Quay lưng với 'rác' âm nhạc

Minh Quân 10/02/2023 07:57

Với sự phát triển của công nghệ, trong những năm gần đây âm nhạc đang được lan tỏa rộng rãi tới công chúng không chỉ bằng âm thanh mà còn cả hình ảnh. Tuy nhiên, chính cơ chế mở đang tiếp tay cho nhiều ca khúc phản cảm, dung tục, nếu không nói là “rác văn hóa”.

MV “Black Hickey” của Chi Pu.

Những “hồi chuông” cảnh báo

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định xử phạt 110 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động 18 tháng đối với Công ty TNHH MTV Quảng cáo Truyền thông Người hâm mộ Việt vì tổ chức chương trình “Spacespeakers Live Concert - The Kosmik”. Theo đó, chương trình đã vi phạm hàng loạt lỗi, như biểu diễn một số tiết mục không có trong văn bản được Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM chấp thuận trước đó; đơn vị sản xuất chương trình còn tổ chức biểu diễn có sử dụng trang phục, âm thanh, từ ngữ, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn trái thuần phong mỹ tục.

Đặc biệt, trước đó, phía đơn vị tổ chức cho biết trước khi diễn ra, ê kip sản xuất đã truyền thông về các quy định khi tham gia sự kiện, trong đó có đề cập đến việc đêm diễn dành cho khán giả có độ tuổi từ 18 trở lên. Tuy nhiên thực tế trên vé không dán nhãn hạn chế độ tuổi hay cảnh báo về nội dung chương trình không phù hợp với đối tượng khán giả dưới 18 tuổi. Đáng chú ý, sau khi diễn ra, chương trình cũng công khai chia sẻ các hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội.

Đây không phải là lần đầu tiên một chương trình âm nhạc hay ca khúc bị các cơ quan chức năng “tuýt còi”. Ngay trong năm 2022, hàng loạt “sao Việt” đã bị chính công chúng lên án khi ra mắt những ca khúc có hình ảnh phản cảm và nội dung tục tĩu, vô nghĩa. Trong đó có MV “Black Hickey” của Chi Pu ra mắt tháng 8/2022 với đầy rẫy cảnh “thân mật”. Cùng đó nhiều ca khúc cũng vướng tranh cãi ngay khi ra mắt, điển hình “2,3 Con mực” của rapper Linh Thộn, “Tất cả đứng im” của Ngô Kiến Huy, “Anh hứa không bao giờ đua nữa” của Lã Phong Lâm… Tháng 5/2022, Sơn Tùng bị xử phạt 70 triệu đồng vì MV “There’s no one at all” có yếu tố tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Những hiện tượng nhạc “rác” kể trên phản ánh một trong những vấn đề nổi cộm của nhạc Việt hiện nay, đó là tình trạng chạy đua theo view, tìm mọi cách, kể cả những cách thể hiện phản cảm để câu view. Không những vậy với sự phát triển của công nghệ cũng cho thấy để mang danh ca sĩ hiện nay dường như là việc tương đối dễ dàng. Chính sự nổi tiếng đến một cách quá dễ dàng cũng khiến cho những người mang danh nghệ thuật chẳng cần học hành bài bản, chỉ cần biết vận hành vài nốt nhạc là ra sản phẩm. Hàng loạt sản phẩm “đầu voi đuôi chuột”, ngôn từ dị hợm, nhưng được lấp bởi hình ảnh với màn vũ đạo bóng bảy, hiện đại vẫn tăng tốc bởi lượng truy cập. Thậm chí ngay cả những nghệ sĩ có chút tên tuổi cũng không tránh khỏi dùng ca từ hoặc hình ảnh gây sốc với khán giả. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng trước kia khi muốn phát hành ca khúc, nghệ sĩ phải nộp hồ sơ lên hội đồng xét duyệt, cấp giấy phép mới phổ biến tới công chúng. Nhưng hiện nay, các cá nhân có thể tự thu âm, sản xuất MV để đăng lên mạng, việc xuất hiện các ca khúc nhảm cho thấy sự dễ dãi, thiếu trách nhiệm với cộng đồng của một số người tham gia sáng tác âm nhạc đại chúng. Ngôn từ nhạy cảm, dung tục sẽ gây ảnh hưởng lớn tới giới trẻ - đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.

Chương trình “Spacespeakers Live Concert - The Kosmik” bị xử phạt 110 triệu đồng.

Âm nhạc “mỳ ăn liền”

Có thể nói, hòa chung vào sự phát triển của âm nhạc thế giới, nền âm nhạc Việt đã và đang trong giai đoạn bùng nổ, nhưng cũng không tránh khỏi sự mất kiểm soát. Chính “giấc mộng” trở thành ngôi sao đang biến nhiều ca khúc thành món ăn nhanh, “mỳ ăn liền”. Đơn cử như trên mạng xã hội TikTok với các clip có độ dài từ 15 đến 30 giây thời gian qua đã trở thành công cụ tiếp tay cho nhiều sản phẩm âm nhạc “rác”. Ở đó, thay vì trau chuốt ca khúc cả về giai điệu lẫn nội dung, nhiều nhạc sĩ lại chỉ tập trung vào khoảng 30 giây quan trọng nhất trong bài. Những nhạc sĩ này thường có một công thức đặt vào đó giai điệu điện tử, remix Vinahouse kèm theo những câu hát đơn giản, đôi khi hơi xuề xòa, nhảm nhí để dễ thịnh hành trên TikTok. Và thế là hàng loạt ca khúc có chung kết cấu, thể loại với ca từ vô nghĩa ra đời.

Có thể kể đến trường hợp của ca khúc “Ừ! Thì em xin lỗi” của Hoàng Yến Chibi. Phần nhạc dễ nghe, nhưng ca từ bị phần lớn khán giả chỉ trích là nhảm nhí và vô nghĩa. Nữ ca sĩ dù nỗ lực PR bằng cách đưa ca khúc lên TikTok nhằm tạo trend, nhưng lại nhận về phản ứng ngược. Ngoài câu hát “Anh muốn xin lỗi á, không dễ đâu anh” gây đau đầu, ca khúc chẳng đọng lại gì cho người nghe.

Dưới góc độ sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ, việc viết những ca khúc vô nghĩa là do trình độ, phông văn hoá, khả năng ngôn ngữ và tâm hồn của nhạc sĩ, hoặc đó là lựa chọn của họ vì muốn theo trào lưu. Đó chưa phải là vấn đề đáng phê phán về đạo đức.

“Tôi không đánh giá về sự hay dở, chất lượng trong từng tác phẩm, nhưng tôi lên án những tiêu cực, sự phản cảm, thô tục (nếu có) trong nghề. Cũng theo nhạc sĩ, một bài hát phải đẹp từ giai điệu đến ca từ, đẹp từ nội dung ý nghĩa đến cả tựa đề, đó mới là sự hoàn mỹ. Người sáng tác phải miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, giữ gìn cái đẹp. Một bài hát hay cần có thêm cảm xúc, sống lâu trong lòng khán giả. Với tôi, một sáng tác hay là sẽ được nghe đi nghe lại trong mỗi năm, tác động mạnh mẽ tới tâm hồn mỗi người chứ không phải chỉ gây sốt nhất thời. Âm nhạc là phải đẹp từ ca từ, giai điệu đến nội dung, cả tên bài hát. Dù thể loại nhạc nào cũng cần phải có giá trị nhân văn, tính nghệ thuật” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.

“Rác” âm nhạc đã không còn là hiện tượng với nền âm nhạc Việt Nam. Thời gian qua, các cơ quan lãnh đạo ban ngành đã đưa ra hướng xử lý với các MV ca nhạc không phù hợp. Thế nhưng dù đã có biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng trên vẫn ngang nhiên tiếp diễn. Điều này cho thấy trách nhiệm không chỉ đến từ các cơ quan quản lý mà nhất thiết cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Minh Quân