Phát triển đô thị xanh
“Đô thị xanh” - khái niệm tưởng như đã khá quen thuộc với nhiều người. Khi nhắc đến “đô thị xanh”, không ít người sẽ định nghĩa bằng mật độ cây cối, độ rộng của công viên, mặt nước… Hay nói cách khác, cây càng nhiều, công viên càng rộng thì đô thị càng “xanh”. Tuy nhiên, quan điểm này chưa thật sự bao quát và toàn diện.
7 tiêu chí “xanh”
Có nhiều thước đo cho một đô thị xanh. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, một đô thị được công nhận đạt chuẩn xanh phải đáp ứng được 7 tiêu chí đó là: Không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.
Tại Việt Nam, câu chuyện phát triển đô thị xanh cũng đã được quan tâm. Tuy nhiên, hầu hết các đô thị ở Việt Nam mới chỉ bước đầu quan tâm đến công viên, hồ nước và những mảng xanh trong các tòa nhà... Hay nói khác đi là chỉ đang dừng lại ở tiêu chí “không gian xanh” và “công trình xanh”. Cái quan trọng cho phát triển một đô thị xanh theo chuẩn châu Âu là quỹ đất thì phần lớn lại là trở ngại của các đô thị Việt Nam.
Theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGCB), cho đến nay, Việt Nam đã có khoảng 100 công trình xanh. Trong đó, có 24 công trình áp dụng theo bộ tiêu chuẩn LOTUS, trên 90 công trình theo bộ tiêu chuẩn LEED. Tuy nhiên, công trình xanh mới chỉ dừng ở cấp độ các dự án đơn lẻ, chưa có khu đô thị nào được công nhận là khu đô thị xanh.
Hiện nay, các đô thị trên thế giới đang hướng đến phát triển bền vững. Do đó, phát triển đô thị xanh sẽ là xu hướng chung và trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia.
Thời gian gần đây, Hà Nội và TPHCM là hai thành phố lớn đã quan tâm nhiều hơn cho việc hình thành, phát triển đô thị xanh. Việc hình thành những trung tâm mới với quỹ đất dồi dào và tiềm năng phát triển có nhiều hứa hẹn là cơ hội để khái niệm đô thị xanh được thực thi đúng hướng.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng yêu cầu Thủ đô Hà Nội khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, kiểm tra, bổ sung kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ để xây dựng các chương trình, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 15-NQ/TW, trong đó trọng tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội đi đầu cả nước hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố "Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại", phát triển thông minh, năng động, hiệu quả, vì con người; trở thành trung tâm - động lực thúc đẩy, dẫn dắt phát triển vùng và cả nước; có sức cạnh tranh khu vực, thế giới, sánh vai với thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực.
Đồng thời chủ động phát triển quan hệ liên kết, trao đổi, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước và trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt là tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bền vững trên các lĩnh vực, khai thác, phát huy được tiềm năng, lợi thế của nhau cùng phát triển.
Phát triển bền vững với “quy hoạch xanh”
Phát triển theo hướng bền vững hiện đang được nhiều quốc gia quan tâm. Nước ta cũng hết sức quan tâm đến vấn đề này. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành trong thời gian qua. Bản thân các địa phương cũng ý thức được câu chuyện phát triển bền vững thông qua mô hình những đô thị xanh.
Sự phát triển có phần nóng vội trong thời gian gần đây đã có nơi, có lúc phải trả giá. Những bài học trong việc phát triển đô thị thiếu tính bền vững, thiếu sự liên kết cần được phổ biến, quán triệt để làm kim chỉ nam cho những địa phương đi sau.
Theo giới chuyên gia, điều kiện tiên quyết chính là ngay trong công tác quy hoạch cần phải có sự thống nhất và định hướng rõ nhằm đem lại hiệu quả cao, quy định quỹ đất cây xanh và mặt nước trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới tính tiện ích và hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt đi lại của người dân.
Xét cụ thể ở mảng cây xanh, theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2-3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20-25 m2/người. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5-1/10 của thế giới.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, khi diện tích đất cây xanh đạt 20 - 50% diện tích đất đô thị thì cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm 3,3 độ C nhiệt độ không khí. Ngoài ra, cây xanh đô thị có thể làm giảm từ 40-50% cường độ bức xạ mặt trời và hấp thụ từ 70-75% năng lượng mặt trời… Tuy nhiên, theo thống kê, tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người của Hà Nội hiện chưa đến 2m2/người. Thậm chí, tại các quận trung tâm, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,9m2/người. Trong khi tiêu chuẩn đặt ra là 7m2/người. Thiếu không gian xanh nhưng Hà Nội hiện đang là thành phố có nhiều công viên đang bỏ hoang hoặc xuống cấp nghiêm trọng.
Còn tại TPHCM - đô thị phát triển nhất cả nước, hiện chỉ tiêu cây xanh còn thiếu. Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị, tiêu chuẩn thiết kế, mật độ cây xanh công cộng đối với đô thị đặc biệt như thành phố là 15 m2/người. Tuy nhiên, mật độ cây xanh công cộng đầu người hiện tại của đô thị đặc biệt này là thấp hơn nhiều, chưa đến 1m2/người.
Theo TS Đinh Quang Diệp - nguyên Trưởng bộ môn Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên (Trường ĐH Nông Lâm TPHCM), thành phố cần quy hoạch và đầu tư xây dựng các vành đai xanh xung quanh thành phố, trong bối cảnh quỹ đất dành cho phát triển mảng xanh ở vùng đô thị trung tâm như các Quận 1, 3, 4, 5, 10… không còn. Vì vậy, cần phát triển các mảng xanh ở vùng đô thị mới và vùng ven đô thị để trang trí thay cho công trình bị bê tông hóa.
Bên cạnh đó, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh trong các đồ án quy hoạch của TPHCM hiện là hơn 11.400 ha, tương ứng chỉ tiêu 7 m2/người. Trong khi thực tế hiện nay tổng diện tích công viên hiện hữu chỉ khoảng 500 ha, tương ứng 0,55 m2/người.
Để đạt mục tiêu diện tích cây xanh đạt 3-4m²/người vào năm 2030, TPHCM phát động phong trào mỗi người dân thành phố trồng một cây xanh. Cùng với đó là huy động nguồn lực về kinh phí, lao động, việc tình nguyện tham gia của tổ chức, đoàn thể, quần chúng, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
Các cơ quan chức năng TPHCM đặt chỉ tiêu từng bước nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường, nâng cao chỉ tiêu đất cây xanh trên địa bàn, đáp ứng theo chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh sử dụng công cộng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy hoạch chung của thành phố. Đồng thời, theo Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025, thành phố cũng có mục tiêu tăng thêm tối thiểu 150 ha đất công viên và 10 ha mảng xanh công cộng, tương đương trồng mới 10 triệu cây xanh các loại.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, để quản lý, phát triển mảng xanh trong đô thị, TPHCM cần siết chặt kiểm soát diện tích công viên đang sử dụng sai mục đích để trả lại không gian công cộng tại các công viên. Đồng thời, cần thanh tra, giám sát chủ đầu tư dự án khu dân cư, khu đô thị buộc phải thực hiện nghiêm túc cam kết xây dựng diện tích công viên cây xanh theo đúng quy định để không gian sống của cộng đồng dân cư được hài hòa, thân thiện hơn với môi trường.
Kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa đồng thời là chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, TPHCM nên xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng đối với công viên công cộng có quy mô lớn trên 10 ha, quy hoạch xây dựng xen cài các loại hình khai thác phù hợp như: Khu vui chơi có thu phí, khu vực triển lãm, trưng bày hoa cảnh, cảnh quan chuyên đề; khu dịch vụ thể dục, thể thao trong nhà hoặc ngoài trời...