Mua bán nhà ở xã hội

Minh Thủy 16/02/2023 06:35

Xây dựng nhà ở xã hội đã khó, mua bán nhà ở xã hội lại cũng nhiều vấn đề. Theo Bộ Xây dựng, các hành vi vi phạm về mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng sẽ bị buộc thu hồi nhà và hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà theo quy định…

Quy định là vậy nhưng không phải lúc nào cũng được thực hiện đúng.

Nhìn chung cùng với việc xử lý các hành vi vi phạm trong việc mua, bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng rất cần có thêm những chủ trương, chính sách hợp lý hơn để công nhân, lao động nghèo có thể tiếp cận các dự án nhà ở xã hội.

Tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, đã quy định cụ thể hành vi vi phạm về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định và biện pháp khắc phục hậu quả, là buộc thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Hiện Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở. Hy vọng sẽ tiếp tục xem xét, bổ sung chính sách nhà ở cho đối tượng người thu nhập thấp để góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng là người thu nhập thấp ở khu vực đô thị có nhiều cơ hội tiếp cận và mua, thuê, thuê mua nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm “an cư lạc nghiệp”.

Thực tế cho thấy, nhà ở xã hội vừa thiếu, giá lại vẫn cao “ngoài tầm với” của người lao động. Trong khi đó, việc vay tiền ngân hàng để mua nhà không hề dễ dàng. Đối với người lao động, dù có vay được đi chăng nữa thì việc trả nợ cũng hết sức mệt mỏi vì thu nhập hàng tháng xoay qua xoay lại cũng chỉ đủ chi tiêu hàng ngày và nuôi con cái ăn học. Chưa kể còn rất nhiều khoản “không tên”. Vì thế, trong nhiều trường hợp, nhà ở xã hội lại rơi vào tay người có tiền, hoặc người thuộc đối tượng được mua đã “bán lúa non” kiếm lợi.

Trở lại vấn đề, để việc mua bán nhà ở xã hội đúng đối tượng, cùng với việc sửa đổi chính sách thì cần thiết nhất là xét duyệt đúng đối tượng người được mua, không thể để người có tiền “thâu tóm” để rồi bán đi bán lại trục lợi. Nếu tình trạng đó vẫn tiếp diễn thì người lao động thu nhập thấp vẫn sẽ không thể “an cư lạc nghiệp”.

Nhân câu chuyện này, xin được nhắc lại ý kiến của Bộ Xây dựng với 4 nhóm vấn đề cần phải sửa đổi Luật Nhà ở và các luật khác liên quan để “gỡ vướng” cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đó là: Thứ nhất, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài. Thứ hai, việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Thứ ba, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư. Và thứ tư, quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau năm năm đưa vào sử dụng cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

4 “nút thắt” ấy rất cần tháo gỡ sớm thì việc phát triển nhà ở xã hội cũng như người lao động được sở hữu nhà giá rẻ mới trở thành hiện thực.

Minh Thủy