Vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam

Hồ Hương 12/02/2023 14:00

Năm 2023, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua và thời gian tới.

Giai đoạn 2021-2030 thu hút FDI sẽ hướng đến dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều địa phương đón tin vui

Mặc dù tháng 1/2023 là tháng gắn với hai kỳ nghỉ dài, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nhưng một số nhà đầu tư ngoại vẫn tìm hiểu và quyết định mở rộng đầu tư. Trên địa bàn cả nước đã có 89 lượt dự án đăng ký điều chỉnh, với tổng vốn tăng thêm đạt 306,3 triệu USD. Ngoài ra còn có 204 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 174,1 triệu USD.

Bắc Giang là địa phương có vốn FDI đến mạnh nhất trong đầu năm. Trong đó, dự án "Nhà máy công nghệ chính xác Fulian" Ingrasys (Singapore) Pte.Ltd do Công ty TNHH Fulian thực hiện tại khu công nghiệp (KCN) Quang Châu (Việt Yên) có quy mô rất ấn tượng. Dự án được triển khai trên diện tích gần 50 ha. Mục tiêu chính là sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị truyền thông.

Một dự án nữa cũng góp phần đưa Bắc Giang trở thành điểm sáng hút FDI là Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited (Trung Quốc) đầu tư nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời với quy mô công suất 3.500 Mw/năm tại KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa). Dự án được triển khai từ quý I/2023. Tổng vốn đăng ký của hai dự án trên khoảng 761 triệu USD.

Tương tự, Bắc Ninh cũng là địa phương nằm trong “top” đầu về thu hút vốn ngoại, trong tháng 1/2023, tỉnh thu hút được 20 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 123,1 triệu USD, tăng 12 dự án so với cùng kỳ năm 2022 và đứng thứ 4 toàn quốc trong thu hút vốn đầu tư FDI.

Ngay trong những ngày làm việc đầu năm mới, Công ty trách nhiệm hữu hạn Goertek Vina (Khu công nghiệp Quế Võ) dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thêm nhà máy trên diện tích khoảng 30ha, với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD.

Hiện nay Bắc Ninh đang tập trung hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từng bước tham gia chuỗi toàn cầu; tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, thu hút đầu tư có chọn lọc. Đặc biệt, Bắc Ninh đang tập trung giải quyết các vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm, nhất là quyền lợi của nhà đầu tư để đạt mục tiêu cả hai phía đều thành công bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền về các lợi thế so sánh nổi trội như vị trí địa chiến lược, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ và nền hành chính được tập trung cải cách.

Còn tại Hà Nội, ngay trong tháng 1 cũng đã có 22 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 2,4 triệu USD; 9 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với vốn bổ sung đạt 14,2 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu 23 lượt, đạt 5,2 triệu USD.

Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về môi trường đầu tư thuận lợi. Bên cạnh việc thúc đẩy hạ tầng các khu công nghiệp, các chính sách thu hút đầu tư cũng được thành phố thường xuyên triển khai như cải cách thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế, đất đai... Qua đó, thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhiều nước đến thành phố.

Hướng đến các dự án công nghệ cao

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030 thu hút FDI sẽ hướng đến dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Điểm mạnh cũng như cơ hội mở ra cho Việt Nam trong việc thu hút vốn ngoại là đã tham gia 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU(EVFTA). Từ đây tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư ngoại. Hiện, có nhiều nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản đã chọn Việt Nam là điểm đến. Nhiều nhà đầu tư lớn của châu Âu, Mỹ, Canada cũng đang khảo sát môi trường đầu tư của Việt Nam để quyết định lựa chọn.

TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần mở rộng hợp tác với thị trường tiềm năng. Trong đó, thu hút FDI cần cân đối, hợp lý giữa các vùng miền, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam trong giai đoạn tới, do vậy cần có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ nguồn vốn FDI. Theo đó, những địa phương có kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại và nguồn nhân lực có chất lượng thì tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, dự án nghiên cứu phát triển, dịch vụ hiện đại.

Để thu hút nguồn vốn FDI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho rằng, Việt Nam cần tập trung phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ; bổ sung các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI hiệu quả, chất lượng cao.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam vẫn phải chuẩn bị kỹ những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Hồ Hương