Tạo 'cú hích' hình thành trung tâm tài chính quốc tế
Việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM không khó, vấn đề là cần “cú hích” về thể chế. Đó là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm Giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế TPHCM diễn ra ngày 9/2.
Chuyển đổi để hoàn thiện hơn
Ủng hộ việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM, TS Huỳnh Thanh Điền - chuyên gia kinh tế nhận định: TPHCM đã là trung tâm tài chính của Việt Nam, dù chưa thật sự hoàn chỉnh. Tuy nhiên, muốn phát triển theo quy mô quốc tế phải có những chuyển đổi để hoàn thiện hơn.
Ông Điền lý giải, muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế đơn giản giống như hình thành nên cái chợ. Chợ này bày bán cả sản phẩm trong và ngoài nước, như tài chính ngắn hạn, dài hạn, chứng khoán phái sinh... Nghĩa là tài sản có giá trị niêm yết tất cả ở đây và đều bán được cho các nước. Khi có cung - cầu, lúc đó cần đến công ty môi giới, công ty tư vấn, các ngân hàng, quỹ đầu tư... Đáng lưu ý, muốn các nhà đầu tư đến chào bán, giao dịch, niêm yết đòi hỏi mọi hoạt động phải thuận tiện, cơ hội sinh lời cao, và phải đảm bảo uy tín.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) - đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng và hình thành Trung tâm tài chính quốc tế cho biết: “Chúng tôi sẽ tìm năng lực lõi, sự khác biệt để trung tâm tài chính quốc tế TPHCM có sức hấp dẫn và sự quan tâm nhiều hơn từ các nhà đầu tư. Bởi, trên thế giới hiện nay có rất nhiều trung tâm tài chính. Do đó, muốn nhà đầu tư quốc tế quan tâm, rót tiền vào mua hàng buộc mình phải có hàng bán”.
Theo ông Hòa, cần hoàn thiện 3 trụ cột cốt lõi. Thứ nhất, với trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, hiện mới chỉ có hệ thống ngân hàng thương mại, thiếu ngân hàng đầu tư. Thứ hai, với trụ cột thị trường vốn còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó chủ yếu là ngành bất động sản. Thứ ba, là trụ cột về thị trường hàng hóa phái sinh, trụ cột này hoàn toàn chưa có. Trong khi đó, Việt Nam được xếp vào top 10 nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới, nhưng cách thức giao dịch thương mại vẫn mang tính chất thủ công truyền thống.
Cần thể chế đồng bộ và hoàn chỉnh
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian gần đây rất cao. Việt Nam cũng là nơi có môi trường đầu tư hấp dẫn và thuận lợi để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nên dễ dàng hình thành trung tâm tài chính quốc tế. Vấn đề còn lại là cần cơ cấu nền kinh tế và sự tham gia của cả nước. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách phát triển phù hợp.
Ông Điền cho rằng, Nhà nước cần phải đảm bảo yếu tố thông tin cân bằng, hoàn chỉnh. Muốn vậy, cần phải siết kỷ cương thị trường, minh bạch thông tin, chính sách niêm yết. Ở góc độ khác, giải pháp nhanh nhất là cần liên kết với các nhà đầu tư tài chính quốc tế tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới đến Việt Nam để mở chi nhánh, văn phòng đại diện. Từ thực tế hoạt động của họ sẽ có đề xuất sửa đổi, kiến tạo khung hành lang pháp lý, cũng là cơ sở để Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện cơ chế.
Đồng quan điểm lấy pháp lý tạo cú hích để trung tâm tài chính quốc tế hình thành và phát triển hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, phải xây dựng hệ thống pháp luật, thể chế đồng bộ, hoàn chỉnh. Theo đó, cần cơ chế cho phép áp dụng khung pháp lý thí điểm thử nghiệm trên một số lĩnh vực. Việc này sẽ làm cơ sở đánh giá mức độ tương thích giữa hệ thống pháp lý với hiệu quả thực hiện, tiến tới điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai. Song song đó, cần có sự vào cuộc của cơ quan Trung ương trong việc xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, tạo nền tảng vững chắc, an toàn để thu hút cũng như hình thành những “con sếu đầu đàn” đủ sức tham gia vào cuộc chơi chung trên thị trường tài chính. Các tập đoàn này phải đảm bảo năng lực để tích hợp kinh doanh đa ngành từ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) thông tin, đề án hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM có 3 giai đoạn. Từ 2022 - 2025, đây là giai đoạn củng cố vị thế trung tâm tài chính quốc gia, nâng hạng trung tâm tài chính từ thứ cấp thành tài chính sơ cấp (nhà đầu tư lớn, sản phẩm lớn). Giai đoạn 2026 – 2030, xác định trung tâm tài chính có thứ hạng trong khu vực gắn với thị trường vốn, thị trường hàng hóa phái sinh, giao dịch xuyên quốc tế và khu vực... Từ năm 2031 trở đi phát triển thành trung tâm tài chính toàn cầu, có thứ hạng.