Nuông chiều thơ non yếu, người đọc quay lưng
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 được tổ chức hoành tráng tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) mới kết thúc cách đây ít hôm, là dịp mà nhiều nhà thơ, nhà phê bình đã bộc bạch nỗi trăn trở và có cái nhìn đa chiều, thẳng thắn về đời sống thơ ca Việt Nam thời nay.
Thơ in nhiều, người đọc ít
Thơ hay, thơ dở là câu chuyện xưa nay được đưa ra để bàn đến ở các thời kỳ. Thời kỳ nào những người yêu thơ cũng đau đáu một nỗi niềm trăn trở là làm thế nào để thơ ngày càng hay và đi vào cuộc sống, luôn có sức sống mạnh mẽ với thời cuộc. Và dù chất lượng của thơ ca có thế nào, có bị chê bai ra sao thì nó vẫn tồn tại.
Nhiều năm trở lại đây, thơ ca đã có một đời sống mới, diện mạo mới với vô vàn các quan niệm nghệ thuật, các khuynh hướng thơ ca, các phong cách sáng tác, mang hơi thở mới, mỹ cảm mới, chức năng mới với muôn hình vạn trạng cách thể hiện cũ, mới, quen, lạ vừa giống vừa không giống ai... Các nhà thơ một mặt đi sâu vào khám phá bản thân, một mặt không rời bỏ ý thức trách nhiệm xã hội.
Nói về chất lượng của thơ hôm nay, nhà thơ Trần Anh Thái - Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, đội ngũ người làm thơ rất đông, không phải một nghìn mà có lẽ hàng chục nghìn người. Thơ có mặt ở mọi nơi. Hàng trăm hàng nghìn câu lạc bộ thơ ra đời, mỗi câu lạc bộ hoạt động một kiểu, tùy thích. Thơ in ra nhiều, mỗi năm các nhà xuất bản in cả ngàn tập thơ. Người làm thơ cứ có tiền là in thơ, bất chấp thơ hay, thơ dở. Không ít người cho rằng, các giá trị thật giả, đúng sai bị đánh tráo. Thơ chất lượng thấp tràn lan; giải thưởng, danh hiệu tràn lan. Cái đích thực bị khuất lấp, chìm vào im lặng.
Ông Thái cũng băn khoăn: “Thơ hiện nay là vậy. Cái non yếu chiếm lĩnh. Nhưng, suy cho cùng, cái non yếu của thơ cũng không ngại gì. Điều đáng ngại là người làm thơ đông, thơ in ra nhiều, nhưng người đọc lại không đọc thơ. Bạn đọc lạnh nhạt với thơ là có thật, thậm chí quay lưng lại với thơ cũng là thật. Dù tôn trọng thơ, yêu thơ đến mấy, chúng ta cũng phải thừa nhận, đó là sự thất bại của thơ”.
Đồng tình, nhà thơ Vũ Quần Phương đã nêu ra nghịch lý trong thời buổi thơ ca hiện nay, những người làm thơ ngày một tăng, và đều được gọi là nhà thơ. Hiện nay số lượng các nhà thơ trong nước ta phải tính bằng đơn vị vạn và các tập thơ xuất bản hàng năm cũng phải dùng tới đơn vị nghìn.
“Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”. Nghĩ cũng tủi cho phận làm thơ. Những tập thơ đọc được thì như đang ngạt thở dưới hàng chục tập thơ xoàng che lấp ở phía trên. Đã thế lại không một chỉ dẫn nào của giới xuất bản hay phát hành giúp cho bạn đọc cách tìm ra nó” - nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ.
Nhiều nguyên nhân
Nói như vậy không phải để buông xuôi, mặc kệ cho thơ muốn ra sao thì ra, hay dở, tốt xấu, lẫn lộn.
Nói về nguyên nhân của việc thơ chất lượng thấp lên ngôi thì theo nhà thơ Trần Anh Thái, các tờ báo, nhà xuất bản, các cơ quan quản lý văn hóa dễ dãi, nuông chiều thơ non yếu. Họ không dám sử dụng quyền được từ chối để khước từ thơ non yếu, gạt bỏ cái ấu trĩ, tầm thường ra khỏi đời sống thơ ca lành mạnh. Chính vì vậy mà thơ chất lượng thấp có cơ hội lên ngôi.
Còn theo nhà thơ Vũ Quần Phương, công tác biên tập đã bị coi nhẹ. Thơ chưa đạt chuẩn vẫn đưa ra thị trường bán chung với các tập “chính phẩm". Để có được tập thơ đọc được, người đọc phải vượt qua ba, bốn mươi tập non lép hoặc rất non lép. Ít ai có đủ kiên nhẫn. Thơ bị ế. Các hiệu sách có sáng kiến: không nhập thơ, không bán thơ nữa. Trừ những hiệu sách tự làm lấy bản thảo và liên kết với các nhà xuất bản lớn để in và phát hành. Như vậy số người làm thơ tăng lên, sách thơ xuất bản cũng tăng lên, nhưng người đọc thơ lại giảm chưa từng có.
Có thể nhận thấy, trong vài thập niên gần đây, đã có quá nhiều những vần thơ mang giai điệu du dương nhàm chán của thứ thơ tình. Chính điều đó đã khiến cho người đọc nản, thất vọng. Đó là nguyên nhân khiến công chúng không còn mặn mà với thơ.
Loại bỏ thơ “không chính phẩm”
Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thì hành trình khắc nghiệt của thơ ca sẽ loại bỏ những thứ thơ “không chính phẩm”. Thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo tinh thần của con người. Trong thơ Việt thời gian qua, không ít những bài thơ vui rất giả, buồn cũng rất giả. Ngôn ngữ thơ ấy như một thứ hàng “giả” làm người đọc khó chịu.