Tái hiện văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bằng nghệ thuật Xiếc
Sau một thời gian dàn dựng, từ ngày 11 đến 26/2, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ công diễn tác phẩm “Lửa tình cao nguyên” (tác giả: NSND Tạ Duy Ánh, đạo diễn: Nguyễn Ngọc Anh). Đây cũng là tác phẩm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng.
Tác phẩm “Lửa tình cao nguyên” thấm đậm những nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên với các phong tục, lễ hội truyền thống và cả nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng... Đặc biệt, thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc, kết hợp với các loại hình nghệ thuật ca, múa, âm nhạc, nghệ thuật sắp đặt... tạo nên một sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc. Với tác phẩm “Lửa tình cao nguyên” khán giả sẽ được sống trong một không gian văn hoá dân gian với hàng loạt lễ hội, phong tục đầy ấn tượng của con người và vùng đất Tây Nguyên.
Thú vị hơn, những nét văn hóa đặc sắc ấy được thể hiện qua ngôn ngữ xiếc nên sinh động hơn. Đặc biệt, trong một số phân cảnh, khán giả đã bị choáng ngợp bởi không gian sân khấu rộng nhiều tầng lớp. Từ sân khấu trên cao, bên góc phải hay trên sân khấu tròn... đều có sự xuất hiện của các nghệ sĩ với tổ hợp tiết mục đặc sắc như nhào lộn, tung hứng, đu trên cao... Có thể thấy, với sự sáng tạo này, tác giả và đạo diễn đã tìm ra được một lối đi riêng, phù hợp khi khai thác nét văn hoá truyền thống của người Việt đưa vào tác phẩm.
Chia sẻ về tác phẩm, NSND Tạ Duy Ánh cho biết, 15 năm trở lại đây, ngoài việc xây dựng các tiết mục xiếc truyền thống, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã bắt tay vào dàn dựng những vở xiếc mới, mang đậm bản sắc văn hóa Việt để giới thiệu với khán giả trong nước, quốc tế. Điển hình như vở xiếc “Làng tôi” với hình ảnh tre Việt Nam đã biểu diễn 4 năm liên tiếp ở châu Âu, được khán giả quốc tế rất yêu thích. Hay như vở “Sông trăng” được biểu diễn 16 tháng liên tiếp ở Đức rất thành công. Tuy nhiên sau 2 vở diễn đều thiên về khai thác văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, lần này, ê kíp thực hiện chọn văn hóa Tây Nguyên - một vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc trưng. “Lửa tình cao nguyên” đã khai thác sâu chất văn hóa Tây Nguyên, từ âm nhạc cồng chiêng, văn hóa lễ hội đến trang phục truyền thống và những vật dụng trong sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên.
Còn theo đạo diễn Nguyễn Ngọc Anh, đưa nội dung văn hoá lễ hội vùng đất Tây Nguyên vào nghệ thuật xiếc, ê kíp mong muốn tác phẩm tiếp cận được nhiều đối tượng từ những khán giả nhí nhỏ tuổi cho tới các thanh thiếu niên. Các em sẽ có thêm những trải nghiệm mới lạ về một vùng miền mang đậm văn hoá truyền thống của nước Việt Nam. “Chúng tôi cũng hướng tới phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả, trong đó có cả khán giả nước ngoài. Tôi tin với cách làm này, chương trình cũng sẽ được khán giả quốc tế đón nhận như “Sông trăng” mà Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã từng dàn dựng” – vị đạo diễn chia sẻ.