Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát - Những kỷ niệm sống mãi
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - chuyên gia hàng đầu của nền kiến trúc Việt Nam. Ông đã từng đảm nhiệm các chức vụ: Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa II (1983-1988), một trong những trí thức yêu nước tiêu biểu của dân tộc ta ở thế kỷ XX.
Tôi có may mắn được tiếp xúc và làm việc với ông lần đầu là ngày 6/7/1976 tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị trù bị Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận 2 miền: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (miền Bắc), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam. Sau đó, tôi còn có dịp gặp và làm việc với ông tại các Hội nghị lần thứ 2, lần thứ 3 để xây dựng các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội. Lúc đó, ông dự Hội nghị với tư cách Ủy viên Đoàn Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, còn tôi là Vụ phó Vụ Tổng hợp của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thư ký của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tổ phó tổ Văn kiện Đại hội.
Ngay từ ban đầu cho đến tận bây giờ, trong tâm trí của tôi vẫn luôn ghi dấu hình ảnh một vị kiến trúc sư - trí thức uyên bác, phong độ hào hoa, ăn mặc chỉn chu và một nụ cười luôn thường trực trên môi.
Năm 1982, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Bộ Chính trị điều động về tham gia Đảng đoàn Mặt trận để cùng các ông Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Tiến giúp Ban Bí thư chuẩn bị Chỉ thị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ Việt Nam trong tình hình mới”. Và đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II vào tháng 5/1983, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và đảm nhận trách nhiệm này cho đến ngày mất.
5 năm công tác dưới sự điều hành của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm. Điều đầu tiên phải kể đến là nụ cười thường trực trên môi. Chính nụ cười yêu đời và rất đỗi lạc quan đó đã giúp ông vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn và cả lúc hiểm nguy để trở thành một trí thức đầu đàn trong ngành kiến trúc Việt Nam, một lãnh đạo tài năng và đức độ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Có thể thấy rằng, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát là con người khá đặc biệt: Một trí thức tài năng, nhưng rất mực khiêm tốn, ở cương vị rất cao nhưng sống gần gũi và chan hòa, đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của cán bộ, nhân viên.
Riêng với bản thân tôi có một kỷ niệm mãi mãi không thể nào quên. Đó là năm 1985, tôi cưới vợ cho cậu con trai cả. Ông đến chúc mừng, thấy gia đình ở quá chật chỉ có 28m2 (không kể diện tích phụ), ông khuyên vợ chồng tôi chuyển về ở cùng ông tại nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu để “nhất cử lưỡng tiện”, “vừa tiện cho công việc, vừa bớt khó khăn cho Túc”.
Gần 5 năm giúp việc cho Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, tôi thấy ở ông một trí thức tài năng, đức độ, giàu lòng nhân ái. Quyền cao, chức trọng nhưng rất mực khiêm tốn. Những năm ông phụ trách Mặt trận là những năm đất nước ta gặp nhiều khó khăn. Người trí thức cách mạng ấy vẫn ngày đêm lăn lộn với nhân dân và lãnh đạo các địa phương, hết vào Nam lại ra Bắc, lên Tây Nguyên, ra biển đảo để động viên nhân dân, động viên “chia ngọt, sẻ bùi” với cán bộ, chiến sĩ, truyền sự lạc quan cách mạng vốn có đến với mọi người.
Một phẩm chất cao quý khác ở Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát là dù giữ vị trí cao trong Đảng, Nhà nước và Mặt trận song không bao giờ ông dựa vào đó để buộc người khác làm theo ý mình, mà luôn luôn vận động, thuyết phục, chờ đợi với thái độ chân thành. Vì vậy, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, ông đã cùng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bác sĩ Phùng Văn Cung, Luật sư Trịnh Đình Thảo và nhiều vị nhân sĩ, trí thức nổi tiếng khác đã cảm hóa được rất nhiều nhân sĩ, trí thức miền Nam ở lại để cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và không ít người đã lập công lớn đối với dân tộc.
Trong Điếu văn của Trung ương đọc vĩnh biệt Kiến trúc sư - Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, những người tham dự hôm đó rất tâm đắc với đoạn: “Đồng bào và đồng chí cả nước xúc động tiếc thương Anh, tiếc thương người trí thức tài năng đã làm đẹp Tổ quốc, làm đẹp cách mạng, làm đẹp cuộc đời”.