Chăm sóc sức khỏe người lao động: Không chỉ làm cho có

Lê Minh Long 16/02/2023 06:34

Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất là nơi tập trung đông công nhân, song hệ thống tổ chức các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ tổ chức thăm khám sức khỏe cho người lao động theo kiểu: Làm cho có.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe người lao động là rất lớn để phát hiện sớm các bất thường sức khỏe phát sinh trong quá trình lao động. Ảnh: Quang Vinh.

Làm công nhân may cộng cả phụ cấp, làm thêm giờ tổng thu nhập của chị Nguyễn Thị Diện (huyện Quốc Oai, Hà Nội) chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng/tháng. Thời gian gần đây, ít việc, công nhân phải nghỉ luân phiên, thu nhập giảm một nửa, thậm chí có tháng không có lương song dù vậy chị Diện vẫn không hề có ý định tìm nơi làm mới.

Yên tâm gắn bó với nghề

“Học hết trung học, nhà không có điều kiện học tiếp tôi xin vào Công ty May Hồ Gươm làm công nhân. Vào đây tôi được đào tạo nghề và được ký hợp đồng ổn định. Thu nhập công ty không cao nhưng chính sách phúc lợi cho công nhân khá tốt đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe cho công nhân rất được công ty chú trọng” - chị Diện chia sẻ.

Cũng theo chị Diện, mỗi năm công ty tổ chức thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ một lần. Khám bệnh định kỳ không đơn thuần chỉ là xét nghiệm máu, đo huyết áp mà công ty đăng ký thăm khám nhiều hạng mục. “Là ngành đặc thù có nguy cơ cao mắc lao phổi nên chúng tôi được khám sàng lọc, chụp X-quang phổi nhằm phát hiện sớm chủ động bệnh lao. Nhờ đó, 12 năm gắn bó với công ty tôi thấy chưa một công nhân nào mắc bệnh lao phổi cũng như các bệnh nghề nghiệp khác” - chị Diện cho biết.

Tương tự, ngoài khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho công nhân, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đã phối hợp với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu kinh tế tỉnh Khánh Hòa tổ chức khám sàng lọc phát hiện bệnh cho hơn 5.300 công nhân có nguy cơ cao làm việc tại 11 doanh nghiệp (DN) trong Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm). Tại các DN, các y bác sĩ đã thăm khám, chụp X-quang phổi, lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn sức khỏe cho công nhân. Kết quả chụp X-quang đã phát hiện 100 công nhân có sự bất thường về phổi. Đồng thời, qua xét nghiệm phát hiện 9 công nhân nghi ngờ mắc bệnh lao được các bác sĩ đề nghị làm các thủ tục chuyển tới bệnh viện để kiểm tra chuyên sâu và có hướng điều trị.

“Công nhân chúng tôi thường rất ít khi có thời gian cũng như điều kiện đi khám sức khỏe nhất là khám chuyên sâu sàng lọc lao. Thậm chí chúng tôi còn không biết đến căn bệnh này cũng như sự nguy hiểm của nó. Việc công ty tổ chức thăm, khám bệnh cho công nhân có ý nghĩa rất lớn như tiếp thêm động lực để chúng tôi gắn bó với nghề, với công ty” - anh Nguyễn Văn Hùng (công nhân công ty TNHH Miboo Vina, Khánh Hòa) chia sẻ.

Tư vấn sức khỏe miễn phí cho công nhân lao động tại khu nhà ở Công nhân lao động (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Mai Quý.

Chưa thực sự quan tâm

Bên cạnh những DN thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động thì vẫn có những DN làm cho có. Anh Nguyễn Đức Quê, công nhân làm việc tại một công ty sản xuất linh kiện máy tính ở Vĩnh Phúc cho biết, với đặc thù công việc thường xuyên tăng ca, anh ít có thời gian đi khám bệnh. Mặc dù hàng năm công ty đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ nhưng việc tổ chức khám chưa thực sự sát với nhu cầu của người lao động.

Chị Nguyễn Thị Thắm - công nhân Công ty Vina Khu công nghiệp Bá Thiện (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) giãi bày, dù mỗi năm chị có 12 ngày nghỉ phép nhưng phải để dành phòng lúc con ốm, gia đình có việc quan trọng hoặc về quê. Trong khi đó, việc đi khám bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế mất nhiều thời gian chờ đợi. Vì thế chị chỉ đến bệnh viện khi bệnh quá nặng.

Cũng theo chị Thắm việc nghỉ làm 1-2 ngày đi khám sức khỏe là không hề dễ dàng vì liên quan đến chỉ tiêu sản lượng, thu nhập, tiền chuyên cần và nhiều chế độ phúc lợi khác. Mặt khác, nếu muốn đi khám bệnh ngày thường, thủ tục xin nghỉ rất khó khăn, phải đợi tổ trưởng, quản đốc duyệt mới được nghỉ. Còn nếu đi khám vào ngày cuối tuần thì không được BHYT thanh toán.

Thực tế cho thấy, cho dù pháp luật đã có quy định khá cụ thể, nhưng không phải DN nào cũng nghiêm chỉnh chấp hành việc tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Báo cáo về thực trạng chăm sóc sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho người lao động công bố mới đây cho thấy, năm 2021, có gần 1,46 triệu người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được khám sức khỏe định kỳ (giảm 17% so với năm 2020). Số người lao động đạt sức khỏe tốt (loại 1 và 2) chiếm 65,7%. Tỉ lệ đạt sức khỏe loại 3 là 20,8%. Người lao động có sức khỏe yếu (loại 4, 5) chiếm khoảng 13,5%, tăng 4,6% so với năm trước.

Đáng chú ý, tổng số trường hợp người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là 205.755 trường hợp (giảm khoảng 40% so với năm 2020). Như vậy, số lao động được khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp hiện nay còn rất thấp.

Theo PGS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), hiện cả nước có gần 400 khu công nghiệp tại 61 tỉnh, thành phố, với khoảng 7 triệu lao động, nhưng đến nay vẫn thiếu mô hình y tế lao động để chăm sóc sức khỏe cho công nhân, người lao động. Trong khi đó việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động là khám và quản lý chứ không hẳn là khám và điều trị bệnh. Đặc biệt, việc khám các bệnh nghề nghiệp còn đòi hỏi có chuyên gia và phương tiện đặc thù. Với yêu cầu về chăm sóc sức khỏe cho người lao động hiện nay rất cần có mô hình y tế lao động trong khu công nghiệp để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động.

Trước đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường y tế đã tiến hành khảo sát và lấy ý kiến tại 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung ở 3 tỉnh/thành công nghiệp là Hà Nội, Đà Nẵng và Bình Dương. Kết quả cho thấy tất cả Ban quản lý Khu công nghiệp và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố đã biết tới mô hình trung tâm y tế đặt tại các khu công nghiệp. 70% cơ sở sản xuất kinh doanh sẵn sàng hoặc rất sẵn sàng sử dụng dịch vụ nếu có đơn vị chăm sóc y tế trong khu công nghiệp. 30% số cơ sở còn lại cho rằng, cần tham khảo trước khi đưa ra quyết định lựa chọn dịch vụ y tế tại khu công nghiệp.

Theo PGS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), thực tế cuộc sống và đặc biệt qua đại dịch Covid-19 là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy khi dịch bệnh xảy ra ở trong khu công nghiệp thì nguy cơ lan rộng ra cộng đồng rất nhanh. Do vậy, cần thiết phải có mô hình y tế lao động tại các khu vực này.

Lê Minh Long