Chuyển hóa đội ngũ tư vấn tâm lý học đường
Dù đã được quan tâm song trên thực tế hầu hết các trường hiện vẫn khó khăn khi triển khai phòng tư vấn tâm lý, bởi thiếu nhân lực cũng như kinh phí hoạt động.
Hỗ trợ tâm lý cho học sinh
Ngày nay học sinh đang phải đối diện với nhiều áp lực trong cuộc sống, như vấn đề thành tích trong học tập, hoạt động ngoại khóa phải đa dạng và nổi trội, ngoài học giỏi phải biết đánh đàn, chơi thể thao... Hàng loạt mục tiêu đặt ra cho một đứa trẻ theo sự kỳ vọng và định hướng từ bố mẹ. Thậm chí áp lực đến từ chính đứa trẻ, nhất là khi có anh chị học giỏi sẽ khiến người em vô tình bị so sánh…
Đứng trước thực trạng này, một trong những giải pháp hữu hiệu đó chính là tăng cường hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho rằng, quá trình tư vấn tâm lý không chỉ giúp các em giải quyết được những vấn đề đang gặp phải mà còn hỗ trợ cải thiện tốt các mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, học trò với thầy cô, giữa bạn bè với nhau… Phương pháp này sẽ giúp học sinh tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình học tập cũng như cuộc sống. Các em sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, áp lực để giúp cho việc học tập hiệu quả hơn, cuộc sống cũng được cân bằng và vui vẻ.
Cần chuẩn hóa đội ngũ
Dù có nhu cầu được chia sẻ, giải tỏa cảm xúc nhưng không phải với ai trẻ cũng có thể tin tưởng để trò chuyện, tâm sự. Càng khó hơn là sau khi gợi mở, lắng nghe câu chuyện, vấn đề mà trẻ đang gặp phải, cán bộ tâm lý cần đề xuất được giải pháp nhằm hỗ trợ trẻ một cách phù hợp và khả thi - điều này đòi hỏi không chỉ am hiểu tâm sinh lý lứa tuổi, kiến thức chuyên môn vững vàng mà cả năng lực thực hành, kinh nghiệm trong xử lý tình huống…
TS Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) nhìn nhận, hiện nay có nhiều trường đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ ngành tâm lý và có hàng nghìn học viên, sinh viên theo học mỗi năm. Ngoài ra, nhiều trường đại học quốc tế tại Việt Nam cũng bắt đầu mở ngành đào tạo chương trình tâm lý học. Tuy nhiên, họ mới chỉ đào tạo bậc cử nhân và cơ bản, chưa đi sâu vào đào tạo chuyên ngành hẹp như các ngành tâm lý lâm sàng, tham vấn, tâm lý học tổ chức công nghiệp…
Trong khi đó, như đã phân tích ở trên, một sinh viên sau khi ra trường để có thể làm tốt công tác tham vấn tâm lý học đường, đủ năng lực cung cấp được dịch vụ tham vấn, tư vấn tâm lý thì vẫn cần phải liên tục học hỏi, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cá nhân.
Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào việc tự bồi dưỡng của mỗi cá nhân thì rất khó bởi trong các nhà trường hiện nay, đặc biệt là các trường công lập chưa có biên chế cho đội ngũ này. Mức lương hợp đồng chưa đủ sống khiến nhiều trường hợp nhân viên tư vấn tâm lý học đường bỏ việc hay phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác để trang trải cuộc sống. Điều này dẫn đến thực trạng dù nhu cầu đang rất thiếu, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành tâm lý học đi làm trái ngành, trái nghề vì chưa có kinh nghiệm tích lũy, không dễ tìm được việc đúng chuyên ngành.
Để gỡ khó cho công tác này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 của ngành, trong đó đề ra mục tiêu 95% cơ sở giáo dục có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em giai đoạn 2021 – 2025. Đặc biệt, từ ngày 26/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, có xác định chức danh Nhà tâm lý học (mã nghề 2634), hiệu lực từ 15/1/2021.
Dẫu vậy, trong thời gian tới ngành giáo dục nói riêng và các cơ quan quản lý cần cần tiếp tục cụ thể hóa và xây dựng chuẩn nghề nghiệp cho các nhà tâm lý học học đường. Cần có cơ chế để sớm cấp chứng chỉ hành nghề, tạo ra định danh nghề nghiệp rõ ràng cho ngành này, từ đó bổ sung vào nguồn nhân lực các nhà tham vấn tâm lý trong tương lai.
TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý, Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) thông tin: Các nghiên cứu trên thế giới chỉ rõ, để hỗ trợ tốt cho thầy - trò trong các nhà trường, cứ 300 học sinh cần 1 chuyên gia tâm lý học đường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều trường có hàng nghìn học sinh nhưng lại chưa có cán bộ tâm lý học đường chuyên trách, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm công việc này sau khi được tập huấn.