80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam: Soi đường cho quốc dân đi

NAM VIỆT 13/02/2023 12:39

Ra đời cách nay 80 năm, Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 được ví như tuyên ngôn đầu tiên và cũng là cương lĩnh của Đảng về văn hóa, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển. Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 là đường hướng chỉ đạo cho một cuộc cách mạng văn hóa theo quan niệm Mác-xít. Thời gian trôi qua, Đề cương văn hóa đã chứng tỏ là nền tảng sức mạnh tinh thần trong cuộc cách mạng xã hội toàn diện, sâu sắc chưa từng có trong lịch sử dân tộc; “soi đường cho quốc dân đi”.

Văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Ảnh: ITN.

Tính cách mạng, sự minh triết của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943

Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 phác thảo hoạt động của một đảng chính trị trong điều kiện hoạt động bí mật, nên văn bản mới chỉ dừng lại ở những định hướng lớn, những nguyên tắc mang tính chất nền tảng. Tuy nhiên, trên thực tế, 80 năm qua, trải qua những giai đoạn khác nhau của đất nước thì những đường hướng ấy, vẫn giữ được tính nhất quán về đường hướng phát triển, nguyên tắc chỉ đạo.

Đó là tầm nhìn về văn hóa của Đảng, với 3 phương châm mang tính nguyên tắc bao trùm của một nền văn hóa mới: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng.

Khi cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc là vấn đề cấp thiết số một thì nguyên tắc “Dân tộc” chính là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”. Nêu phương châm “Dân tộc” lên đầu tiên, gắn với cuộc cách mạng giành độc lập cho đất nước như là nhiệm vụ hàng đầu của văn hóa chính là đưa văn hóa đến với đời sống, gần gũi, gắn bó, thiết thực với quảng đại quần chúng.

Tính “Khoa học” của Đề cương Văn hóa 1943 giai đoạn này chính là chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ; chống lại những quan niệm duy tâm, siêu hình đè nặng lên đời sống tinh thần của nhân dân trong một xã hội thuộc địa thực dân phong kiến.

“Đại chúng” chính là việc xác định văn hóa là đời sống tinh thần của toàn dân Việt Nam, ai cũng được thụ hưởng và sáng tạo; đồng thời bác bỏ mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa xa rời đông đảo quần chúng.

Lúc bấy giờ, cách mạng chưa thành công, nhưng những tư tưởng lớn của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 đã giác ngộ nhiều người hiểu về cách mạng, đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội chủ nghĩa. Và cũng chính Đề cương Văn hóa đã nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, chống áp bức, nô dịch. Từ đó dân khí, dân trí đã đổi mới và cũng như sau này trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, nền văn hóa mới trên nền tảng Dân tộc - Khoa học - Đại chúng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cứu quốc và góp phần phục hưng dân tộc.

80 năm, nhìn lại những giai đoạn phát triển, đổi thay, càng nhận thấy tính cách mạng, sự minh triết của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 từ cách tiếp cận vấn đề, tính thực tiễn và khoa học của những luận điểm mang tính nguyên tắc. Đó cũng chính là tính cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới. Chính vì thế mà tư tưởng của nó đã bám rễ vào đời sống và chứng tỏ sự đúng đắn ngay từ những buổi đầu.

Kết hợp nhuần nhuyễn giá trị truyền thống với giá trị thời đại

Ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.

Tổng Bí thư khẳng định, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, dân tộc, cho nên ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930 đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc. Khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra "Đề cương văn hóa Việt Nam", trong đó chỉ rõ "mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa)", và chủ trương phát triển văn hóa theo 3 phương châm: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng.

Nhắc lại câu nói của Bác Hồ: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.

Tổng Bí thư yêu cầu phải xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại.

NAM VIỆT