Cuộc sống mới ở bản biên cương
Giữa màu xanh của núi rừng, bản Dộ - Tà Vờng (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đẹp như một bức tranh thủy mặc. Và trong ngôi nhà sàn của người Mày, những câu chuyện về an cư lạc nghiệp, phong tục văn hóa của đồng bào được nối dài…
10 năm nghĩa tình
Bản Dộ - Tà Vờng ở sát biên giới Việt - Lào, là nơi sinh sống của 78 hộ người Mày (thuộc dân tộc Chứt). Từ trung tâm xã biên giới Trọng Hóa, đoạn đường vào bản dài hơn 30km uốn lượn ngoằn ngoèo bên những triền đồi dốc núi. Mùa xuân ở Trọng Hóa, đồi nào, bản nào từ sáng đến chiều cũng bồng bềnh trong mây. Chỉ giữa trưa, nếu có hửng nắng thì mây mới chịu dạt lên đỉnh Trường Sơn, để lộ ra những bản làng với những ngôi nhà sàn đủ màu sắc của tấm lợp firô xi măng, tôn lạnh, cả những mái tranh ngấp nghé dưới những tán rừng, từ xa nhìn lại như một tấm thổ cẩm rực rỡ. Bản Dộ - Tà Vờng ở nơi xa nhất, nằm dọc theo đường biên giới với nước bạn Lào. Từ trên đỉnh núi cao phóng tầm mắt ra xa, mấy chục nóc nhà sàn ở bản san sát nhau giữa màu xanh của núi rừng.
Trước đây, bản Dộ - Tà Vờng ở sâu trong núi, bên kia con suối Tà Leng. Do địa hình dốc, đến mùa mưa lũ, đất bị xói lở, gây nguy hiểm cho bà con nên chính quyền, Mặt trận và bộ đội biên phòng ở Quảng Bình đã vận động bà con dân bản di chuyển về xây dựng bản mới trên một ngọn đồi. Mùa xuân năm 2012, 25 hộ gia đình người Mày được chuyển về sinh sống trong 25 ngôi nhà sàn mới vững chắc, khang trang được xây dựng từ chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” do Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng.
10 năm biết bao ân tình! Nay ở bản Dộ - Tà Vờng đường được mở, trạm, trường được xây đã làm cho diện mạo của bản đổi thay rất nhiều. Nếu như năm 2012 chỉ có lác đác vài nhà lợp mái firô xi măng, thì nay bản đã có trên 95% nhà ở của bà con được lợp bằng tôn lạnh rất kiên cố chắc chắn. Nếu như trước đây, bà con trong bản chỉ biết sống phụ thuộc vào rừng, trồng lúa rẫy thì nay họ đã biết trồng rừng, trồng sắn, cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và trồng lúa nước trên ruộng bậc thang... Có nhiều hộ dân trong bản đã biết tập trung làm kinh tế gia đình.
Bản nông thôn mới
Năm 2020, Dộ - Tà Vờng là một trong 4 bản được huyện Minh Hóa chọn triển khai thực hiện mô hình “bản nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Trải qua thời gian, thông qua thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, bản Dộ - Tà Vờng đã được đầu tư xây dựng đường giao thông; trạm xá; trường học; nhà văn hóa; điện đường thắp sáng từ mô hình “Ánh sáng vùng biên” của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai... Mùa xuân này, những đứa trẻ ở bản Dộ - Tà Vờng dường như vui hơn khi được học ở ngôi trường mới (điểm trường mầm non bản Dộ - Tà Vờng) với đầy đủ trang thiết bị dạy học, khu vui chơi đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2023.
Bên bếp lửa ấm nồng, Trưởng bản Hồ Khiên chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống bà con trong bản đã khá hơn. Bà con đã có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng, khi đau ốm thì đến trạm xá khám bệnh. Con cháu được đến trường học cái chữ. Bản Dộ - Tà Vờng đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ. Để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hàng năm, bà con nơi đây vẫn tổ chức các lễ hội đặc sắc như lễ buộc chỉ cổ tay, lễ mừng cơm mới...
Ông Hồ Phin - Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trọng Hóa đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, hăng hái lao động, sản xuất. Đặc biệt, với sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật của Nhà nước, hầu hết đồng bào người Mày ở bản Dộ - Tà Vờng đã biết phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Mùa xuân mới đã về, giữa màu xanh của núi rừng ở nơi biên giới, cuộc sống của người Mày (dân tộc Chứt) ở bản Dộ - Tà Vờng, xã Trọng Hóa đang đổi thay từng ngày…
Theo ông Hồ Phin - Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch huyện Minh Hóa giai đoạn 2020 – 2025, UBND huyện Minh Hóa đã ban hành kế hoạch, trong đó huyện sẽ xây dựng, hình thành điểm du lịch văn hóa ở bản Dộ - Tà Vờng. Với những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất, cùng với sự chân tình, cởi mở của người dân bản địa, trong tương lai không xa, bản Dộ - Tà Vờng sẽ là điểm đến đặc sắc, níu chân du khách khi đến với huyện Minh Hóa.