Vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam: Găm hàng, nâng giá sẽ bị xử nghiêm

PV 16/02/2023 06:35

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải và UBND 27 tỉnh, thành phố có dự án cao tốc đi qua, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường cung cấp cho các dự án cao tốc.

Đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cao tốc.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có liên quan rà soát các khu vực chưa cấp phép để cấp phép khai thác, nâng công suất các mỏ đã cấp phép khai thác theo các Nghị quyết số 60 ngày 16/6/2021 và số 133 ngày 19/10/2021 của Chính phủ để phân bổ nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh và cung cấp cho các dự án trên địa bàn các tỉnh lân cận.

Việc phân bổ cho các dự án cần căn cứ nhu cầu và tiến độ triển khai từng dự án, theo nguyên tắc dự án nào khởi công trước thì ưu tiên phân bổ trước; tổng hợp trữ lượng có thể bố trí cho dự án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải trước ngày 20/2/2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Giao UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo rà soát trữ lượng các mỏ cát trên địa bàn tỉnh, có văn bản xác định khối lượng cát dự kiến bố trí cho các dự án theo từng năm trong giai đoạn 2023 - 2025 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải trước ngày 20/2/2023 để tổng hợp.

Các địa phương liên quan sớm hướng dẫn nhà thầu thi công dự án thành phần lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho dự án. Theo đó, nhà thầu thi công thực hiện đăng ký khối lượng khai thác; cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Trong năm 2022 và năm 2023 áp dụng cơ chế đặc thù theo Điều 5 Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.

Các địa phương phải công bố giá vật liệu xây dựng, giá cước vận chuyển để lập và quản lý chi phí xây dựng. Thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân găm hàng, ép giá đối với nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án...

Trước đó, trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các bộ, ngành và các địa phương chiều tối ngày 28/1 tại TP Vinh (Nghệ An) nhằm tháo gỡ các khó khăn trong triển khai thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Ninh Bình đến Quảng Trị, đại diện đơn vị tư vấn giám sát, nhà đầu tư, nhà thầu đã nêu các khó khăn và kiến nghị về vấn đề dự phòng trượt giá; tháo gỡ khó khăn trong việc mua vật liệu để phục vụ thi công dự án; hướng dẫn thực hiện chính sách hoàn thuế; bàn giao mặt bằng cho nhà thầu... như: việc triển khai dự án đang có khó khăn, vướng mắc về trữ lượng mỏ cát.

Theo đó, hầu hết các mỏ cát sử dụng cho dự án đều đã được các địa phương cấp phép và đang khai thác với công suất hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ triển khai thi công. Ngoài ra, còn vướng thủ tục khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Các đơn vị thi công kiến nghị vấn đề giải phóng mặt bằng các mỏ vật liệu cấp cho doanh nghiệp thi công. Theo đó, các mỏ này được địa phương giao đất nhưng doanh nghiệp phải tự thỏa thuận để đền bù, giải phóng mặt bằng. Việc làm này là rất khó và gây tốn kém. Họ cũng cho biết các dự án thành phần giai đoạn 2 đang có dấu hiệu manh nha của việc tăng giá, găm vật liệu thi công.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mỏ vật liệu là tài sản quốc gia. Về vấn đề găm hàng, nâng giá vật liệu, Thủ tướng giao Bộ Công an vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm. Thủ tướng cũng lưu ý: Khi thi công phải đạt tiến độ, chất lượng công trình và không để đội giá bất hợp lý. Trong quá trình thi công phải an toàn, vệ sinh, kỹ mỹ thuật, môi trường cảnh quan…; chống tham nhũng, lợi ích nhóm; đảm bảo lợi ích cho công nhân, người dân.

Đặc biệt vấn đề chia nhỏ gói thầu, cần thiết xây dựng lại tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình đấu giá, đấu thầu, chỉ định thầu trong đó lợi ích quốc gia là trên hết. Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm khi phát hiện dấu hiệu bán thầu, thông thầu.

Hiện tại nhiều địa phương, khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án. Cụ thể, còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3 đá; 3 triệu m3 cát và khoảng 1,9 triệu m3 đất đắp nền. Với cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, tổng nhu cầu khoảng 1,37 triệu m3 đá các loại và khoảng 1,7 triệu m3 đất đắp. Nhưng riêng lượng cát đắp nền khoảng 18,5 triệu m3 (phải thi công trong 18 tháng để chờ lún) vẫn thiếu.

Theo Bộ Giao thông vận tải, 10 dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có nhu cầu khoảng 17,1 triệu m3 đá; 8,95 triệu m3 cát và khoảng 45,3 triệu m3 đất đắp nền.

PV