Năm nay làng mở hội
Hội làng bao giờ cũng vậy, hội mở ở sân đình. Ơ, cái sân đình rộng rãi thênh thênh vốn ngày thường lũ trẻ con huỳnh huỵch đá bóng. Tiếng hò tiếng hét vang trời. Tiếng cười tiếng trêu trọc nhau cứ ồn, cứ ã. Vậy mà hôm nay bất chợt thiêng liêng, mọi người đều cúi đầu thành kính.
Hội làng Cầu năm nay dường như nhộn nhịp, rộn rã hơn. Đành rằng “nhất niên nhất lệ”, đành rằng năm nào chả hội nhưng hội mỗi năm mỗi khác. Nhớ ba mùa xuân qua do dịch Covid - 19 nên làng không mở hội. Xuân Quý Mão năm nay dịch dã dường như đã lắng nên làng Cầu, quận Long Biên quyết định mở lại hội làng như thông lệ.
Hội làng năm nay dường như náo nức hơn. Nắng xuân nhè nhẹ đủ làm thổn thức những con tim trong cái gió bắc thổi lành lạnh. Tôi đứng từ xa để ngắm. Vẫn mái đình làng thâm nghiêm mà chợt mới lên trong tâm tưởng. Vẫn những ngả đường ngõ xóm quen thân mà chợt dấy lên gấp gáp. Hội làng năm nào chả vậy mà sao cứ ngóng, cứ chờ, cứ mong, cứ đợi. Người mong đến hội làng để gặp người xa. Người đợi đến hội làng để có dịp khoe bày chút tài nhỏ mọn. Tiếng hát con trai ồm ồm vỡ giọng. Tiếng ngân thanh nữ nghe ngọt nghe bùi.
Tôi trở thành “cư dân” làng Cầu, phường Thạch Bàn, quận Long Biên như một sự tình cờ. Thực ra, khi được nghỉ hưu tôi chợt muốn “rời xa” ồn ào phố thị mà tìm đến đây để trú ngụ, những mong được “trở về” làng mà không xa trung tâm Hà Nội.
Thế là tôi thành người làng Cầu. Vốn là một làng ven đô nay cho dù đã lên phường nhưng về đây tôi vẫn cảm nhận được “chất quê” vẫn còn đâu đó. Làng Thạch Cầu Bây giờ không còn gọi tên thôn tên xóm nữa, tổ dân phố được đánh theo thứ tự đôi khi cũng làm tôi chạnh lòng bởi nếu gặp ai đó mà hỏi thăm xóm này xóm kia thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Còn nếu hỏi muốn tới tổ dân phố số mấy thì được chỉ đường ngay tắp lự.
Về làng nên tôi có chút rảnh rang. Rảnh rang nên tôi thường hay đạp xe hay đi bộ để tìm về xưa cũ. Đình làng Cầu ở ngay con đường chạy xuyên qua làng. Một ngôi đình có từ xa xưa, tương truyền để thờ vị tướng nhà Đinh là Lã Lang Đường có công phù tá cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, ngài quê gốc huyện Văn Giang, Hưng Yên (người Văn Giang đã đến đất này khai khẩn lập làng).
Có một chi tiết khiến tôi phải dừng chân, đó là tấm bảng dựng trước cổng đình, nội dung cho thấy đình làng Cầu là một di tích lịch sử kháng chiến. Thời trước cách mạng và cả trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đình làng Cầu là địa điểm bí mật để cán bộ ta qua lại trước khi xâm nhập vào nội thành hoạt động.
Làng Thạch Cầu Bây vốn bên tả ngạn sông Hồng, từ làng vào nội thành là con đường bí mật và an toàn nhất. Cũng từ làng Cầu này mà nhiều người con của làng đã tham gia hoạt động cách mạng và tham gia kháng chiến. Cách đình chừng 30 mét là chùa Cầu. Một ngôi chùa làng bình dị như bao ngôi chùa làng khác. Chỉ khác là tại ngôi chùa bình dị này đã có một vị sư được truy tặng Liệt sĩ và có một nhà sư nữ được Nhà nước truy phong Danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Chuyện chùa còn lưu dấu. Trước cách mạng chùa Cầu cùng với đình làng Cầu đã thành cơ sở cách mạng, ở trong chùa cũng như ở trong đình đều có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Thêm nữa, câu chuyện về vị sư nữ trụ trì chùa pháp danh là Đàm Nghĩa đã nhặt một cậu bé mồ côi không cha không mẹ, không quê không quán về chùa.
Bà nhận cậu làm con nuôi và gây dựng để cậu “nối nghề”. Kháng chiến bùng nổ, cậu bé lúc ấy đã trở thành nhà sư với pháp danh là Thích Thanh Kỳ nhưng nằng nặc xin “mẹ chùa” cho cởi áo dài nâu để khoác lên mình bộ quân phục. Nhà sư trẻ trong một trận chiến đấu ngoài chiến trường anh đã hy sinh. Nhiều năm sau tin báo anh tử trận mới về tới chùa… Tôi nghe câu chuyện ấy mà bồi hồi bao cảm xúc. Trên đất nước Việt Nam ở đâu cũng thế, từ làng nhỏ cho tới những ngôi chùa bình dị đều có những con người dám hy sinh tính mạng của mình cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Tiếng trống thùng thùng khích lệ. Tiếng cười tiếng hô gợn sóng giếng đình. Còn nhớ dịp cuối năm, mỗi lần đi ngang đình làng tôi đều phải ngó mắt trông vào. Ở trong đó các bà các cô, các bác các anh đang mải mê, đang say sưa luyện tập. Hỏi ra mới hay những người này dù việc nhà bận rộn tới đâu cũng cố gác lại đó để ra sân đình luyện những điệu múa, luyện những câu quan họ và luyện việc khênh kiệu rước vong Thành hoàng.
Làng năm nay mở hội. Đám con gái lớn năm ngoái giờ nhường chỗ cho đám con gái mới lớn năm nay. Ngực xuân nây nẩy, má xuân hây hây. Đám con trai chợt vụt lớn đến ngỡ ngàng cũng tự thân bước vào lễ hội với những yêu cầu của lệ làng đã hẹn.
Chính đám con gái làng ngày thường quần côn váy ngắn hôm nay mặc áo mớ bảy mớ ba, tóc vấn đuôi gà, nhìn lại tưởng cô Tấm trong quả thị bước ra; đám này lần đầu dự hội cũng lắm thẹn thùng ấy vậy mà cánh ấy khênh kiệu rước vong Thành hoàng cứ gọi là mê mải. Chiếc kiệu rước vong như đã nhập hồn cố nhân quay quay xoay tít. Mấy cô trinh nữ đỏ mặt phừng phừng, nhẫn nại gồng vai vừa xoay theo kiệu vừa cố giữ cho kiệu khỏi nghiêng ngả. Ông Tuyên, thành viên ban tổ chức hội làng, cười tít, bảo: “Giữ được kiệu vong thành hoàng tức là ngài đã ưng đã nhận. Mừng rồi. Làng năm nay chắc khá”.
Hội làng đã xong phần lễ, giờ chuyển sang phần hội. Nếu như ở phần lễ là không khí trịnh trọng trang nghiêm thì tới phần hội là một không gian vui chơi náo nhiệt bởi phần hội là sự tái hiện lại những trò chơi dân gian truyền thống, những nét sinh hoạt làm ăn của chính người dân. Tôi thấy đám trai trẻ tóc nhuộm hung hung, mặt trắng tươi hồng như tài tử phim Hàn đang xoay trần chơi trò đi cầu độc mộc. Vui nhất là chẳng có chàng trai nào đi qua được bởi cây cầu đã nhỏ lại bắc ngang giếng đình.
Cậu nào giỏi lắm thì qua được một phần ba cầu thì ngã tùm xuống nước. Có cậu vừa đi được bước chân đã ngã nhào. Tôi bị những âm thanh hò reo từ phía sân trước đình vọng tới. Thì ra ở đây mọi người đang thích thú với trò chơi bịt mắt bắt dê rất ngộ nghĩnh.
Trên mảnh sân nhỏ đã được rào chắn để dê khỏi chạy mất có mấy cậu thanh niên mắt bịt khăn tối được người xem cổ vũ mách nước đang thử tài tìm bắt con dê chạy vòng quanh, những chàng trai ngỡ đã lâu rồi quên trò vui quê kiểng nay được “chơi” lại bỗng trở nên hào hứng, trở nên hăng hái trổ tài.
Tiếng loa vang vang. Giọng ai vừa hát câu mời trầu vừa ngọt vừa màu khiến người ta ngơ ngẩn. Ông Tuyên, thành viên ban tổ chức hội làng tuổi ngoài bảy mươi, từng trải ba mươi nhăm năm quân ngũ, từng cơm bắc giặc nam hồi nào, miệng nhai trầu cười rõ tươi, nói rõ: “Làng chúng tôi vốn xa xưa thuộc vùng Kinh Bắc nên câu ca Quan họ cũng là một phần của Hội”.
Tôi nhắm mắt lại nghe văng vẳng câu ca níu kéo lòng người: “Chẻ tre đan nón ta a lý lý như ba tầm, ta à a lý lý như ba tầm/ Ai i đan i phú lý tình cho người đội ấy hôm à rằm/ Tà a lý lý như hôm giêng ấy hôm à rằm, tà a lý lý như hôm rằm tháng giêng”.
Rồi ông Tuyên chợt mắt sáng long lanh: “Hội làng còn thì hồn làng còn”. Hồn làng? Đầu tiên là làng dù đã lên phường nhưng mãi thẳm sâu người trước người sau vẫn không quên cội rễ. Người trước người sau vẫn đinh ninh một điều “không có tiền nhân lấy đâu bây giờ”. Rồi cuộc mưu sinh. Rồi kế sinh nhai. Rồi bao phiêu lãng. Tất cả những điều đó không làm người làng phai nhạt tâm can.
Tôi lắng mình vào tiếng trống tiếng chiêng, đắm hồn vào từng màn múa hát mà lòng tự hứa hân hoan như hồi còn trẻ “Năm sau lại tới hội làng”. Cho đến bây giờ, hội làng vẫn thực sự là nhu cầu của đời sống tinh thần, văn hóa, tín ngưỡng phục vụ người dân địa phương, là thành tố quan trọng của đời sống văn hóa cơ sở. Hội làng là tài sản quý giá cần gìn giữ và phát huy.
Xuân Quý Mão
Làng năm nay mở hội. Đám gái lớn năm ngoái giờ nhường chỗ cho đám gái mới lớn năm nay. Ngực xuân nây nẩy, má xuân hây hây. Đám con trai chợt vụt lớn đến ngỡ ngàng cũng tự thân bước vào lễ hội với những yêu cầu của lệ làng đã hẹn. Chính đám con gái làng ngày thường quần côn váy ngắn hôm nay mặc áo mớ bảy mớ ba, tóc vấn đuôi gà, nhìn lại tưởng cô Tấm trong quả thị bước ra; đám này lần đầu dự hội cũng lắm thẹn thùng ấy vậy mà cánh ấy khênh kiệu rước vong Thành hoàng cứ gọi là mê mải. Chiếc kiệu rước vong như đã nhập hồn cố nhân quay quay xoay tít. Mấy cô trinh nữ đỏ mặt phừng phừng, nhẫn nại gồng vai vừa xoay theo kiệu vừa cố giữ cho kiệu khỏi nghiêng ngả…