NSND Thái Thị Liên: Người thầy của nhiều nghệ sĩ tài danh
Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân (NSND, NGND) Thái Thị Liên là nữ danh cầm đầu tiên của Việt Nam, là một trong bảy thành viên sáng lập Học viện Âm nhạc quốc gia. Bà là người thầy của nhiều nghệ sĩ piano Việt Nam. Lúc 9h37’ ngày 31/1/2023 (mùng 10 tháng Giêng năm Quý Mão), trái tim bà đã ngừng đập. Người ta sẽ không còn cơ hội nhìn ngắm và thưởng thức trực tiếp tiếng dương cầm của NSND Thái Thị Liên nữa, nhưng những đóng góp của bà cho nền âm nhạc Việt Nam sẽ còn được ghi nhớ.
Rất nhiều người, trong đó có các gương mặt nghệ sĩ, ca sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam, đã có mặt ở Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) để đưa tiễn NSND, NGND Thái Thị Liên về nơi an nghỉ cuối cùng. Con trai của bà - danh cầm nổi tiếng Đặng Thái Sơn, đã chơi bản nhạc bất hủ “Hành khúc tang lễ” của Chopin để tiễn đưa mẹ. Lúc còn minh mẫn, bà Thái Thị Liên đã dặn con trai Đặng Thái Sơn chơi những bản nhạc Chopin trong lễ tang của mình, trong đó không thể thiếu “Hành khúc tang lễ” (Funeral March).
Sinh ngày 4/8/1918 trong một gia đình đại trí thức khá giả ở Sài Gòn (nay là TPHCM), từ bé bà Thái Thị Liên đã được học đàn piano. Cha của bà là kỹ sư Thái Văn Lân - một trong những kỹ sư điện đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp.
Anh trai bà là luật sư Thái Văn Lung - một trí thức tiêu biểu đấu tranh mạnh mẽ cho dân chủ lúc bấy giờ, đòi độc lập cho Việt Nam, chống chế độ thực dân của Pháp. Bà Thái Thị Liên tham gia cách mạng từ năm 1946, được giao nhiệm vụ liên lạc, chuyển tài liệu sau khi anh trai - luật sư Thái Văn Lung hy sinh. Chị gái của bà là nghệ sĩ Thái Thị Lang - nhà soạn nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam, nghệ sĩ piano Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Paris và từng lưu diễn khắp thế giới.
Một thời gian sau, bà Thái Thị Liên sang Pháp, thi đỗ vào Nhạc viện Paris, tiếp tục hoạt động cách mạng trong nhóm cộng sản dân tộc Việt Nam. Bà tham gia nhiều hoạt động cùng nhóm nghệ sĩ Pháp và quốc tế đấu tranh cho dân chủ như: Yves Montand, Pablo Picasso, Jorge Amado… Bà cũng đại diện cho Việt Nam dự và phát biểu tại Hội nghị Phụ nữ thế giới ở châu Phi.
Thời gian này, bà gặp và kết hôn với ông Trần Ngọc Danh, nhà ngoại giao Việt Nam tại Pháp. Năm 1948, bà Thái Thị Liên theo chồng chuyển đến sống tại Prague (Tiệp Khắc cũ) và trở thành người Việt Nam đầu tiên có bằng đại học tại Nhạc viện danh tiếng Prague.
Năm 1952, từ Tiệp Khắc, bà theo chồng về Việt Nam, lên vùng Việt Bắc. Không bao lâu sau, chồng bà mắc bệnh lao rồi qua đời. Lúc đó, con gái lớn của bà (nay là NSND Trần Thu Hà) mới 3 tuổi, còn bà đang mang bầu con trai thứ hai (kiến trúc sư Trần Thanh Bình).
Bà tham gia Đoàn ca múa Nhân dân Trung ương rồi gặp gỡ và nên duyên với nhà thơ Đặng Đình Hưng - lúc ấy là chính trị viên của đoàn. Năm 1958, bà sinh ra con trai đặt tên là Đặng Thái Sơn - người sau này rạng danh với giải Nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (tháng 10/1980) được tổ chức tại Warszawa (Ba Lan), trở thành nghệ sĩ dương cầm châu Á đầu tiên đoạt giải nhất tại cuộc thi này. Đặng Thái Sơn cũng nằm trong số những nghệ sĩ đầu tiên được trao tặng danh hiệu NSND vào năm 1984. Khi đó, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn mới 26 tuổi và là NSND trẻ nhất khi được trao tặng danh hiệu này từ trước đến nay.
Thời gian ở Việt Bắc, nghệ sĩ Thái Thị Liên chuyển soạn, thu thanh nhiều bài piano, trong đó có nhiều bản lấy cảm hứng dân gian, điển hình như làn điệu “Trống cơm”. Rời chiến khu, bà dấn thân vào nghề giáo, đặt nền móng cho môn nghệ thuật piano trong nước.
Năm 1956, bà là một trong bảy thành viên sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, phụ trách bộ môn piano trong suốt 20 năm.
Với những cống hiến trong nghề dạy học, sau này bà đã được phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân đồng thời được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1982) và hạng Nhất (năm 1998).
Khi trái tim NSND Thái Thị Liên ngừng đập, nhiều hồi ức đã được nhắc nhớ. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, chia sẻ: Tôi là một người học trò đã được NGND, NSND Thái Thị Liên dạy đàn piano từ khi còn rất ít tuổi. Nguyên cớ là hồi đó, gia đình nhà tôi và gia đình nhà giáo Thái Thị Liên rất thân thiết. Hai gia đình lại ở cạnh nhau.
Nên từ năm 7 tuổi, tôi đã được bố là nhạc sĩ Đỗ Nhuận dắt sang nhà nghệ sĩ Thái Thị Liên để học đàn piano. Những nốt nhạc đầu tiên tôi học được là từ lớp học đàn tại nhà riêng của nghệ sĩ Thái Thị Liên ở phố Tống Duy Tân - Hà Nội. Cũng vì lẽ đó mà khi chưa trở thành học sinh sơ cấp của Trường Âm nhạc Việt Nam thì tôi đã biết đánh đàn piano. Thời đó, tôi đã biết đánh những bài tập gam, các bài dân ca Việt Nam.
Cũng theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chính vì tình thân giữa hai gia đình và sự yêu quý đặc biệt nên thời đó ông đã gọi nghệ sĩ Thái Thị Liên là "bác Liên". “Bác Liên không chỉ dạy cho tôi những kiến thức đầu tiên về âm nhạc mà còn chăm chút cho tôi trong từng ngón đàn. Tôi còn nhớ là bác là một cô giáo rất nghiêm khắc với học trò nhưng lại là một người phụ nữ ấm áp, dịu dàng và rất Hà Nội, dù bác sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Mỗi lần đi học, tôi được bố hoặc mẹ dẫn sang và bác Liên rất ân cần đón tiếp cậu học trò nhỏ”, con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận nhớ lại. “Các thế hệ học trò, trong đó có tôi, đã học tập được rất nhiều điều từ bác Thái Thị Liên. Ngoài dạy về kiến thức âm nhạc, bác Liên còn luôn khuyên chúng tôi phải chịu khó tham khảo kiến thức âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn của nước ngoài. Chính nhờ có sự khuyến khích của bác trong việc tham khảo các tác phẩm âm nhạc phương Tây mà chúng tôi đã có những bước tiến rất nhanh”.
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết, bà Thái Thị Liên đã biên soạn giáo trình bằng tâm huyết, tình yêu, sự đam mê và kiến thức của một người tốt nghiệp từ nước ngoài. Trong giáo trình, bà đưa 60% bài chuyển thể từ các làn điệu dân ca vào giảng dạy piano chuyên nghiệp. Ngoài ra, bà là một trong những người thành lập Hội Nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam, năm 1957.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc - một người bạn thân của NSND Đặng Thái Sơn, đã may mắn được theo học nghệ sĩ Thái Thị Liên những năm 1960, khi Trường Âm nhạc Việt Nam đi sơ tán ở Bắc Giang. Trong ký ức của ông, vào thời kỳ khó khăn của đất nước, cô giáo ăn mặc giản dị nhưng cách đi đứng, trò chuyện toát phong thái trang nhã của tiểu thư con nhà trí thức.
Hồi ấy, tài sản lớn nhất của gia đình bà là chiếc xe đạp cũ để vừa chở đồ, đèo con đi học. Sau này, khi về Hà Nội, cuộc sống của gia đình bà Liên gặp nhiều khó khăn. "Thời gian ấy, tôi theo học khoa piano do cô Thái Thị Liên làm chủ nhiệm khoa, cô đã viết toàn bộ giáo trình theo đúng bài bản chính quy của phương Tây, đặt nền móng cho việc giảng dạy của trường. Tôi cũng là học trò được cô yêu quý và đặt niềm hy vọng về mặt sáng tác nhạc…", nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc nhớ lại.
Danh cầm Đặng Thái Sơn khẳng định NSND Thái Thị Liên là người thầy dạy đàn đầu tiên của ông. Khi bắt đầu đi biểu diễn, má cũng là người truyền cho ông nhiều kinh nghiệm, góp ý về phong cách, đi đứng, hay cách xử lý thời gian giữa các bài. Trên tất cả, má truyền cho ông nghị lực cần có trong đời sống cũng như bước đường làm nghệ thuật.
Nghệ sĩ piano Đặng Hồng Quang - con riêng của nhà thơ Đặng Đình Hưng, cũng được bà Liên bảo ban, dạy dỗ, trở thành Chủ nhiệm khoa Piano tại Nhạc viện TPHCM.
Người con cả của bà Thái Thị Liên, NSND Trần Thu Hà cũng theo bước đường của mẹ, không chỉ là một nghệ sĩ piano mà còn là một NGND, từng có 10 năm giữ cương vị Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. "Trải qua một cuộc đời đầy vinh quang lẫn cay đắng, bà luôn hết mình với nghệ thuật, gia đình và các thế hệ học trò", NSND Trần Thu Hà chia sẻ.