Nước mắt tiểu thương chợ Tam Bạc
Chiều ngày 12/2, khi vụ cháy chợ Tam Bạc (Hải Phòng) được khống chế, rất nhiều tiểu thương khi nhìn thấy gian hàng của mình thì khóc nấc lên. Hầu hết hàng hóa của họ đã bị thiêu rụi thành than lẫn trong nước.
Một tiểu thương chia sẻ: “Nghe tin cháy, tôi vội chạy sang chợ thì thấy lửa đã trùm lên tầng 2. Hàng hóa bị lửa bao kín kèm theo nhiều tiếng nổ nên không ai dám lại gần. Tôi chẳng còn hi vọng, lửa to thế chắc chắn chẳng còn lại nổi nửa cái kim, cuộn chỉ”.
Một tiểu thương khác thì nói trong tiếng ngấc nghẹn ngào: “Chồng tôi vừa mất sau bao năm ung thư chạy chữa ở bệnh viện. Giờ lại cháy hết hàng hóa, nợ cũ chưa trả được lại lâm tiếp cảnh nợ mới. Biết sống thế nào đây”.
Người đàn ông là chủ của 3 gian hàng mành rèm và 2 kho vải ở chợ Tam Bạc úp mặt lên bàn tay, khóc không thành tiếng, kể: “Sau dịch Covid-19, gia đình đã phải vay mượn khoản tiền lớn để nhập hàng hóa về, mới được mấy tháng thì nay lửa thiêu sạch cả gia tài. Gia đình tôi trắng tay rồi, nợ nần sẽ ngập đầu”.
Được biết, chợ Tam Bạc thành lập ngày 1/5/1985, được xây dựng lại từ năm 2002 và giữ nguyên hiện trạng cho đến nay. Tam Bạc là chợ loại 1, tổng diện tích 4.618m2 (trong đó có 3.391m2 thuê của Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh nhà). Kết cấu chợ là nhà khung thép 2 tầng với 775 điểm kinh doanh chủ yếu là các ngành hàng vải, quần áo, giầy dép, vàng mã. Số hộ kinh doanh thường xuyên trong chợ là 428 hộ; số hộ kinh doanh thất thường (hộ thu nhập thấp, xin miễn thuế) khoảng 187 hộ; số quầy sử dụng ngoài mục đích kinh doanh (làm kho) là 106.
Kể từ 6 giờ sáng ngày 12/2 đến 14 giờ chiều cùng ngày, 50 phương tiện chữa cháy, hàng trăm chiến sỹ phòng cháy, chữa cháy cùng các lực lượng khác mới dập được đám cháy. Ước tính thiệt hại tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Rồi đây nguyên nhân chợ Tam Bạc - chợ lớn nhất thành phố Hải Phòng bị thiêu rụi sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, hậu quả của nó trong việc kinh doanh của thành phố là rất lâu dài. Việc chợ Tam Bạc bị cháy khiến người ta nhớ lại trước đó cũng không ít chợ bị cháy. Lớn nhất là vụ cháy chợ Đồng Xuân (Hà Nội) vào năm 1994. Cùng đó là vụ cháy Trung tâm thương mại ở Hải Dương (năm 2013), cháy chợ Quảng Ngãi (năm 2012), cháy chợ lớn Bình Định (năm 2006)… Tất cả những vụ cháy chợ đều gây thiệt hại rất lớn về tài sản, từ đó nhiều tiểu thương bỗng phải chịu những khoản nợ nặng nề. Cũng cần biết rằng, muốn vay được vốn sớm không để mất thời cơ làm ăn, nhiều người trong số họ phải tìm đến tín dụng đen với lãi suất cắt cổ.
Trong hầu hết các vụ cháy chợ, nguyên nhân chính được cho là do chập điện. Có đúng như vậy không khi mà ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn, sức nóng làm cho khung sắt cũng bị chảy ra? Chợ nào cũng có phương tiện cứu hỏa, nhưng các vụ cháy lại thường xảy ra vào đêm tối hoặc rạng sáng, khi mà dẫu cho có phương tiện chữa cháy thì cũng như không.
Vì vậy, cùng với việc khắc phục hậu quả các vụ cháy chợ, địa phương có chính sách hỗ trợ cho tiểu thương bị thiệt thòi thì hết sức quan trọng là phải tìm cho ra nguyên nhân gây cháy.
Nước mắt tiểu thương chợ Tam Bạc đòi hỏi phải làm điều đó.