Đổi đời nhờ nuôi cá nước ngọt

Đăng Khôi 16/02/2023 06:34

Hơn chục năm trở lại đây, nhiều hộ dân tại các làng ven biển huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đã vươn lên thoát nghèo nhờ việc tận dụng đất cát bỏ hoang để nuôi cá nước ngọt, đem lại thu nhập cao.

Thương lái tập trung mua bán cá lóc tại ao nuôi.

Mô hình nuôi cá lóc trên cát ở vùng biển Ngư Thủy Bắc bắt đầu xuất hiện từ giữa những năm 2000 nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu để phục vụ thực phẩm cho những buổi chợ quê trong vùng và các địa phương lân cận. Sau một thời gian, khi đầu ra tương đối ổn định, kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi cá ngày càng được cải tiến, nhiều hộ dân đã đào ao nuôi cá, tăng thu nhập.

Đến năm 2010, từ một vài hộ nuôi cá bắt đầu có hiệu quả, mô hình nuôi cá lóc đã được nhân rộng ra toàn xã Ngư Thủy Bắc. Đến nay, toàn xã có gần 200 hộ gia đình nuôi cá lóc. Trong đó, có hàng chục hộ đầu tư phát triển nuôi từ 5 - 6 hồ với diện tích 100 - 300m2/hồ.

Là người tiên phong trong việc nuôi cá lóc mô hình kiểu mới, anh Trần Kim Phi (47 tuổi, trú tại thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc) cho biết, trước đây, gia đình anh cũng tính đến việc nhân giống nuôi cá trê. Tuy nhiên, thấy cá trê mất nhiều công chăm sóc nhưng lợi nhuận thấp, trong khi cá lóc phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường vùng biển Lệ Thủy nên anh chuyển sang nuôi cá lóc trên cát. Ban đầu, anh Phi chỉ thả 3 ao cá lóc với tổng diện tích 240m2.

Với vốn kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy qua thời gian, thấy đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Phi chuyển đổi diện tích trồng khoai lang để mở rộng ao nuôi cá lóc. Khi đã nắm chắc kỹ thuật nuôi và thị trường tiêu thụ, anh chuyển từ nuôi cá lóc với nguồn thức ăn bằng cá biển sang nuôi bằng nguồn thức ăn công nghiệp. Hiện nay, với 8 ao nuôi, sản lượng cá thịt đạt 100 tấn/năm đã đem lại thu nhập cho gia đình anh Phi khoản lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm.

“Nuôi cá lóc trên cát có 2 kiểu, đào ao trên nền cát và lót bạt, mỗi vụ cá lóc sẽ kéo dài khoảng 4 - 5 tháng. Nuôi cá lóc trên cát quan trọng nhất là thời điểm mới thả giống, khoảng 3 tháng đầu phải thường xuyên kiểm tra bởi giai đoạn này cá dễ bị bệnh, sau đó thì có thể yên tâm hơn.

Chi phí ban đầu để nuôi mỗi hồ cá khoảng 20 - 30 triệu đồng. Sau khi cá lớn, với giá thành dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, trừ đi mọi chi phí, mỗi 1 tấn cá lóc sau khi thu hoạch sẽ đem lại lợi nhuận cho gia đình khoảng 30 triệu đồng” - anh Phi cho biết.

Theo nhiều người dân, việc nuôi cá lóc trên vùng đất cát tại xã Ngư Thủy Bắc có nhiều điểm thuận lợi khi chi phí đào ao, hồ rẻ, nguồn nước dồi dào. Cá lóc là loài ăn tạp nên có thể tận dụng được nguồn cá đánh bắt được sau mỗi chuyến đi biển.

Ông Trần Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc cho biết, việc đào ao nuôi cá lóc cũng là thành công của xã trong việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân nhờ việc nuôi cá lóc mà thoát nghèo, trở nên khấm khá, giàu có.

Được biết, sản lượng mỗi năm của toàn xã Ngư Thủy Bắc đạt khoảng 2.500 tấn cá, doanh thu ước tính khoảng 250 tỷ đồng.

Đăng Khôi