Các phương thức tuyển sinh riêng: Giám sát để đảm bảo chất lượng
Việc đa dạng các phương thức tuyển sinh đại học (ĐH) nhiều năm trở lại đây đang khiến dư luận đặt vấn đề, liệu có đảm bảo chất lượng nguồn tuyển cũng như quyền lợi công bằng giữa các nhóm thí sinh hay không? Theo lý giải từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), khi đã được giao quyền tự chủ tuyển sinh, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh riêng.
Tự đảm bảo về chất lượng đầu vào
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, cử tri đề nghị nghiên cứu bỏ việc xét tuyển ĐH qua học bạ, hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ và “chạy điểm” của các trường.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT nêu căn cứ: Tại khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục ĐH ngày 18/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH ngày 19/11/2018 quy định tổ chức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo như sau: Phương thức tuyển sinh gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Như vậy, Luật Giáo dục ĐH đã quy định các cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT (Điều 6 quy định về phương thức tuyển sinh) đã cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục ĐH, trong đó cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo; đồng thời để các cơ sở giáo dục ĐH thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh và quy định Bộ GDĐT chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế.
Theo Bộ GDĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển ĐH hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học.
Tự chịu trách nhiệm về đề án tuyển sinh
Trước xu hướng ngày càng có thêm nhiều trường ĐH tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT phân tích: Nghị quyết 29 nêu rõ chủ trương “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH”…
Ông Chương nhấn mạnh, Nghị quyết 29 cũng nêu rõ chủ trương “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH”. Các cơ sở giáo dục ĐH được quyền xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh riêng; theo đó có thể cân nhắc nhiều mặt để tự tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh. Tuy nhiên các cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về các hoạt động của mình, trong đó có việc tuyển sinh, việc tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh. Cơ sở đào tạo tổ chức thi phải bảo đảm đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để tổ chức kỳ thi khách quan, nghiêm túc, chuyên nghiệp, an toàn, thuận tiện và hiệu quả. Đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi công tác trước, trong và sau kỳ thi, bao gồm cả trách nhiệm giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về đề án tổ chức thi và việc triển khai đề án tổ chức thi, quy chế thi, chất lượng đề thi và quy trình tổ chức thi và kết quả thi…
Thực tế hiện nay cho thấy, một cơ sở đào tạo tổ chức thi nhưng có nhiều cơ sở đào tạo khác sử dụng kết quả kỳ thi của đơn vị đó để xét tuyển. Chính vì vậy, các kỳ thi này cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ các bên liên quan, đồng thời cần được thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm công bằng, khách quan, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.