Đừng ngần ngại trao đi yêu thương
Với nhà văn Phong Điệp, mùa xuân luôn có một ý nghĩa thật đặc biệt. Chị gọi đó là mùa trở về. Trở về với cội nguồn, với gia đình. Trở về với những cảm xúc nguyên sơ của ấu thơ. Trở về bản thể của chính mình khi chính thức khép lại một năm với bao lo toan bận rộn để bắt đầu một năm mới tốt lành.
“Ngày đầu tiên của năm mới tôi thấy lòng mình tinh khôi như trang giấy trắng, để rồi tôi tự nhìn vào đó suy nghĩ thật nhiều về những việc sẽ làm trong năm mới. Làm sao để sau một năm, trang giấy lòng mình mang thật nhiều những sắc màu ấm áp tươi vui.
Mỗi chuyến đi, mỗi công việc tôi hoàn thành luôn để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Tầm nhìn của tôi được mở mang. Tôi học hỏi được những bài học quý giá trên hành trình đi qua. Tôi làm đầy miền yêu thương trong trái tim mình.
Chính những con người tôi gặp, những vùng đất tôi được trải nghiệm là “cuốn sách đời” vô giá mà tôi may mắn được đắm mình vào trong đó. Trái tim tôi được mở rộng cửa, nhiệt huyết được khơi nguồn, năng lượng được nạp đầy. Tôi hạnh phúc vì được sống, được làm điều mình mong muốn. Trong hành trình “365 ngày yêu thương”, tôi cũng luôn tự dặn mình phải sống sao cho xứng đáng với những gì mình đang có, với tình cảm, sự tin cậy mà mọi người dành cho tôi”, nhà văn Phong Điệp chia sẻ.
Nhà văn Phong Điệp thấy mình khác đi nhiều. Trước đây, chị sống khá khép kín, ít nói, và khó mở lòng với ai khác, ngay cả người thân hay bạn bè. Những câu chuyện chị trao đổi với đồng nghiệp, thường liên quan đến công việc hay những trang viết.
“Điều ấy khiến tôi thường xuyên rơi vào cảm giác cô độc, thậm chí bế tắc khi phải đối mặt với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt. Tôi loay hoay tìm các tự giải quyết các vấn đề của mình, điều đó khiến tôi mệt mỏi. Nhưng từ khi biết sống mở lòng hơn, nhiệt thành với đời sống này, tôi thấy mình cởi bỏ được sự tự ti, mạnh mẽ hơn, biết yêu thương và được yêu thương nhiều hơn. Tâm thế nhìn con người, nhìn cuộc sống cũng khác đi. Một vấn đề nếu trước kia với tôi là rất nghiêm trọng thì bây giờ tôi nhìn nhẹ nhàng hơn, từ đó bình tĩnh tìm cách giải quyết”.
Sự đổi thay hồn nhiên, yêu đời và tích cực này với nhà văn Phong Điệp là một quá trình tự nhiên. Sau khi “ngấm” những sự cô độc, buồn bã và thất bại khiến bản thân mệt mỏi, từ đó, chị tự thấy mình cần phải thay đổi:
“Tôi thích câu nói “đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”. Với tôi đúng là như vậy. Thay vì ngồi oán trách cuộc đời không cho mình may mắn, tại sao mình không tự kiến thiết cuộc đời của chính mình, đặt ra những mục tiêu để hướng tới, tự mình tạo động lực cho mình cố gắng hơn mỗi ngày? Tôi có quyền lựa chọn những người bạn phù hợp để kết giao, được lựa chọn công việc để làm. Tại sao tôi không tặng cho mình sự hồn nhiên, yêu đời, lạc quan? Đó là cách mà tôi đã khiến mình phải thay đổi”.
Ngay khi bắt đầu viết, nhà văn Phong Điệp đã chú ý đến việc mang lại tinh thần tích cực qua mỗi trang văn. Với chị, văn chương cần hướng độc giả đến những giá trị nhân văn, giúp con người biết yêu thương, hướng thiện. Nhất là khi cái xấu, cái ác, sự tham lam, ích kỷ, thù hận, ti tiện nhỏ nhen luôn tìm cách trỗi dậy, âm mưu khiến chúng ta bị lung lạc thì văn chương cần làm tốt việc cứu rỗi tinh thần, lương tâm con người bằng những tác phẩm giàu giá trị nhân văn.
Qua những trang viết, chị mong muốn đánh thức lương tri, sự tử tế của con người, nhất là với những phận người kém may mắn:
“Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: Thay bằng việc ngồi đòi hỏi, tính toán mình được gì, mất gì, thiệt hơn thế nào thì mỗi chúng ta cần bắt tay vào làm những việc mình cho là cần thiết. Đừng ngần ngại trao đi yêu thương. Đừng đắn đo khi giúp đỡ ai đó. Hãy gieo những hạt mầm, một ngày nào đó bạn sẽ nhận được trái ngọt. Nếu không phải là bạn, thì bất kỳ một ai được ban tặng trái ngọt đó, cũng chẳng phải là niềm hạnh phúc trong cuộc đời này hay sao?”
Tháng 5/2021 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở một số tỉnh thành phía bắc, tình cờ, nhà văn Phong Điệp biết đến chương trình thiện nguyện 10.000 suất ăn yêu thương tặng các y, bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trong thời gian dự kiến 20 ngày. Chị đã lập tức tham gia, không chút đắn đo: “Tôi không băn khoăn về việc mình không phải là đầu bếp giỏi, mình là người viết thì làm sao lại tham gia chương trình tặng suất ăn làm gì, như vậy có vẻ như không phù hợp lắm…”, nhà văn Phong Điệp nhớ lại.
“Tôi tin mình sẽ có cách để tham gia nếu đó thực sự đó là điều tôi mong muốn làm ở thời điểm đó. Và bạn biết không, cùng với nhiều tình nguyện viên, tôi có mặt từ sáng sớm ở gian bếp thiện nguyện, tham gia chia các xuất ăn theo khẩu phần, và đóng thùng gửi vào tâm dịch mỗi ngày.
Giữa trời hè nắng nóng, trong căn bếp luôn đỏ lửa, và người bị Covid-19 thời điểm đó vẫn là điều gì đó rất đáng sợ, phải truy vết và thực hiện cách ly thì việc tôi cùng các anh chị đầu bếp, các tình nguyện viên tụ tập nhau, mướt mải mồ hôi, chung sức làm chương trình suất ăn yêu thương cũng đầy phấp phỏng âu lo. Nhưng không ai băn khoăn chùn bước. Không trực tiếp nấu ăn vì đã có các đầu bếp chuyên nghiệp đảm nhận, thì tôi tích cực lan tỏa chương trình để nhiều người biết đến, góp thêm bữa ăn cho các các y, bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.
Tôi tổ chức bán đấu giá thành công một bức tranh của họa sĩ A Sáng và hỗ trợ được trên 20 triệu đồng để góp quỹ giúp thực hiện các suất ăn. Và khi chương trình khép lại, tôi đã có thêm những người anh, người chị, người em thân thiết, gắn bó với nhau, tiếp tục đồng hành trong cuộc sống, chia sẻ những vui buồn. Điều đó khiến tôi thấy ấm áp vô cùng”.