Vùng Đồng bằng sông Hồng hút nguồn vốn khủng
Ngay từ những ngày đầu năm, khoảng 10 tỷ USD đã được cam kết để rót vào phát triển Đồng bằng sông Hồng kèm với các dự án lớn khác cũng đang được triển khai.
Hơn 10 tỷ USD đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Hồng
Vùng Đồng bằng sông Hồng được coi là một “địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng”. Hiện 7 địa phương trong vùng đã nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Với những lợi thế vượt trội, hiện Đồng bằng sông Hồng là vùng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ 2 cả nước sau Đông Nam Bộ.
Dữ liệu thống kê cho biết, quy mô kinh tế vùng tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm…Đáng chú ý việc thu hút đầu tư nước ngoài khu vực này cũng đứng thứ hai, chiếm 31,4% tổng vốn FDI mà Việt Nam thu hút được trong 35 năm qua. Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Honda, Canon, Foxconn, Toyota… cũng đã chọn vùng Đồng bằng Sông Hồng để đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu sẽ tập trung phát triển các ngành kinh tế theo quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và quy hoạch của từng địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong cả nước…Coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển. Nghiên cứu tổ chức không gian phát triển vùng đảm bảo cân bằng, bền vững gắn với phát triển các hành lang, vành đai kinh tế; phát triển các chuỗi đô thị hiện đại và hệ thống giao thông kết nối giữa các cực tăng trưởng, giao thông nội vùng, liên vùng và các đầu mối trung tâm kinh tế trên toàn tuyến hành lang kinh tế.
Tiềm lực và tiềm năng của khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng được đánh giá là rất mạnh. Nói như Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn: “Điểm thuận lợi là các địa phương trong Vùng đang có sự ủng hộ của Trung ương, sự đồng lòng, quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của nội bộ chính quyền các địa phương và sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, có sự có mặt của các đối tác, các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn có lợi ích dài hạn”.
Tại hội nghị phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng vừa diễn ra, nhiều nhà đầu tư lớn tiếp tục chọn vùng Đồng bằng sông Hồng để mở rộng kinh doanh. Thống kê ban đầu cho biết có 20 dự án, với tổng quy mô vốn hơn 2,6 tỷ USD, tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu.
Trước đó, nhiều dự án lớn cũng đã được trao giấy chứng nhận đầu tư. Dự án “Đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội để bán và cho thuê” ở Hải Phòng với tổng mức đầu tư 4.865,16 tỷ đồng của Công ty Thai-Holding; Dự án “Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Cell Pin 1” với tổng mức đầu tư 3.295 tỷ đồng của Công ty Giải pháp năng lượng VinES; Dự án “Khai thác tàu container”, với tổng mức đầu tư 1.383 tỷ đồng, của Công ty liên doanh Zim Hải An...
Ngoài các nhà đầu tư nhận chứng nhận đăng ký đầu tư, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ triển khai các dự án quy mô lớn tại Vùng đồng bằng sông Hồng.
Chẳng hạn, Dự án Bãi đỗ xe, Trung tâm thương mại AEON MALL Hoàng Mai, Giáp Bát với tổng mức đầu tư 6.058 tỷ đồng; Dự án “Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tràng Duệ 3”, với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng; dự án mới sản xuất các sản phẩm điện, điện tử và âm thanh đa phương tiện, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, của Goertek Vina...
Như vậy tính ra, từ đầu năm đến nay đã có tổng cộng 30 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng vốn đầu tư 167.000 tỷ đồng (tương đương 7,1 tỷ USD).
Huy động tối đa nguồn lực để phát triển
Theo phân tích của giới chuyên gia, để phát huy hết các nguồn lực đầu tư tại vùng Đồng bằng sông Hồng, việc cần làm là xây dựng hệ thống giao thông kết nối được các địa phương, các tiểu vùng và kết nối với các vùng khác.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các địa phương trong vùng cần thay đổi tư duy, tạo mạng lưới liên kết trong vùng từ cung ứng, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ, vì lợi ích chung.
Hiện nay, nhiều địa phương cũng đang tích cực đưa ra các giải pháp để phát triển đô thị, hạ tầng đồng bộ theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng. Theo ông Trần Sĩ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Hiện thành phố Hà Nội đang khẩn trương triển khai và phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2027 đường Vành đai 4; phấn đấu chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 5 trước năm 2030.
Còn ông Trần Xuân Ký - Bí thư tỉnh Ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh sẽ tập trung phát triển dự án nhằm tăng cường kết nối nông thôn - thành thị, vùng thấp - vùng cao, công nghiệp - dịch vụ, du lịch, nội vùng, liên vùng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thu hẹp chênh lệch vùng miền; đồng thời nâng cao khả năng kết nối thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế theo quy hoạch.
Tính từ đầu năm đến nay đã có tổng cộng 30 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng vốn đầu tư 167.000 tỷ đồng (tương đương 7,1 tỷ USD). 3 ngân hàng lớn là đối tác phát triển cùng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã ký cam kết hỗ trợ và đầu tư tổng 9,7 tỷ USD vào vùng Đồng bằng sông Hồng.