Tanya Evans - Giám đốc Quốc gia Syria của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế - đã mô tả trận động đất là “một đòn tàn phá khác đối với rất nhiều nhóm dân cư dễ bị tổn thương vốn đã khổ sở vì nội chiến”.
“Nhiều người ở Tây Bắc Syria đã phải di dời tới 20 lần, với tình trạng các cơ sở y tế hoạt động quá công suất ngay từ trước thảm kịch động đất hôm 6/2, nhiều người đã không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe” – bà Tanya Evans nói.
Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), một nửa trong số 4,6 triệu người dân ở Tây Bắc Syria đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa vì cuộc nội chiến, với 1,7 triệu người hiện đang sống trong lều và trại tị nạn trong khu vực.
Nguyên nhân thương vong và thiệt hại lớn
Thông tin cập nhật đến sáng ngày 8/2, loạt trận động đất hôm 6/2 đã khiến hơn 7.800 người thiệt mạng và làm sập hơn 4.900 ngôi nhà. Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến trận động đất này gây thương vong và thiệt hại lớn như vậy.
Theo đó, đây là một trận động đất mà hai mảng kiến tạo trượt qua nhau theo chiều ngang. Ông Eric Sandvol - nhà địa chấn học tại Đại học Missouri - cho biết, Trái đất được chia thành nhiều mảnh khác nhau, giống như các mảnh của một trò chơi ghép hình. Những mảnh đó gặp nhau ở các đường đứt gãy, nơi các mảng thường cọ sát vào nhau một cách từ từ. Nhưng một khi đủ căng thẳng, chúng có thể lướt qua nhau nhanh chóng, giải phóng một lượng lớn năng lượng.
Bên cạnh đó, ông Mustafa Erdik - Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Động đất và Quan sát Kandilli của Đại học Bogazici ở Istanbul - cho biết: “Một trong những lý do khiến số thương vong quá cao là do chất lượng xây dựng của các tòa nhà không đảm bảo”.
Sau trận động đất năm 1999, các tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải giảm thiểu rủi ro khi nước này dễ xảy ra động đất. Năm sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua luật để thực thi kiểm tra thiết kế và kiểm tra xây dựng bắt buộc đối với tất cả tòa nhà. Tuy nhiên, các tòa nhà được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế chống động đất vẫn chiếm số ít. Ông Erdik nói: “Những tòa nhà đã sập được xây từ trước năm 2000”. Theo cơ quan thảm họa của nước này, hơn 5.600 tòa nhà trên khắp miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sập.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc các công trình xây dựng phát triển nhanh chóng ở Syria, cộng với nhiều năm chiến tranh cũng có thể khiến các công trình dễ bị tổn thương.
Một lý do khác khiến con số thương vong cao là thời điểm trận động đất đầu tiên xảy ra là khi mọi người đang ngủ: lúc 4h17 sáng (giờ địa phương) khiến nhiều người không kịp thoát thân và bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Ông Chris Elders - Giáo sư Đại học Curtin của Australia - cho biết, độ sâu của trận động đất ban đầu vào khoảng 18km cũng khiến nó trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Ông giải thích: “Ở độ sâu nông, năng lượng do trận động đất giải phóng sẽ được cảm nhận khá gần bề mặt và cường độ lớn hơn nhiều so với khi nó ở sâu hơn trong lớp vỏ Trái đất”.
Ông Naci Gorur - một nhà địa chấn học tại Học viện Khoa học Thổ Nhĩ Kỳ - kêu gọi các quan chức địa phương ngay lập tức kiểm tra các vết nứt của các đập trong khu vực để ngăn chặn lũ lụt thảm khốc có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, thời tiết lạnh giá khắc nghiệt và tình trạng tắc nghẽn giao thông do người dân cố gắng rời khỏi các khu vực bị động đất cũng khiến lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn khi giải cứu những nạn nhân bị mắc kẹt, khiến họ không được cứu sống kịp thời.
Theo ông Carsten Hansen - Giám đốc Trung Đông tại Hội đồng Tị nạn Na Uy: “Thảm họa động đất này sẽ làm trầm trọng thêm sự đau khổ của người dân Syria vốn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Hàng triệu người đã buộc phải chạy trốn do chiến tranh trong khu vực rộng lớn và giờ đây, nhiều người nữa sẽ phải di dời do thảm họa”.