Áo dài ngũ thân: Hành trình di sản thế giới
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế vừa trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) hồ sơ đề nghị đưa nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài ngũ thân vào danh mục Di sản phi vật thể quốc gia. Trong tương lai, tỉnh hướng tới xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO vinh danh Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phục dựng áo ngũ thân
Gần ba thế kỷ trước, áo ngũ thân, được xem là tiền thân của áo dài ngày nay, ra đời trên chính mảnh đất Phú Xuân, nay là Huế sau cuộc cải cách trang phục dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, nhằm phân biệt văn hóa giữa hai miền Nam Hà và Bắc Hà (thuộc quyền kiểm soát của vua Lê, chúa Trịnh). Sang đến thời Minh Mạng, áo ngũ thân trở thành trang phục phổ biến trên toàn cõi nước Nam ta sau sắc lệnh thống nhất y phục hai miền Nam Bắc.
Trải qua một quãng thời gian với nhiều biến động trong thế kỉ XX, áo dài ngũ thân từng bị xem là đại diện cho sự cổ hủ, lạc hậu, gắn với chế độ quân chủ phong kiến. May thay trong vài năm trở lại đây, tà áo này từng bước được công chúng nhìn nhận lại, nhận thức đúng đắn về giá trị và đặc biệt là nhận được sự yêu thích từ nhiều bạn trẻ.
Trước sự “phục sinh” mạnh mẽ của áo ngũ thân, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định: “Trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong tiến trình hội nhập thế giới, chúng ta càng cần nhận thấy rõ rằng văn hóa là yếu tố để nhận diện quốc gia, dân tộc, trong đó trang phục chính là sự nhận diện đầu tiên và dễ thấy nhất”.
Mong muốn áo ngũ thân quay lại đời sống đương đại với luồng sinh khí mới, không chỉ là mong muốn của TS Phan Thanh Hải, mà đó còn là mong muốn của các cơ quan, các cá nhân, tổ chức xã hội đang nỗ lực trong công cuộc bảo tồn, phát huy và khẳng định giá trị trên trường quốc tế của di sản áo ngũ thân.
Nỗ lực từ nhà quản lý
Về phía lãnh đạo tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ, khi còn ở cương vị Chủ tịch UBND tỉnh (nhiệm kỳ 2016-2021) hay chuyển qua cương vị mới là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy vẫn luôn tiên phong thực hành mặc áo dài khi tham dự hội thảo khoa học, các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống, đọc thư chúc mừng năm mới, tham dự lễ tuyên dương học sinh danh dự, tiếp đón đại sứ các nước Australia, Đức,… Hình ảnh ông với chiếc áo ngũ thân truyền thống đã tạo nên nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với cộng đồng nhân dân trong và ngoài nước, đồng thời khích lệ toàn thể lãnh đạo tỉnh may và mặc áo dài ngũ thân tham dự Lễ hội Đền Huyền Trân vào tháng 2/2022.
TS Phan Thanh Hải nhận định, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Sở VHTT có vai trò rất quan trọng trong hoạt động bảo tồn, phục hưng và phát huy giá trị cổ phục nói chung và áo dài ngũ thân nói riêng trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, là cơ quan đầu tiên trên cả nước đưa áo ngũ thân vào công sở, Sở VHTT Thừa Thiên Huế từ năm 2020 đã bắt đầu phát động thực hành mặc áo dài ngũ thân cho toàn thể cán bộ trong các lễ chào cờ đầu tháng và dịp lễ Tết, các sự kiện văn hóa...
Ông Hải cho rằng, việc làm này của Sở đã khuyến khích và từng bước đưa áo dài trở thành trang phục truyền thống trong các không gian văn hóa, hoạt động lễ nghi, lễ hội truyền thống, tạo dựng nét đặc trưng riêng có của vùng đất Cố đô Huế, và cũng là để “bắt nhịp” với các phương thức quảng bá quốc phục trên thế giới.
Ngày 19/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt đề cương đề án Huế - Kinh đô áo dài với 3 mục tiêu: Tiếp tục khẳng định giá trị, vị trí của áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam; Tôn vinh nét đẹp văn hóa của Áo dài Huế và tôn vinh những người đã khai sáng và phát triển áo dài trong lịch sử; Khai thác, phát huy vị thế áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Để nội dung đề án lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng, Sở VHTT tỉnh đã đề ra chương trình hành động thực hiện đề án một cách khoa học, cụ thể. Thông qua việc tổ chức định kỳ mỗi năm 2 lần Ngày hội áo dài, sự kiện văn hóa cộng đồng này đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế, và nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo nhân dân.
Với mong muốn xây dựng áo dài Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ nhu cầu của khách du lịch, Sở cũng có chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ may đo thiết kế áo dài; xây dựng các thương hiệu nổi tiếng về áo dài Huế. Cùng với đó, đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng các điểm trưng bày, trình diễn áo dài, trung tâm, cơ sở may đo áo dài phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Có thể nói, việc thực hiện thành công đề án này sẽ tạo ra cơ hội rất lớn để bảo tồn, phục hưng và phát huy giá trị cổ phục, cụ thể là áo dài ngũ thân trong bối cảnh đương đại, để Huế xứng đáng là kinh đô áo dài của Việt Nam.
Và tiếp đến, khối du lịch, dịch vụ và quản lý di tích gồm Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch, Hiệp hội lữ hành, Hiệp hội khách sạn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã đồng hành cùng ngành văn hóa, thể thao và du lịch, ngành giáo dục để áo dài Huế nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”.
Đồng hành cùng ngành văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã và đang thử nghiệm đưa áo dài nam vào trong các hoạt động quan trọng của ngành sau khi đã phổ biến áo dài nữ ở chốn học đường khối trung học phổ thông. Áo dài ngũ thân càng được lan tỏa mạnh mẽ hơn tại lễ tôn vinh học sinh danh dự trong các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022, hàng trăm thầy cô giáo và các em học sinh đã mặc áo dài truyền thống tham dự lễ, tạo nên một bầu không khí đầy bản sắc văn hóa, song cũng thật trang nghiêm.
Cộng đồng chung tay
Trong công cuộc phục hưng di sản áo dài ngũ thân, không thể thiếu sự chung tay của cả cộng đồng. Ông Hải chia sẻ, các sở ban ngành của tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho những tổ chức, cá nhân nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị áo dài ngũ thân trong đời sống đương đại. Ông biểu dương những gương mặt tiêu biểu như GS.TS Thái Kim Lan với triển lãm "Áo dài xưa thời Nguyễn" diễn ra trong tháng 11 năm 2022, trưng bày hơn 10 chiếc áo cổ từ thời Nguyễn mà bà nâng niu trong suốt những năm qua, đáng chú ý nhất là long bào của vua Khải Định. Bà tâm niệm, tà áo dài ngũ thân tôn vinh vẻ đẹp của người Việt Nam, phản ánh tinh thần và lòng tự hào dân tộc. Từ đó, nó đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người dân Việt, trở thành trang phục nhận diện bản sắc của người Việt Nam trong mắt người nước ngoài.
Bên cạnh tiếp nối giá trị truyền thống, thế hệ trẻ xứ Huế cũng không ngừng sáng tạo để truyền tải những thông điệp nhân văn đầy mới mẻ vào những tà áo dài. Điển hình như NTK Nguyễn Giang Thanh với dự án khởi nghiệp mang tên L’art à Hué - Không gian trải nghiệm văn hóa Huế gắn liền với áo dài cổ cách tân đã đạt giải Nhì trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 do UBND tỉnh tổ chức. Không gian L’art à Hué là nơi giới thiệu những sản phẩm văn hóa như trang phục, phục sức triều Nguyễn, hoa giấy truyền thống và bánh Huế... Nơi đây còn là sự nối tiếp của sản phẩm ứng dụng trên nền tảng văn hóa mang phong cách nghệ thuật Huế.
Bên cạnh đó, với mục tiêu quảng bá di sản của Việt Nam, đồng thời đưa áo dài Việt thành sản phẩm thời trang tiệm cận với thời trang thế giới, hướng tới giới trẻ Italia và châu Âu, trong thời gian tới, những chiếc áo dài ngũ thân mang nét đặc trưng riêng của Cố đô do NTK Quang Hòa cùng Maria Elena Di Terlizzi (Italia) hợp tác thiết kế sẽ được sản xuất hàng loạt tại Italia. Những thiết kế này nằm trong dự án "Áo dài Heritage - The Culture of tình thương, do Golden Heritage Group, Đại sứ quán Italia tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia và Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam (ICHAM) phối hợp thực hiện, nhằm đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế thời trang.
Những dự án tiêu biểu này đã góp phần vào xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam, đồng thời, khuyến khích và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đam mê áo dài và trang phục Việt hay những ai chọn con đường này để khởi nghiệp.
Nhìn lại những nỗ lực nêu trên, tà áo ngũ thân trăm năm lịch sử hứa hẹn sẽ vươn xa hơn trên bản đồ di sản thế giới như mong ước của bao người dân trên đất Thần Kinh. Cùng với đó, Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế sẽ sớm ngày được UNESCO vinh danh tại danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.