Tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 5: Nên hay không?
Từ đầu năm 2023 tới nay, số ca mắc mới Covid-19 ổn định và giảm mạnh so với thời gian trước đó, không ghi nhận bệnh nhân tử vong. Thế nhưng, với đặc tính biến đổi liên tục và đã xuất hiện những biến thể mới có khả năng tránh miễn dịch, ngành Y tế khẳng định, người dân vẫn không thể chủ quan, lơ là. Thống kê từ Bộ Y tế, ngày 9/2, cả nước có 17 ca mắc Covid-19 mới; trong ngày có 46 bệnh nhân khỏi bệnh, nhiều gấp gần 3 lần số ca mắc mới; tròn 40 ngày nước ta không ghi nhận bệnh nhân tử vong vì Covid-19.
Theo đánh giá từ các chuyên gia y tế, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh và không có tình trạng quá tải hệ thống y tế. PGS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay: “Số ca mắc mới không tăng trong thời gian dài, số ca tử vong trong nhiều ngày gần đây đều ở mức 0, những số liệu này cho thấy người dân đã có miễn dịch cộng đồng và miễn dịch do mắc Covid-19”.
Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: “Có thể nói, 90% người dân Việt Nam đã có miễn dịch với virus SARS-CoV-2 nhờ tiêm vaccine hoặc do từng mắc Covid-19”.
Mặc dù vậy, với đặc tính biến đổi liên tục của virus SARS-CoV-2, trong khi miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian, các chuyên gia y tế khuyến cáo vẫn phải cảnh giác trước dịch bệnh này, nhất là trong thời điểm mùa đông - xuân có nhiều lễ hội tập trung đông người, cộng thêm thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan.
PGS-TS Trần Đắc Phu nhận định: “Hiện tại vấn đề giám sát, xét nghiệm... không được hoàn hảo như trước dẫn tới số liệu báo cáo hàng ngày có thể chưa phản ánh đúng thực tế. Đơn cử như hiện nay nhiều người mắc Covid-19 nhưng không xét nghiệm và cũng có không ít người có sốt, ho... và xét nghiệm dương tính cũng không khai báo y tế như trước đây. Đáng nói, ở thời điểm hiện tại, nhu cầu đi lại, du xuân cũng nhiều hơn, tại những nơi tổ chức lễ hội, khu vực công cộng là nơi tập trung đông người nên nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như Covid-19, cúm cũng cao hơn”.
Tại thông báo mới nhất, Bộ Y tế cũng phát đi cảnh báo, mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số ca mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19.
Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu tiếp tục ghi nhận diễn biến phức tạp với gần 200.000 ca tử vong liên quan đến Covid-19 trong 8 tuần qua, cùng với đó là sự xuất hiện liên tục của các biến thể mới. Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đến nay, thế giới đã ghi nhận gần 600 biến thể phụ của SARS-CoV-2 trong đó 5 biến thể phụ đang phải giám sát vì có khả năng biến đổi và trở thành áp đảo. Đáng chú ý, biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh đã xuất hiện ở 70 quốc gia. Các biến thể phụ này được cảnh báo ngày càng có khả năng né tránh được hệ miễn dịch.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã phát đi khuyến cáo, người dân cần chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân, như đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sạch...; chú trọng tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh.
Thực tế đã chứng minh, vaccine phòng Covid-19 đóng vai trò quan trọng trong củng cố miễn dịch, giảm ca mắc mới, ca nặng phải nhập viện và tử vong. Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, hiệu quả của vaccine sau tiêm mũi 3 ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tử vong đạt 86% ở tháng thứ nhất sau tiêm. Sau tiêm mũi 4 giúp tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện, tử vong từ 9-28%.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn là biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. Việc tiêm vaccine đã giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và mở cửa cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi khuyến cáo cần bảo vệ cho nhóm dễ bị tổn thương như: Người già, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine cần được tiêm đủ liều và tiêm các mũi nhắc lại vì những đối tượng này khi mắc bệnh dễ bị chuyển nặng và nguy cơ tử vong cũng cao hơn”.
Chuyên gia y tế dự phòng cũng chia sẻ thêm: “Thực tế, đã có ý kiến nêu quan điểm về việc tiêm vaccine mũi nhắc lại thứ 5, mũi tiêm nhắc lại này có thể sau 4 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc thực hiện tiêm hàng năm theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ở thời điểm hiện tại khi dịch Covid-19 vẫn phức tạp thì việc tiêm các mũi nhắc lại là cần thiết, tuy nhiên, việc thực hiện theo lịch trình thế nào cần phải dựa theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế. Ngoài ra, cũng cần dựa trên các nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 có biến chủng và làm vô hiệu hóa vaccine hay không. Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng vẫn tiêm các mũi vaccine Covid-19 theo lịch trình các mũi tiêm cơ bản, tiêm bổ sung và tiêm mũi nhắc lại mà Bộ Y tế đã ban hành”.
Thông tin từ Bộ Y tế, đến nay tổng số mũi vaccine phòng Covid-19 đã tiêm ở nước ta là 266.210.057 mũi. Trong đó, đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 3: Tổng số có 51.933.570 mũi tiêm (81,4%). Đối với nhóm từ 12 - 17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.809.663 mũi tiêm. Nhóm từ 5 - 11 tuổi: tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.494.588 mũi tiêm.
Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, Bộ Quốc Phòng:
Tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 5 là cần thiết
Miễn dịch cộng đồng được hiểu đơn giản là một trạng thái cho từng bệnh truyền nhiễm cụ thể, đó là khi một cộng đồng đã đạt được một tỷ lệ nhất định về khả năng miễn dịch, nói cách khác là khi hệ số ca lây nhiễm thấp hơn 1, bệnh nhân không tăng thêm, khi đó, dịch bệnh truyền nhiễm đó không có khả năng phát triển thành dịch. Nói như vậy để thấy, đánh giá về một cộng đồng đã đạt được miễn dịch hay chưa, cụ thể ở đây là dịch Covid-19 ở nước ta thì cần phải có nhiều kết quả nghiên cứu và những số liệu thống kê chuyên sâu và đầy đủ. Tuy nhiên, với những số liệu bước đầu thì chúng ta có thể lạc quan cho rằng khả năng cao là Việt Nam đã có miễn dịch cộng đồng, bằng chứng là số ca mắc mới đã ở mức rất thấp và ổn định trong suốt thời gian qua.
Mặc dù vậy, cũng cần phải thận trọng, bởi lẽ miễn dịch cộng đồng có thể thay đổi, mất đi. Đối với Covid-19, đặt giả thiết ở một thời điểm nào đó, khi Việt Nam vẫn đang có miễn dịch cộng đồng với dịch bệnh này, nhưng trên thế giới xuất hiện một biến thể siêu lây nhiễm – điều này hoàn toàn có thể xảy ra với đặc tính biến đổi của virus SARS-CoV-2, khi đó, trạng thái này của nước ta cũng khó có thể tồn tại được khi biến thể mới xâm nhập và dịch bệnh sẽ có khả năng bùng phát.
Bởi vậy, theo tôi, việc tiêm thêm mũi vaccine nhắc lại tiếp theo – mũi vaccine phòng Covid-19 thứ 5 là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần sử dụng một loại vaccine mới, được nghiên cứu và phát triển từ những biến thể mới nhất, ví dụ như XBB thì mới có tác dụng bảo vệ bền vững và lâu dài. Đồng thời, như đã phân tích, không loại trừ khả năng Covid-19 quay lại và bùng phát, do đó, chúng ta có thể lạc quan nhưng không thể chủ quan, lơ là hay coi thường đại dịch nguy hiểm này.Nghĩa Toàn (ghi)