Giữ rừng lim xanh

ANH TUẤN - ĐÌNH MINH 12/02/2023 08:57

Rừng lim với hơn 1.233 cây trải rộng 25 ha ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hoá) được người dân nơi đây coi như “báu vật” nên đã lập hương ước, bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Nhờ có rừng lim xanh, xã Cẩm Tú không phải chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Lập hương ước giữ rừng

Trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi ngược gần 100 km lên huyện miền núi Cẩm Thủy để thăm khu rừng lim xanh lớn nhất Thanh Hóa. Xã Cẩm Tú là địa phương sở hữu những ngọn đồi xanh ngút ngàn, dân cư nơi đây phân tán, không khí thoáng đãng, gần như không có tiếng ồn ào của xe cộ. Dọc theo QL217, dưới chân đèo Hạ My, khu rừng lim lâu năm của ông Triệu Tài Cao, người dân tộc Dao, như nổi bật nhất vùng vì những cây lim ở đây cao vượt trội so với các khu lân cận.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Thủy, khu rừng này rộng hơn 24,5 ha nằm trên hai thôn Bắc Sơn và Thái Học, xã Cẩm Tú. Khu rừng được trồng từ hơn 100 năm trước, từ giai đoạn đầu thời Pháp thuộc. Giống lim ở đây thuộc họ lim xanh. Thời điểm hàng chục năm về trước, rừng lim này được giao cho chính quyền sở tại và người dân trông coi, bảo vệ. Để giữ rừng, người dân đã lập ra hương ước, nghiêm cấm bất kỳ ai vào rừng để đốn hạ cây. Từ năm 1993, toàn bộ diện tích rừng lim được giao khoán cho 9 hộ dân trông coi, chăm sóc.

Là người được giao bảo vệ nhiều diện tích rừng lim nhất, ông Đỗ Xuân Lĩnh (65 tuổi, thôn Bắc Sơn) cho biết: 30 năm nay, bước chân ông chưa bao giờ ngơi nghỉ trên 4 ha rừng lim xanh. “Gần như ngày nào tôi cũng vào rừng để trông coi và tỉa thưa, phát quang các bụi cây để những tấm bảng biển cảnh báo “nghiêm cấm chặt phá rừng” được người dân nhìn thấy và chấp hành theo quy định”, ông Lĩnh mở đầu câu chuyện. Theo chân ông Lĩnh, chúng tôi đi bộ trên con đường đất dốc đứng, gồ ghề rồi len lỏi qua từng bụi cây, ngọn cỏ để tiến sâu vào bên trong khu rừng lim rậm rạp. Khi đã thấm mệt, chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi và được ông Lĩnh thông báo đã đến khu vực có nhiều cây lim xanh cổ thụ đẹp nhất khu rừng.

Ông Đỗ Xuân Lĩnh thường xuyên có mặt tại khu rừng để thăm dọn, phát quang cây cối.

Ngước mắt lên nhìn, chúng tôi thấy những gốc lim sù sì, sừng sững, có đường kính từ 60 - 150cm hai người ôm cũng không xuể. Dưới những tán cây cổ thụ này, cây bụi, dây leo bám vào chằng chịt, tạo nên thảm thực vật phủ kín mặt đất. Phía trên là những tán cây rợp kín. Xen lẫn trong rừng lim còn có nhiều loài gỗ như: xoan, lát, sến, táu... Ông Lĩnh cho biết: Việc đi rừng thường xuyên khiến ông bị côn trùng, rắn rết cắn hoặc có khi bị thương do ngã vì bước phải đá tai mèo sắc nhọn. Nhưng, những khó khăn đó không thể ngăn quyết tâm giữ rừng của người đàn ông đã dành nửa cuộc đời để bảo vệ rừng lim này.

Theo ông Lĩnh, trước đây, ông và một số gia đình làm công tác bảo vệ rừng được nhận 400.000 đồng/ha của ngành kiểm lâm. Tuy nhiên, hiện nay, chính sách này đã bị cắt. Để chung tay cùng người dân, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 200.000 đồng/ha, đây được coi như là “tiền lương” cho các hộ nhận giao khoán rừng. “Nếu nói về chi phí hỗ trợ của Nhà nước cho công tác bảo vệ rừng ở đây thì còn ít quá. Chia sẻ với các anh, nếu không vì tình yêu và tâm nguyện phải giữ rừng bằng mọi giá của cha ông để lại thì tôi e rằng mình cũng không trụ được đến lúc này. Dù cuộc sống gia đình còn khó khăn, chật vật nhưng gần ba thập niên qua, gia đình tôi chưa bao giờ chặt một cây gỗ đem bán”, ông Lĩnh tâm sự.

Rừng lim xanh nguyên sơ ở xã Cẩm Tú rộng gần 25ha.

Niềm kiêu hãnh của dân làng

"Rừng lim này nằm ở đầu nguồn, có những cây lớn giữ được đất, giữ được nước nên không lo việc sạt lở. Khi mình giữ được cánh rừng như thế này, khí hậu xung quanh rất trong lành. Mỗi buổi sáng thức dậy cảm thấy rất khỏe mạnh, sảng khoái. Đấy chính là lợi ích khi giữ được cánh rừng", ông Lĩnh vui vẻ nói. Khi chúng tôi đề cập đến việc rừng lim xanh có giá trị kinh tế cao như vậy, liệu lâm tặc có nhòm ngó, ông Lĩnh trả lời gọn lẹ: “Ở đây, nếu phát hiện có người lạ vào chặt cây hoặc mang theo hung khí, chúng tôi sẽ ngay lập tức báo lên chính quyền xã, kiểm lâm huyện”.

Ông Cao Quyết, một thành viên tham gia tổ bảo vệ rừng lim tại xã Cẩm Tú bày tỏ: Giá trị kinh tế của rừng lim là rất cao, tuy nhiên, nếu bán đi thì không biết bao nhiêu năm mới có thể khôi phục lại những cánh rừng nguyên sinh xanh ngát như vậy. “Cha ông ngày trước đã giữ gìn và truyền đến đời chúng tôi thì nay chúng tôi cũng phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ rừng lim để truyền cho đời con cháu”, ông Quyết khẳng định.

Trước tâm huyết của người dân nơi đây, anh Lê Văn Tùng - Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Thủy nhấn mạnh: Việc người dân tham gia bảo vệ đã tạo ra nhiều lá chắn sống, đảm bảo sự an toàn cho khu rừng. “Rừng lim ở đây chưa từng bị xâm hại, chặt phá lần nào suốt hàng chục năm qua. Để có được điều này, công lao của người dân là to lớn nhất, vì họ như những lá chắn sống ngày đêm bảo vệ, giúp khu rừng được bình yên. Nhờ có họ, kiểm lâm viên chúng tôi cũng yên tâm trong công tác quản lý, sử dụng và phát triển rừng”, anh Tùng bày tỏ.

Ông Phạm Văn Sử - Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú cho biết: Rừng lim ở đây không chỉ mang lại nhiều lợi ích mà nó còn là niềm kiêu hãnh của người dân trong làng. “Rừng còn, người còn, rừng mất, người mất. Thấm nhuần tư tưởng này nên hàng trăm năm qua, người dân ở trong xã từ thế hệ này đến thế hệ khác luôn đồng lòng, quyết tâm bảo vệ “báu vật” này. Trong tiềm thức của chúng tôi, bảo vệ rừng không chỉ là để cho mình, mà đó còn là món quà gửi đến thế hệ mai sau, khi các cháu cũng được thừa hưởng những lợi ích mà rừng lim mang lại”, ông Sử nói.

Theo ông Sử, nhờ tâm huyết và cách làm hay của ông Lĩnh cũng như người dân trong xã, hiện nay, nhiều loại cây bản địa quý hiếm của xã Cẩm Tú đang được gìn giữ nguồn gen quý hiếm để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường. Với hàng trăm, hàng nghìn cây gỗ lớn, rừng lim sẽ là khối tài sản vô giá mà người dân Cẩm Tú để dành cho con cháu và thế hệ mai sau.

Dù vậy, vẫn còn những băn khoăn xung quanh việc bảo vệ rừng lim xanh, như ông Lê Văn Phiên - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Thủy thông tin: Hiện nay, có hơn 1.233 cây lim xanh ở Cẩm Tú có đường kính 60-150 cm. Nhiều cây thân lớn 2-3 người ôm không xuể. Tuy nhiên, một vấn đề đang tồn tại ở đây là rừng lim có hàng chục cây chết khô. Số cây này không được tận dụng do quy định pháp luật hiện hành dẫn đến lãng phí tài nguyên và có thể lây bệnh cho những cây lim khác xung quanh. Đơn vị đã kiểm đếm và đề xuất hướng xử lý, song, chưa được chấp thuận vì vướng các thủ tục pháp lý.

Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa cũng cho hay, đến nay, địa phương đã trồng mới được khoảng 20.000 ha rừng có lim xanh, bằng 10% diện tích trước đây. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ khôi phục và phát triển thêm 10.000 ha lim xanh, nâng diện tích toàn tỉnh lên 30.000 ha. Hiện các đơn vị đang khảo sát, lên phương án xây dựng thành Khu bảo tồn loài lim xanh nhằm bảo vệ nguồn gen quý này.

ANH TUẤN - ĐÌNH MINH