Gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp

H.Hương - T.Hà 14/02/2023 06:54

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm nhưng khó tiếp cận vốn, trong khi lãi suất tín dụng cao thực sự đang tạo áp lực lớn cho sự hồi phục của cộng đồng DN.

Doanh nghiệp cần vốn hỗ trợ lãi suất ưu đãi để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Quang Vinh.

Lãi suất cao nặng vai doanh nghiệp

Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) chia sẻ, nhu cầu vốn đối với DN nói chung và DN ngành du lịch nói riêng là rất lớn. Thời điểm Chính phủ quyết định mở cửa du lịch (từ 15/3/2022), Saigontourist Group đã bắt tay vào việc phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh với nhu cầu vốn lớn để duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cấp cơ sở vật chất, kết nối thị trường, triển khai những dự án đầu tư mới…

Tuy nhiên, doanh thu của ngành vẫn chưa thể phục hồi bởi gánh nặng lãi vay tăng cao đè trên vai các DN. Trước khó khăn đó, các DN mong muốn nhà quản lý cần tiếp tục quan tâm giải quyết các kiến nghị của DN ngành du lịch, kéo dài thời gian, chính sách hỗ trợ cho các DN, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo động lực phục hồi cho DN. Đối với những DN du lịch đang vay vốn, đề xuất được xem xét khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ…

Ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cũng cho biết, các DN đang rất cần vốn. Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hỏa tốc cung ứng vốn cho nền kinh tế, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn vẫn phải có độ trễ. “DN mong muốn có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn để sớm vượt qua khó khăn” – ông Dũng bày tỏ.

Nói về gói hỗ trợ lãi suất 2%, không ít DN cũng đang than phiền rằng, họ không thể tiếp cận được gói hỗ trợ này. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc Công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng (quận Tân Phú, TPHCM): “Sau hơn 2 năm chống chọi với dịch Covid -19, đến nay DN cũng chỉ hoạt động cầm chừng, không có lãi. Tuy nhiên, không thể duy trì tình trạng này mãi, DN đang rất cần thêm nguồn vốn để đầu tư thêm máy móc, mở rộng sản xuất, dự trữ nguồn nguyên liệu, để chủ động hơn trong sản xuất đơn hàng, tạo thêm việc làm cho người lao động… Tuy nhiên, cái khó của DN là không có tài sản thế chấp, nên không thể vay được”.

Còn giám đốc một DN dệt may cho hay, trong giai đoạn dịch căng thẳng năm 2021 và trong nửa đầu năm 2022, DN vẫn đạt doanh thu tốt. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2022 DN thiếu đơn hàng nghiêm trọng, không có việc cho công nhân làm. Bước sang tháng đầu năm 2023 tình hình cũng không khả quan hơn và dự báo trong thời gian tới, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, gói hỗ trợ lãi suất 2% trong thời điểm này là rất cần cho DN. Tuy nhiên, để tiếp cận được lãi suất ưu đãi này thì DN phải chứng minh được khả năng phục hồi trong thời gian tới, điều này với DN không khác gì một bài toán khó.

Tại một cuộc hội thảo bàn về động lực tăng trưởng cho DN, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nói rằng trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế. Nếu lãi suất cao 15%-16%/năm như hiện nay, làm sao DN sống được?.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, cần phải tìm giải pháp để lãi suất không thể treo cao như hiện nay.

Vốn ngân hàng là mạch máu kết nối các dòng vốn khác

Theo phân tích của giới chuyên gia, hiện vốn đầu tư trung và dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng phần lớn là ngắn hạn, do đó hệ thống tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu DN, thị trường chứng khoán, theo đó cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này.

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, xét tỷ lệ tín dụng/GDP, hiện nay Việt Nam đã đạt 124%, là mức cao nhất đối với các nước có mức thu nhập trung bình thấp theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB).

“Tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng tiến tới xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng, đó là một con số rất lớn. Vì vậy, dư địa điều hành tín dụng trong bối cảnh nêu trên là rất hạn hẹp” - ông Quang nói.

Theo ông Quang, trong các nguồn lực để tạo ra nguồn vốn phục vụ cho quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thì tín dụng ngân hàng chỉ là một trong các nguồn vốn bên cạnh nguồn vốn tự có của DN, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn FDI, nguồn vốn kiều hối...

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản biến động phức tạp, khó lường, có dấu hiệu thu hẹp... đang gây áp lực lớn lên cân đối vốn tín dụng ngân hàng và công tác điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023. Ngoài ra, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm cũng gia tăng sức ép cung ứng vốn cho nền kinh tế lên tín dụng ngân hàng.

Do đó, vị này cho rằng, cần khơi thông và tạo được sự kết nối, phát triển đồng bộ của tất cả các nguồn vốn này, trong đó tín dụng ngân hàng được xem là hạt nhân, mạch máu kết nối các nguồn vốn.

Để tiếp tục hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết, năm 2023 dự báo còn nhiều nhiều khó khăn thách và tiềm ẩn các yếu tố khó đoán định từ tình hình thế giới. Vì vậy, trong năm 2023 ngành ngân hàng TPHCM sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp để ổn định, hỗ trợ DN và tăng trưởng. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển.

H.Hương - T.Hà