Ăn chuối để bổ sung kali tốt cho sức khỏe

K.Huyền (tổng hợp) 12/02/2023 15:20

Có chế độ ăn uống đầy đủ hàng ngày để đảm bảo nguồn kali cung cấp cho cơ thể. Kali có nhiều trong chuối, cam, rau xanh, khoai lang, cà tím...

Theo SKĐS, kali là khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể. Vì thế hạ kali máu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim, thần kinh và cơ bắp, thậm chí liệt tứ chi nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Kali là chất điện giải quan trọng giúp vận chuyển các tín hiệu điện cho các tế bào trong cơ thể con người. Kali đóng vai trò then chốt trong hoạt động của tế bào thần kinh và cơ bắp và đặc biệt là tế bào cơ tim. Không những thế, cơ thể cũng cần kali để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh và bộ xương chắc khỏe.

Biến chứng nguy hiểm khi hạ kali máu

- Tổn thương thận: Một số rối loạn ở thận như nhiễm toan ống thận; Bệnh thận mãn tính; Thiếu hụt magie; Bệnh bạch cầu; Bệnh Cushing và các rối loạn tuyến thượng thận khác.

- Mất kali qua dạ dày và ruột: Khi ói mửa; Thụt tháo quá mức do sử dụng thuốc nhuận tràng; Do tiêu chảy; Sau phẫu thuật cắt bỏ ruột non…

- Do ảnh hưởng của các thuốc: Thuốc lợi tiểu; Corticosteroid…

- Do giảm lượng thức ăn hoặc suy dinh dưỡng: Do chế độ ăn ít kali; Biếng ăn; Chứng cuồng ăn vô độ; Phẫu thuật giảm béo; Nghiện rượu...

- Nguyên nhân khác: Đổ mồ hôi quá nhiều, hội chứng Bartter, hội chứng Gitelman, hội chứng Liddle…

Hạ kali máu thực tế dễ gây nhầm lẫn với các bệnh cơ xương khớp, thần kinh...

Triệu chứng của hạ kali máu

Các biểu hiện của hạ kali máu chủ yếu ở hệ thống tim mạch và thần kinh cơ.

- Ở hệ thống thần kinh cơ: Yếu cơ; Đau cơ; Chuột rút; Táo bón; Mệt mỏi.

- Ở hệ tim mạch: Bệnh nhân có cảm giác hồi hộp (rối loạn nhịp tim); Mạch nảy; Huyết áp tối thiểu giảm, tụt huyết áp tư thế...

Hạ kali máu có thể gây biến chứng:

- Nhịp chậm, giảm sức bóp cơ tim hoặc nhịp nhanh xoắn đỉnh, là một trong những nguyên nhân rối loạn nhịp dẫn đến ngừng tim. Trường hợp này không phát hiện kịp thời sẽ dẫn tới suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, thậm chí liệt tứ chi.

‎- Hạ kali máu rất nguy hiểm với những bệnh nhân sẵn có những bệnh lý mạn tính như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn...

- Đặc biệt nguy hiểm là khi kali máu giảm nặng thường có đoạn QT kéo dài (biểu hiện dài bất thường của khoảng QT trên điện tâm đồ) và loạn nhịp kiểu xoắn đỉnh, vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân.

Các biện pháp điều trị bệnh

Liệu pháp thay thế kali: Tiến hành tùy theo phân loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

- Ở mức độ nhẹ gặp ở những người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ: Chỉ cần uống kali dưới dạng viên hoặc dạng lỏng.

- Hạ kali máu mức độ nặng: Nếu có loạn nhịp tim hoặc các triệu chứng quan trọng bệnh nhân cần được truyền kali tĩnh mạch. Kali được truyền rất chậm vào tĩnh mạch và theo dõi kỹ trong nhiều giờ để tránh các vấn đề nghiêm trọng về tim…; Đo nồng độ kali máu mỗi 1-3 giờ. Bệnh nhân cần được nhập viện theo dõi tại khoa cấp cứu.

- Với những người hạ kali máu nghiêm trọng nhiều khi phải sử dụng cả kali để truyền tĩnh mạch và uống.

Nên ăn chuối để bổ sung kali.

Phòng bệnh thế nào?

Để phòng hạ kali máu cần:

- Có chế độ ăn uống đầy đủ hàng ngày cũng đã gần như đảm bảo đủ nguồn kali cung cấp cho cơ thể. Kali có nhiều trong chuối, cam, rau xanh, khoai lang, cà tím...

- Đối với những bệnh lý gây mất kali như: Tiêu chảy, đái nhiều... việc bù đủ lượng kali mất đi hằng ngày là vô cùng cần thiết.

- Luôn có chế độ dự phòng và theo dõi kali máu khi điều trị các thuốc có thể làm mất kali ra ngoài: Thuốc lợi tiểu, các thuốc kích thích beta - 2 giao cảm...

- Tránh các hoạt động thể chất nặng và kéo dài.

- Luôn dùng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ cũng như có chế độ dự phòng và theo dõi kali máu.

Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu kali

Co cơ

Hàm lượng kali giảm, chức năng cơ cũng giảm dẫn tới yếu cơ, co thắt và giật. Và nếu không được kiểm soát, nó có thể gây tổn hại cơ, cứng cơ và đau nhức.

Nhịp tim bất thường

Chức năng cơ tim được điều khiển bởi một hệ thống dẫn đặc biệt. Thiếu kali gây cản trở với các cơn co thắt tim khiến nhịp tim trở nên bất thường.

Rối loạn tiêu hóa

Táo bón và đầy hơi có thể là một dấu hiệu cơ bản của tình trạng thiếu kali. Thiếu kali làm giảm chức năng cơ đường ruột, dẫn đến các vấn đề về dạ dày.

Ngất xỉu và chóng mặt

Thiếu kali dẫn đến mất cân bằng nước và điện giải. Điều này làm cho lượng nước tiểu bài tiết quá nhiều và giảm huyết áp với các triệu chứng như ngất xỉu và chóng mặt.

Thường xuyên đi tiểu

Vì thận không duy trì được cân bằng nước và điện giải do thiếu kali, nó dẫn đến mất nước nhiều hơn, gây tiểu tiện thường xuyên và khát - các triệu chứng phổ biến của hạ kali máu.

Rụng tóc

Thiếu kali gây tích tụ dư thừa natri quanh nang tóc, gây cản trở sự hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của tóc. Và do đó, tăng hấp thu kali có thể giúp bạn đối phó với rụng tóc và thúc đẩy tóc phát triển.

K.Huyền (tổng hợp)