Minh bạch để chống lạm quyền
Theo Kế hoạch số 676, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến hết ngày 15/3, tổng hợp và xây dựng dự thảo báo cáo để gửi Chính phủ trước ngày 20/3/2023. Sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2013, lần sửa đổi này nhằm phù hợp thực tiễn cũng như lâu dài, được toàn xã hội quan tâm.
Kế hoạch 676 của UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng hướng dẫn cụ thể về lấy ý kiến đối với toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung, kỹ thuật trình bày của dự thảo. Trọng tâm về các nội dung như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất...
MTTQ Việt Nam lưu ý, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Từ đó, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan các ý kiến đóng góp của nhân dân để phản ánh kịp thời đến Chính phủ (qua Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các cơ quan liên quan.
Trước đó, chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chiều 8/8/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất lớn, hệ trọng, quy mô rộng, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức. Phấn đấu trong năm 2023 hoàn tất sửa đổi Luật Đất đai. “Nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn, cần huy động sức mạnh cả nước, trí tuệ toàn dân, thực hiện kỹ lưỡng, bài bản, khoa học mới có thể bảo đảm xây dựng luật thiết thực, hiệu quả” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đối với việc lấy ý kiến nhân dân, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đặt ra các việc cụ thể, được thuyết minh rõ ràng, gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân.
Để bảo đảm việc tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 31/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ký ban hành Nghị quyết số 170 của Chính phủ, ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, đối tượng lấy ý kiến gồm: Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; Các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 3/1 đến ngày 15/3/2023.
Nhiều năm qua, việc quy định giá đất luôn là vấn đề nóng. Từ đó phát sinh nhiều khiếu kiện kéo dài, rất phức tạp. Góp ý về vấn đề bỏ khung giá đất, bỏ khung giá quyền sử dụng đất trong Dự thảo luật sửa đổi đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), cho rằng đây là việc nên làm để giải quyết những bất hợp lý và tồn tại gây tắc nghẽn quá trình đền bù giải tỏa mặt bằng lâu nay. Cũng về việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, đại biểu Quốc hội Trần Đình Văn (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ về giá đất trên thị trường giữa người mua và người bán về vị trí đất; phương pháp định giá đất theo giá thị trường; đưa ra các chế tài ràng buộc trách nhiệm giữa các bên... Theo đại biểu Văn, cần có quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo luật về phương pháp xác định giá đất cụ thể để đảm bảo khi xác định giá đất theo phương pháp nào thì cũng ra kết quả phù hợp với giá thị trường, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Đất đai luôn là sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp. Việc sửa đổi Luật lần này cũng là nhằm bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn, có tính ổn định lâu dài. Vì thế, việc tìm hiểu kỹ dự thảo, góp ý cụ thể những điểm đề nghị sửa đổi vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của mọi người. Đặc biệt với khái niệm “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường” thì rất cần định rõ vai trò, thẩm quyền của cơ quan nhà nước cũng như các chủ thể liên quan, như nhà đầu tư, người sử dụng đất trong quá trình thẩm định giá, giảm tối đa cơ hội cán bộ có thể lạm quyền. Hội đồng thẩm định giá đất cần có sự tham gia của các bên, và hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng.
Như vậy, ở đây nổi lên vai trò của hội đồng thẩm định giá đất, phải thật sự trong sáng, chí công vô tư. Đồng thời cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền, của người dân và đặc biệt là sự tham gia của MTTQ Việt Nam các cấp, để bảo đảm sự công bằng trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng này.