Cà phê 'mặn chát' vì sương muối
Cuối tháng 1, đầu tháng 2, rét đậm, rét hại xảy ra tại tỉnh Sơn La khiến nhiều vườn cà phê của các hộ dân ở TP Sơn La bị thiệt hại do sương muối.
Những ngày này, nhìn những vạt đồi cà phê ở bản Muông Yên, xã Chiềng Cọ, TP Sơn La, từ màu xanh ngút tầm mắt, chuyển sang khô héo, lụi tàn, ai nấy đều xót xa. Bà Đàm Thu Mến, chủ một hộ trồng cà phê ở bản này cho biết, gia đình bà có khoảng hơn 2.000 m2 cà phê, thu nhập chính của cả gia đình dựa cả vào diện tích cây trồng này. Thế nhưng năm nay, sương muối tàn phá mất một nửa.
Không chỉ gia đình bà Mến, nhiều hộ trồng cà phê ở xã Chiềng Cọ cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sương muối. Có gia đình với diện tích hơn 8.000m2 cà phê cũng bị sương muối làm hại đến 5.000m2.
Cà phê là một trong những sản phẩm đem lại thu nhập chính yếu cho nhiều hộ dân ở Sơn La. Thế nhưng, hầu như năm nào các hộ gia đình ở địa phương này cũng đối diện với nạn sương muối. Sương muối dày đặc, biến màu xanh mướt của những đồi cà phê thành một màu ảm đạm. Cà phê “mặn chát” vì sương muối bao nhiêu, người trồng cà phê xót xa bấy nhiêu.
Nhiều người dân địa phương cho biết, so với cây trồng khác thì cà phê là cây cho thu nhập cao, nhưng ở khu vực này thường xuyên bị sương muối. Năm nay cũng bị ảnh hưởng bởi sương muối, không thu hoạch được hoa đợt 1. Người dân phải bắt tay vào cứu những diện tích may mắn chưa bị sương muối phá hoại.
Theo thống kê sơ bộ, đợt sương muối này đã gây ảnh hưởng khoảng hơn 11ha cà phê tại xã Chiềng Cọ, khiến nhiều hộ dân bị thiệt hại khi đây là loại cây trồng chủ lực của địa phương này.
Được biết, ngay khi xảy ra tình trạng sương muối hại cây cà phê, chính quyền địa phương đã tích cực xuống những vườn cà phê bị ảnh hưởng để đánh giá mức độ và hướng dẫn người dân các biện pháp cải tạo, phục hồi.
Sương muối là một hiện tượng thời tiết nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn tới sinh trưởng của cây trồng, gây thiệt hại nặng nề cho người sản xuất. Khi sương muối xuất hiện, nhiệt độ hạ xuống thấp dưới 0oC, khi đó nước trong thân cây (trong chất nguyên sinh của tế bào) sẽ bị đóng băng lại. Khi nước đóng băng sẽ giãn nở thể tích, làm phá vỡ các tế bào, các ống dẫn nhựa trên thân, cành cây.
Ngày hôm sau khi mặt trời lên, dưới tác dụng của bức xạ mặt trời, các hạt sương lạnh bốc hơi nhanh chóng làm cho các mô cây bị giảm nhiệt độ đột ngột. Khi nhiệt độ dưới mức giới hạn sinh vật học sẽ phá hủy cơ chế tế bào sinh vật của cây, làm lá cây bị héo táp, cháy xém, teo tóp. Những cây chịu ảnh hưởng của sương muối thường phát triển kém và có thể chết.
Người dân sống ở các vùng miền núi phía Bắc thường xuyên phải đối diện với nạn sương muối. Chính bởi vậy, việc nâng cao khả năng phòng, chống loại “giặc thiên tai” này đối với bà con nông dân cần phải được thường xuyên cập nhật, phổ biến. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các phương pháp truyền thống như trồng cây che bóng mát hay sử dụng phương pháp hun khói, làm màng che phủ... để hạn chế sương muối, cũng cần thúc đẩy đưa công nghệ vào sản xuất. Trong đó có thể lắp đặt một số trạm cảm biến nhiệt độ để có những cảnh báo sớm về tình hình diễn biến thời tiết, từ đó khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh từ sớm, giảm thiệt hại.