Phòng bệnh khi thời tiết thay đổi

Đức Trân 16/02/2023 06:37

Thời tiết thay đổi liên tục, từ nồm ẩm kéo dài trở lạnh sâu đột ngột, hay những ngày nhiệt độ cao thất thường khiến số bệnh nhân là người cao tuổi tăng đột biến.

Thời tiết thay đổi thất thường khiến bệnh nhân nhập viện tăng. Ảnh: Ngọc Trang.

Thông tin từ Bệnh viện Lão khoa trung ương, những ngày gần đây, số người cao tuổi đến khám và điều trị tại cơ sở y tế này tăng 30%, riêng bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ tăng 150%.

Theo TS. BS Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương, hầu hết các trường hợp nhập viện đều mắc các bệnh lý như tim mạch, hô hấp, thần kinh, trong đó bệnh lý nhiễm trùng hô hấp chiếm khoảng 70% tổng số ca bệnh.

“Trong khi thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển đe dọa tới những bệnh nhân cao tuổi có nền bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, tim mạch, thì khi nhiệt độ giảm đột ngột dẫn đến cơ thể người cao tuổi khó thích nghi kịp, càng dễ nhiễm bệnh. Nguyên nhân là do quá trình lão hóa khiến sức khỏe người cao tuổi suy giảm, chức năng các cơ quan cũng yếu hơn. Khi tiếp xúc với thời tiết lạnh, mạch máu dưới da không đủ giữ ấm, cơ thể nhanh mất nhiệt, hệ thống bó mạch ở mũi suy giảm, có tổn thương” - bác sĩ Thắng cho hay.

Đồng quan điểm, BS Vũ Văn Thành - Bệnh viện Phổi trung ương cho biết: Thời tiết là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh. Bởi phổi là cơ quan trực tiếp thông thương (giao lưu) với môi trường bên ngoài khi chúng ta hít thở. Tất cả sự thay đổi bên ngoài môi trường đều ảnh hưởng tới phổi. Đặc biệt, đối với các trường hợp có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người có bệnh lý nền (mạn tính hô hấp như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản hoặc suy giảm miễn dịch)… rất dễ bị tổn thương khi thời tiết thay đổi thất thường.

Vì vậy, BS Thành khuyến cáo việc phòng bệnh đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn này. Theo đó, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt, người cao tuổi thời điểm giao mùa cần phải ăn uống đầy đủ. Người cao tuổi thường thức dậy vào ban đêm, nếu không cẩn thận sẽ bị nhiễm lạnh, gây các nhiễm trùng đường hô hấp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Với trẻ nhỏ thời điểm ban đêm cũng cần chú ý tránh để trẻ nhiễm lạnh gây viêm phổi.

Theo TS. BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, giai đoạn mùa đông xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian này cũng là mùa lây lan các bệnh sởi, thủy đậu. Trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng rất dễ mắc bệnh.

Sởi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

Thủy đậu cũng là bệnh truyền nhiễm, do virus gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí). Bệnh còn có thể lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai. Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính; nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại gia đình để phòng các bệnh truyền nhiễm. Cụ thể, tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch. Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tuy nhiên, không nên mặc quá nhiều áo cho trẻ, có thể làm trẻ bị toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh.

Tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người; khi bắt buộc phải đưa trẻ ra ngoài phải đeo khẩu trang cho trẻ. Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống của trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Vũ Văn Thành - Bệnh viện Phổi trung ương, cần tiêm vaccine phòng cúm nhắc lại hàng năm, tiêm phòng vi khuẩn phế cầu. Hai vaccine này giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gây tổn thương phổi. Đồng thời, khi thời tiết lạnh sâu, đi ra ngoài cần giữ ấm cơ thể như mặc ấm, đeo khẩu trang...

Đức Trân