Ăn cỗ ở làng
Tháng Giêng lúa vừa ấm chân ruộng, khoai lang hết từ lâu, khoai tây bi ngai ngái nướng ăn tạm cũng chuẩn bị lên mầm. Lúc này những cây mía trong vườn mới được tầm độ hai gang tay. Ngoài bãi đỗ và khoai sọ chưa đến kì thu hoạch. Ngoài đồng các gièo cà chua cũng dọn cả rồi.

Như thế đồng nghĩa với việc trẻ con ngồi… “mốc mép”. Thế mà đùng cái, nhà nào trong xóm dựng rạp, người đến cười nói râm ran, thế là trẻ con tỉnh như sáo đá cả. Sắp được ăn cỗ rồi.
Tôi vẫn nhớ cỗ hàng xóm năm ấy. Dù là hàng xóm nhưng không rõ vì không có họ hàng hay ít qua lại hay vấn đề gì mà người ta không mời bà tôi. Đương nhiên, nếu mời thì bà đã dắt tôi đi cùng.
Thế là, lúc người ta đón dâu linh đình, cỗ bàn ầm ào thì bà tôi đi đâu đó chưa về. Một ai đó thấy tôi đứng lơ vơ trên bờ tường thì gọi sang ăn cỗ.
Toàn người không quen, tôi mới có bốn hay năm tuổi gì đó, nhát lắm. Ngồi vào mâm thì bọn trẻ nhép xung quanh đã đứa nào đứa nấy nhờn mép. Có người “quản” mâm trẻ con thật, nhưng người ta cũng mải chăm lo cho cháu chắt họ hàng người ta, ai hơi đâu mà để ý đến tôi.
Thành thử, bọn chúng ăn uống nhào nhào mà tôi chẳng có miếng gì. Bởi còn lại trên đĩa chỉ là mấy miếng thịt mỡ. Bao nhiêu xôi, giò, thịt nạc thì đứa nào đứa nấy đã giữ phần cả vào bát chúng rồi, cứ thế mà ăn thôi. Tôi tịnh chẳng dám thò đùa gắp miếng nào.
Có đi ra ngoài mới thấy tôi thật… nhát. Nhìn chúng nó ăn thế, thèm lắm mà chẳng dám tranh giành, cũng chẳng dám xin cái cô “cai quản” kia. Đến lúc có người nhìn thấy tôi vẫn cắm đũa, thốt lên: “Ơ, cái con bé kia chưa được ăn gì”.
Nói thì nói vậy chứ cũng chẳng ai lấy thêm cho tôi miếng nào. Có thể không phải cỗ nhà họ. Cũng có thể họ chẳng bận tâm vì chẳng biết tôi là ai. Mà có biết cũng chịu, mâm cỗ chỉ có ngần ấy thôi, lấy thêm thì lấy ở đâu, thiếu của mâm khác thì sao?
Rốt cuộc, mang tiếng được gọi sang ăn cỗ hàng xóm mà tôi vẫn ôm bụng không ra về. Phải nói là ấm ức, và còn cả cảm giác xấu hổ, ngại với bà vì dám đi ăn cỗ ở nhà hàng xóm.
Thích nhất là đi ăn cỗ ở họ nhà mình. Toàn người quen, tôi cũng mạnh dạn hơn hẳn. Quan trọng nhất là người "cai quản" mâm cỗ biết rõ đứa này con nhà ai, cháu nhà ai. Bác ấy sẽ nạt đứa ăn hỗn, phân xử đứa nào lanh chanh giành chỗ và chắc chắn là sẽ chia theo khẩu phần nên đứa nào cũng có giò, có xôi, có thịt, có chả.
Mâm cỗ thời đói kém cũng hẳn không thể đủ đầy. Mâm trẻ con thì lại ít cầu kì hơn. Thường thì vẫn đủ cơm canh giò chả nhưng có thể bớt mấy món xào, rán. Trẻ con nhao nhao cũng không cầu kì. Chẳng chào mời khách khí gì, cứ thế ngồm ngoàm nhai nuốt. Rồi và húp sùm sụp, rồi chí chóe cãi nhau, rồi buông bát đứng dậy sạch, nhanh như chớp.
Tôi vẫn không sao quên được lần cưới bác Bảo. Bác là con ông Định, họ rất gần bên nội nhà tôi. Nên hẳn đám cưới bác nhà chúng tôi phải tham dự hết. Cả bố, cả mẹ và các anh chị tôi ở thị trấn về.
Cả đám cứ hỉ hả nhắc đi nhắc lại rằng ông Định thịt hẳn một con bò để làm cỗ. Các món chế biến từ bò thế nào tôi chẳng nhớ, vì có thể dai cũng chẳng ăn nổi. Riêng món giò bò thì tôi nhớ lắm. Được cắn miếng giò hồng hồng ngọt đậm ngập răng, chao ôi là sung sướng. Cảm giác chưa bao giờ có của đứa trẻ 5 tuổi.
Không rõ vì lí do gì mà anh tôi lại không lên ăn cỗ cưới, ở nhà bà nội trông nhà. Thế là ông Định gói phần cho anh hẳn một khoanh giò. Hẳn một khoanh giò là chế độ biệt đãi, chưa từng có bao giờ nhé.
Đến đi ăn cỗ cũng chỉ được một miếng con chì bé tí. Đến ngày Tết, ngày giỗ nhà mình cũng không có đứa nào và chưa bao giờ được ăn hẳn một khoanh giò.
Tôi thì vô cùng ghen tị với anh. Chả riêng gì tôi, đến bố mẹ và các chị tôi cũng lấy làm ngưỡng mộ anh. Khi anh gật gù ăn khoanh giò của mình, mọi người lượn quanh trầm trồ tặc lưỡi.
Tôi có thể nhát như cáy khi ra bên ngoài nhưng ở nhà mình tôi vẫn là con út, vẫn có thể ăn vạ, mè nheo được. Thế là, tôi vẫn được hưởng một phần khoanh giò ấy trong sự thích thú rất hồn nhiên của mình.
Được phần cả khoanh giò mà không bị “tịch thu” làm của chung, anh tôi cũng lấy làm sung sướng lắm nên cho tôi một miếng chẳng nghĩ ngợi gì. Bởi miếng giò ấy mà tôi nhớ đến tận bây giờ.
Tôi còn nhớ cả những miếng giò mà cụ tôi lấy phần về cho. Đó là những miếng giò được cụ đút sâu vào "ruột tượng" hay là chiếc thắt lưng màu bã trầu của người già ngày xưa. Chiếc thắt lưng nhỏ lắm, mà cụ phải đút sâu vào bên trong, xong thắt vài nút vào bụng chả sợ rơi nên khi. Về đến nhà, cụ phải ới tôi thật to từ ngoài cổng để tôi đi chơi đâu đó mà về.
Thường thì tôi chạy ù về, nhanh khiến cụ không ngờ. Vì cụ phải lần mãi mới lấy được miếng giò ra.
Chiếc "ruột tượng" thì dài, lưng cụ thì còng, tôi lại càng bé lũn chũn không thể đứng trên giường mà rũ tuột cho miếng giò rơi ra.
Cảm giác hồi hộp, ngóng đợi theo từng cái lần tay của cụ thật là sốt ruột. Bàn tay cụ run run nên càng cuống càng lâu. Cuối cùng thì miếng giò ấy đã thuộc về tôi. Nó được cắt miếng, hẳn là chia cho mâm 6 người chứ không phải thái con chì như mâm trẻ con. Thực ra mâm người lớn cũng vẫn thái con chì như bình thường, nhưng mâm các cụ già thì có lẽ phải thái như thế này để tôn trọng người cao tuổi.
Hơn nữa, cụ nào cũng muốn mang phần về cho các cháu nên không thể cắt vụn ra được, ai muốn lấy miếng đầu mẩu khi ai cũng mong lấy được miếng giữa?
Thế là tôi được ăn miếng giò của cụ, thứ duy nhất có thể lấy phần mang về. Tôi cầm miếng giò ấy với niềm hí hửng sung sướng vô bờ. Tôi cắn từng miếng nhỏ một, nhấm nháp, hít hà nước ngọt của miếng giò tứa ra ở chân răng. Miếng giò hết thỏm trong sự thòm thèm ngẩn ngơ.
Suốt cả tháng Giêng ấy tôi cứ loanh quanh chờ cụ lại được mời đi ăn cỗ nữa. Tôi ra tận đê, tôi đứng ở đầu ngõ, tôi ngồi trên bờ tường, tôi chẳng dám đi đâu xa, chỉ chờ nghe tiếng cụ gọi “Nga ơi”. Hồi bé, có một thời gian dài tôi bắt bà và cụ gọi tôi với tên như thế.
Hồi ở quê với bà và cụ, đương nhiên tôi bé nhất nhà nên được chiều nhất. Mấy năm sau cụ và bà vào ở thị trấn với nhà tôi thì chẳng bao giờ cụ được đi ăn cỗ nữa.