Dự án hạ tầng giao thông trọng điểm: 'Khát' vật liệu

ĐOÀN XÁ 14/02/2023 06:39

Nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, quan trọng được thực hiện đồng thời khiến nhu cầu vật liệu (chủ yếu là đất nền, cát nền, cát xây dựng...) ở các dự án phía Nam đang có dấu hiệu thiếu hụt. Thậm chí một số dự án có thể bị chậm vì thiếu hoặc không cung cấp kịp thời nguồn vật liệu kể trên.

Nhiều công trình hạ tầng gặp khó vì nguồn cát xây dựng.

Là một trong những dự án trọng điểm Quốc gia đi qua TPHCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai, đường Vành đai 3 dự kiến khởi công vào giữa năm nay (tháng 6/2023) nhưng hiện nay vấn đề nan giải là nguồn cung vật liệu.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, đường Vành đai 3 dài khoảng 76km và cần khoảng hơn 12 triệu tấn vật liệu xây dựng. Trong đó chủ yếu là cát đắp nền (7 triệu tấn) và cát xây dựng (5 triệu tấn). Hiện nay, nguồn vật liệu này được dự kiến lấy từ các mỏ cát khoáng sản ở trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long. Trong đó 3 địa phương là Đồng Nai, Bình Dương và Long An có đường Vành đai 3 đi qua nên chủ động nguồn cung vật liệu (dự kiến được 70%). Với các địa phương khác, việc cung cấp vật liệu cho dự án đường Vành đai 3 ở TPHCM là điều đang được cân nhắc. Bởi hiện nay, các địa phương trên cũng đang triển khai nhiều dự án hạ tầng quan trọng (đường cao tốc) nên nhu cầu ở địa phương là rất lớn trong khi mỏ cát, vật liệu là có hạn.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương đang triển khai nhiều dự án hạ tầng và nguồn nguyên liệu cát là rất lớn. Thời gian tới, nếu các dự án hạ tầng ở địa phương khác (như TPHCM) cần nguồn nguyên liệu thì tỉnh sẽ họp bàn, tổ chức lấy ý kiến để đấu thầu, khai thác phục vụ nhu cầu chung theo đúng pháp luật.

Tương tự, một số địa phương khác như An Giang hay Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang cần nguồn vật liệu xây dựng (cát) rất lớn để phục vụ các dự án đi qua địa bàn. Như tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hay sân bay Long Thành nằm liền kề địa phương. Với tỉnh An Giang, dù trữ lượng nhiều nhưng hiện nguồn vật liệu ở địa phương chủ yếu phục vụ xây dựng dự án cao tốc Cần Thơ - Châu Đốc, Cần Thơ - Mỹ Thuận hay các tuyến tránh quốc lộ 91, quốc lộ N1... nên chưa thể cấp phép các mỏ cát phục vụ nhu cầu hạ tầng ở các tỉnh thành xa.

Là khu vực có trữ lượng cát xây dựng dồi dào và thường xuyên cung cấp cho các dự án hạ tầng xây dựng phía Nam nhưng trữ lượng cát xây dựng (cát sông) ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã bắt đầu cạn kiệt. Thậm chí những dự án hạ tầng đi qua khu vực này cũng có thể thiếu cát xây dựng.

Theo đó, từ nay tới năm 2025, các dự án như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (190km), cao tốc An Hữu - Cao Lãnh - Mỹ An (55km) hay Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau (110km)... triển khai đồng loạt thì nguồn cát ở đây sẽ thiếu hụt đáng kể. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng thời gian tới sẽ bắt đầu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây cao tốc. Cát biển có trữ lượng dồi dào hơn, ở nhiều địa phương và được sử dụng thay đất, cát đắp nền. Mặc dù việc sử dụng cát biển khá phổ biến trên thế giới nhưng ở nước ta chưa áp dụng nên cần một số quy trình pháp lý.

Đầu tiên là xác định các mỏ vật liệu này, quy trình khai thác và đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt việc chọn lựa phải có vị trí gần với các dự án nhằm giảm thiểu quãng đường vận chuyển cho công việc thi công. Theo tính toán, các mỏ vật liệu xây dựng tốt nhất là nằm ở trong vòng bán kính 70km từ địa điểm thi công dự án. Nếu các mỏ vật liệu nằm quá xa, chi phí xây dựng sẽ bị đội lên đáng kể khiến nguồn vốn dự án cũng bị ảnh hưởng theo.

Các dự án hạ tầng ở khu vực phía Nam hiện nay khi sử dụng cát xây dựng đều lấy từ nguồn cát sông nằm ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long... Tuy nhiên vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở, xói mòn, thay đổi dòng chảy đã diễn ra ở những khu vực mỏ cát bị khai thác khiến cho việc đánh giá trữ lượng hiện có và trữ lượng có thể khai thác (nhưng không bị tác động tiêu cực) là chênh lệch khá nhiều. Vì vậy, việc cung cấp cát cho các dự án đã bị ảnh hưởng đáng kể, ngay cả với các địa phương có nhiều mỏ cát.

Tình trạng các dự án hạ tầng gặp khó về nguồn cung nguyên vật liệu mới chỉ xảy ra thời gian gần đây. Trước đó, tiến độ thi công các dự án hầu như chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn, thủ tục pháp lý. Nguyên nhân chủ yếu là các dự án hạ tầng được xây dựng nhiều, triển khai đồng loạt ở các địa phương khiến nhu cầu tăng vọt. Đây vừa là tín hiệu tích cực, vừa là bài toán nan giải cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành, địa phương.

ĐOÀN XÁ