Dai dẳng nạn 'đinh tặc' trên quốc lộ
Thường xuyên di chuyển trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh (TPHCM) để đi làm, anh Nguyễn Văn Ba, 41 tuổi cho biết anh chứng kiến rất nhiều người đi đường bị hỏng xe vì cán phải đinh ở khu vực này. “Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân. Năm ngoái trên đường đi làm về, xe đang chạy bon bon thì bị xẹp lốp vì cán phải mảnh thép sắc nhọn. Rất may tôi đi với tốc độ vừa phải nên xử lý kịp thời chứ không thì không biết chuyện gì đã xảy ra. Lúc bình tĩnh lại mới thấy một mảnh thép được cắt rất cẩn thận, có mũi vênh lên một chút để khiến lốp xe gắn máy dễ dàng cán phải hơn. Sau đó mình dắt xe một đoạn để sửa thì phải thay cả xăm, lốp xe do miếng đinh làm nát hết cả” - anh Ba cho biết.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng rải đinh ở khu vực quốc lộ 1A đoạn qua các xã Tân Quý Tây, An Phú tây hay thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) đã diễn ra vài năm gần đây. Nhiều người đã bị tai nạn, hư hỏng xe gắn máy do cán phải đinh trên mặt đường nhưng rất khó để tìm ra thủ phạm và khó phân biệt được đâu là đinh do người cố ý rải xuống đường, đâu là đinh do người vô tình làm rớt xuống mặt đường.
Trong khi đó, Công an huyện Bình Chánh xác nhận thời gian gần đây tình trạng “đinh tặc” đã xuất hiện ở địa phương, dọc tuyến quốc lộ 1A. Ngoài ra, Công an huyện Bình Chánh cũng cho biết đã đề nghị các điểm vá, sửa chữa xe gắn máy trên quốc lộ 1A đi qua địa bàn không tiếp tay cho đinh tặc, không trục lợi từ việc rải đinh gây hư hỏng phương tiện giao thông.
Tuy nhiên, không chỉ diễn ra ở tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn TPHCM, tình trạng rải đinh thời gian qua đã tràn xuống địa phận tỉnh Long An. Nhiều nơi ở các huyện Bến Lức, Thủ Thừa... (tỉnh Long An), người đi đường cũng cán phải đinh, bị hư hỏng xe khi di chuyển. Hiện chưa có thống kê đầy đủ về số vụ hư hỏng xe do cán phải đinh, hay số vụ tai nạn giao thông có liên quan tới việc cán đinh này từ cơ quan chức năng. Để tránh tai nạn, một số người ở huyện Bến Lức đã chế tạo một chiếc xe chuyên dụng với máy nam châm hút đinh để hàng ngày đi dọc tuyến quốc lộ 1A hút đinh, thép trên đường. Thậm chí nhóm này còn có cả dụng cụ để vá xăm, lốp cho các xe bị hư hỏng nếu gặp phải. Theo một thành viên của nhóm, tình trạng rải đinh trên địa bàn chủ yếu xảy ra ở các địa điểm như thị trấn Bến Lức, xã Phước Lợi, Mỹ Yên...
Trao đổi với báo chí, luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng pháp luật có nhiều quy định về chế tài xử lý hành vi rải đinh trên đường. Trong đó theo Khoản 10, Điều 11, Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì cá nhân thực hiện các hành vi như ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng.
Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng (như gây ra tai nạn giao thông) có thể bị xử lý hình sự về các tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261) và hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178) theo Bộ luật Hình sự 2015. Và, tùy theo mức độ của vụ tai nạn mà mức phạt có thể tăng từ 100 tới 500 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm.