Giá lợn hơi tiếp tục giảm: Nguy cơ lỗ nặng hoặc 'treo' chuồng
Từ sau Tết nguyên đán tới nay, giá thịt lợn hơi tại phía Nam tiếp tục sụt giảm mạnh. Theo người chăn nuôi, giá lợn hơi giảm kéo dài gần 1 năm qua là việc rất hiếm gặp trong nhiều năm gần đây.
Giá giảm mạnh
Ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM như: Thị Nghè (quận Tân Bình), chợ Nguyễn Văn Trỗi (Quận 3), Phước Bình (thành phố Thủ Đức),... giá thịt lợn các loại giảm mạnh. Thịt ba rọi dao động từ 120.000 – 135.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg; sườn non từ mức giá 180.000 đồng/kg giảm còn 160.000 đồng/kg. Tại các hệ thống phân phối hiện đại, giá thịt đùi, nạc xay, cốt lết của Meat Deli tương ứng 131.900 đồng/kg, 129.900 đồng/kg và 132.900 đồng/kg.
Ngày 14/2, một số tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM cho hay, do giá thịt lợn ở mức thấp nên lượng tiêu thụ có tăng hơn. Người tiêu dùng có thể mua gấp đôi lượng thịt so với thời điểm giá thịt neo ở mức cao.
“Giờ mua thực phẩm gì cũng đắt, chỉ có thịt lợn là thức ăn rẻ nhất hiện nay” - ông Huỳnh Anh Tuấn – chủ sạp thịt lợn trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Long Trường, thành phố Thủ Đức nói.
Ông Tuấn cho rằng, do giá thịt lợn rẻ nên sức mua của mặt hàng này gần đây có tăng. Trước đây một ngày ông chỉ bán được 2 con lợn thịt, tuy nhiên hiện nay trung bình mỗi ngày ông bán được 3 con.
Theo các doanh nghiệp, những tháng đầu năm tiếp tục là giai đoạn kinh doanh khó khăn của ngành chăn nuôi nói chung. Giá lợn hơi giảm 5.000 đồng/kg so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, nguồn cung trên thị trường đang tăng 5% so với cùng kỳ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thông tin, năm nay nguồn cung thịt lợn sẽ tăng do doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng quy mô.
Còn theo tính toán từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người chăn nuôi đang bị lỗ khoảng 500.000-600.000 đồng/con lợn 100kg với giá xuất chuồng hiện tại (từ 50.000 - 56.000 đồng/kg). Với mức giá này, người chăn nuôi nhỏ lẻ tiếp tục bỏ chuồng nhưng nguồn cung không giảm do nhiều doanh nghiệp liên tục đầu tư vào chăn nuôi lợn với số lượng lớn.
Nguy cơ bỏ hoặc “treo” chuồng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trong ngày 14/2, giá lợn hơi đi ngang tại khu vực miền Bắc, giảm nhẹ tại một vài địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam. Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi ghi nhận giảm 1.000 – 2.000 đồng ở một vài nơi và dao động trong khoảng 51.000 – 54.000 đồng/kg.
Theo đó, sau khi cùng giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại TPHCM và Trà Vinh đang được thu mua ở mức 52.000 đồng/kg. Đại diện Chợ đầu mối Hóc Môn thông tin, tại TPHCM, giá lợn hơi của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP loại 1 là 57.500 đồng/kg, 53.500 đồng/kg dành cho lợn hơi loại 2. Còn giá lợn hơi ở các trại chăn nuôi, hộ dân dao động từ 53.000 đồng/kg trở lên. Tương tự, Hậu Giang, Đồng Tháp lần lượt giảm 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg xuống còn 53.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận biến động mới.
Trước tình trạng giá thịt lợn hơi giảm, ông Nguyễn Hữu Thắng – chủ trang trại Hoa Phượng (ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Với mức giá dao động từ 50.000 – 52.000 đồng/kg như hiện nay là tạm chấp nhận, người chăn nuôi có lỗ nhưng vẫn cầm cự được. Trang trại tôi nuôi 3.000 – 4.000 con nhưng giống lợn cũng tự cấp nên tính ra tôi lỗ khoảng 100.000 – 200.000 đồng/con”.
Ông Thắng nhận định, mức giá lợn hơi hiện nay chắc chắn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn hơn. “Nếu tình trạng này kéo dài nguy cơ các trang trại nhỏ, hộ chăn nuôi đóng cửa, “treo” chuồng là không tránh khỏi vì đuối sức. Chỉ có doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có thương hiệu mới không bị ảnh hưởng vì họ bán được giá cao”, ông Thắng nói.
Còn theo đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam – đơn vị chăn nuôi lợn lớn nhất Việt Nam, lợn hơi đạt chất lượng có giá bán tại trang trại 48.000 – 50.000 đồng/kg (chưa tính chi phí vận chuyển) do đó công ty đang lỗ khoảng 3.000 đồng/kg. Ông Trầm Quốc Thắng – Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong phân tích: “Giá thành sản xuất đang ở mức 55.000 – 57.000 đồng/kg, nhưng giá heo hơi chỉ từ 51.000 – 52.000 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang lỗ từ 4.000 – 5.000 đồng/kg.
Phải cân đối cung - cầu
Lo ngại về giá thịt lợn hơi hiện nay, ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thông tin, từ tháng 6/2022 đến nay giá lợn hơi liên tục ở mức thấp và đang bán dưới giá thành sản xuất nên số lượng người chăn nuôi “bỏ chuồng” nhiều. Về nguyên nhân, vị này khẳng định, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, Covid-19, cung vượt quá cầu (doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi có vốn FDI mở rộng sản xuất), nhập khẩu thịt với mức giá rẻ của các nước quá nhiều nên thị trường trong nước không cạnh tranh nổi.
“Dự báo, trong năm 2023 tình hình chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn, do đó cần có nhiều giải pháp để cứu ngành chăn nuôi trong nước” - ông Đoán nhấn mạnh và cho rằng, cần phải cân đối cung – cầu mặt hàng này, nghĩa là phải quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tránh tình trạng nhập quá nhiều thịt heo giá rẻ của các nước. Quản lý giá cần hợp lý vì nhập 70 – 80% nguyên vật liệu giá cao nhưng giá bán thành phẩm ở mức quá thấp nên người chăn nuôi và người tiêu dùng thiệt thòi.
Đề cập đến nguồn nguyên vật liệu, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có giải pháp để hạ giá thành đầu vào. Trước đây để nuôi một con lợn hơn một tạ chỉ mất khoảng hơn 1 triệu đồng tiền cám, thế nhưng nay phải mất 3,9 – 4 triệu đồng.
Theo các hộ chăn nuôi, 2 năm qua giá nguyên liệu tăng 30% nhưng giá thành phẩm lại thấp nên người chăn nuôi thua lỗ. Giải pháp phát triển bền vững sắp tới cho ngành chăn nuôi chính là phải xây dựng cho được vùng nguyên liệu thức ăn trong chăn nuôi, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu các nước. Song song đó, cần tạo ra một chuỗi cung ứng liền mạch, trong đó có sự liên kết giữa các bên.
Theo ông Âu Thanh Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nguồn cung thịt lợn trong nước đang dư thừa nên cần có giải pháp tập trung cho xuất khẩu. Ngoài ra, phải có biện pháp giảm giá thức ăn chăn nuôi, con giống để giúp người chăn nuôi bớt lỗ.