Đưa phim tài liệu Việt Nam đến với Oscar 2023
Từng nhận giải Cánh diều bạc (không có Cánh diều vàng) năm 2013 ở hạng mục phim ngắn với bộ phim “Con đi trường học” khi vừa tốt nghiệp đại học, Hà Lệ Diễm là một cái tên hoàn toàn mới trong làng phim ảnh Việt Nam. Lựa chọn cho mình con đường làm phim tài liệu nhiều gian nan, sau 10 năm miệt mài, đến nay Hà Lệ Diễm đã có được những thành quả xứng đáng cho sự lựa chọn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, vượt qua “màn sương mù” để cống hiến cho công chúng những tác phẩm đặc sắc.
4 năm cùng “Những đứa trẻ trong sương”
Giản dị và khiêm tốn là những tính từ đầu tiên xuất hiện trong tôi khi gặp đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm, người từng thắng giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc nhất” hạng mục tranh giải quốc tế dành cho phim đầu tay tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam 2021. Và gần đây, với bộ phim “Những đứa trẻ trong sương”, Hà Lệ Diễm đã đưa phim tài liệu Việt Nam lần đầu tiên góp mặt trong danh sách rút gọn hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc tại Oscar 2023.
Từ ngày đưa phim đi tranh giải trên thế giới, Hà Lệ Diễm dường như lúc nào cũng bận rộn với lịch trình quảng bá phim. Khi thì bay sang Mỹ, lúc ở Pháp, Hà Lan... và mới đây thôi, trước đêm giao thừa 1 ngày cô mới đáp chuyến bay từ Bỉ về Việt Nam, lên vội chuyến xe đêm để trở về quê hương Bắc Kạn đón năm mới. Trong cái lạnh 10 độ C của vùng núi phía Bắc, tôi cùng Lệ Diễm trò chuyện vui vẻ với nhau về những ngày miệt mài làm phim, để đến hôm nay khi nhìn lại chặng đường đã qua, Lệ Diễm không khỏi xúc động và tự hào vì bản thân cô đã không bỏ cuộc.
Trong màn sương mù trên những ngọn núi cao ở vùng Tây Bắc, lờ mờ sau đó là những đứa trẻ người dân tộc Mông đang vui đùa mà không biết rằng tuổi thơ của chúng đang dần biến mất. Hà Lệ Diễm xuất hiện mang trên vai chiếc máy quay phim, thu lại tất thảy những biến chuyển của nhân vật chính (Di), cũng là để tìm câu trả lời cho câu hỏi rằng: Tuổi thơ biến mất như thế nào? Lấy bối cảnh ở miền Bắc, “Những đứa trẻ trong sương” là bộ phim tài liệu kể về thời thơ ấu vô tư, và rồi chợt biến mất của Di từ lúc cô bé 12 tuổi. Nhìn lại khoảng thời gian hơn 4 năm để hoàn thành bộ phim, Hà Lệ Diễm xúc động khi nhớ về những năm tháng theo chân nhân vật trên những ngọn núi ở Sa Pa (Lào Cai). “Trong một khoảnh khắc của năm 2017, tôi bắt gặp Di và bọn trẻ đang chơi trò kéo vợ trên đồi, tôi quanh lại cảnh đó và khi xem lại trong tôi có suy nghĩ ngày xưa mình cũng chơi vui như thế rồi sau này mình lớn lên và không hiểu tại sao mình lại lớn lên. Vì thế tôi nói với Di là muốn quay một bộ phim về tuổi thơ biến mất như thế nào. Lúc đó Di cũng tò mò không biết rằng khi Di lớn lên trông Di sẽ ra sao? Thế là tôi bắt đầu quay Di từ đợt đó”, Diễm nhớ lại.
Theo nhân vật trong một khoảng thời gian dài để quay phim, mỗi năm Lệ Diễm đến Sa Pa từ 5 - 6 lần, mỗi lần ở lại nhà Di khoảng 3 tuần. Tự bỏ tiền túi ra để làm phim nhưng đa phần thì Diễm chỉ tốn tiền xe đi lại còn việc ăn ở đã có nhà của Di. Thiết bị, máy móc Diễm mang theo là một chiếc máy quay phim nặng tầm 3kg và microphone để thu tiếng, tất cả đều là đồ cô mượn của bạn bè. Thời điểm đó, Hà Lệ Diễm đi làm phim nhưng với niềm đam mê mãnh liệt, cô vẫn cố gắng vừa đi làm kiếm tiền ở Hà Nội, vừa sắp xếp thời gian để quay phim.
Nhưng cái khó nhất đối với Diễm ấy là việc cô hoàn toàn không hiểu tiếng Mông. Nhiều khi cô quay bằng cảm giác rồi nhờ Di hoặc mọi người dịch lại để nắm được ý chính. Cứ như thế, hành trình ghi hình kéo dài 3 năm rưỡi, cho đến ngày đóng máy, Lệ Diễm vẫn không tin được rằng mình đã có trong tay thứ tài sản vô giá.
Sau khi quay xong, Diễm mất gần 1 năm để xử lý hậu kỳ cho “Những đứa trẻ trong sương”. May mắn thay, bộ phim của cô nhận được tài trợ để hậu kỳ bên Thái Lan, cùng với đó Diễm cũng nhận được sự giúp đỡ của các anh chị, bạn bè xung quanh. “Trước khi dựng phim, tôi phải nhờ người dịch bản phim từ tiếng Mông sang tiếng Việt. Sau đó tôi và ekip mất 6-7 tháng để hậu kỳ, từ lúc hơn 50 tiếng nháp phim cho đến bản phim dài khoảng 2-3 tiếng, chưa kể làm hòa âm, tiếng động, chỉnh màu sao cho có thể tái tạo lại không gian, thời gian, không khí ở Sa Pa cũng ngốn của chúng tôi khá nhiều thời gian”, đạo diễn cho hay.
Ở thời điểm này, khi “Những đứa trẻ trong sương” đã hoàn thành, Hà Lệ Diễm cảm thấy rất nhẹ nhõm khi làm xong thứ cô muốn và sẵn sàng để bước sang một giai đoạn mới cùng bộ phim. Chia sẻ thêm về giá trị lớn nhất mà Diễm có được sau khi hoàn thành bộ phim, không phải là những giải thưởng danh giá, những lời khen ngợi có cánh mà đó là việc cô đã tìm được câu trả lời cho chính mình.
Khi làm phim, Diễm tìm thấy sự đồng điệu giữa bản thân cô và nhân vật: “Tôi nhận ra mình cũng là một đứa trẻ sinh ra trong sương mù, cũng có nhiều vấn đề lớn hơn so với lứa tuổi mà mình cần phải đối mặt. Dần dần tôi chấp nhận rằng cuộc sống này không phải màu trắng hẳn hay đen hẳn, không phải ai cũng là người tốt hẳn hoặc xấu hẳn, kể cả bản thân tôi cũng thế. Và rồi tôi thấy thoải mái hơn với những mảng tối trong con người mình”.
Vượt qua nỗi sợ sương mù
Để có được thành công cho “Những đứa trẻ trong sương”, ngược dòng thời gian về thời thơ ấu của Hà Lệ Diễm, tôi thấy ở đó có một cô gái nhỏ mạnh mẽ vượt qua nỗi sợ trong màn sương mù dày đặc. Lớn lên ở Bắc Kạn, tuổi thơ Hà Lệ Diễm có đủ tất cả những niềm vui của trẻ con miền núi: chơi đùa dưới gốc cây, tắm sông, hái mận, ăn trộm củ quả... Cô ham chơi nhưng cũng rất ham học. Mỗi ngày Diễm đi bộ vài cây số đến trường.
Con đường đi học của Diễm nhỏ xíu. Những ngày sương muối lạnh giá, sương xuống dày đặc như một bức tường đặc quánh bao lấy con đường khiến Diễm rất sợ. Cô sợ đến mức ngày hôm ấy bỏ học trốn về nhà rồi nói với mẹ rằng: Con không muốn đi học nữa. Nhưng rồi cô cũng không trốn được mãi, vẫn buộc phải mạnh mẽ xuyên qua lớp sương ấy mà đi. Từ đấy Diễm mới biết, sương mù chỉ là tấm màn che, con đường vẫn ở đó, nếu cô bước tiếp về phía trước thì con đường sẽ dần hiện ra. Nỗi sợ của Diễm rất giống với nỗi sợ của những đứa trẻ khi phải lớn lên, chúng dường như đều không biết thứ gì đang đợi mình ở phía trước.
Từ những bước chân dò dẫm trên con đường đi học, năm 18 tuổi Lệ Diễm thi đỗ vào khoa Báo chí của Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội). Ban đầu cô chọn ngành này đơn giản vì thích được đi nhiều nơi và trò chuyện với nhiều người. Tuy nhiên sau một thời gian được học và trải nghiệm môi trường báo chí truyền hình, Diễm không tìm thấy điều mình thích khi làm việc. Cô tham gia 2 khóa học làm phim tại Trung tâm hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh TPD năm 2012 và Trại sáng tác phim tài liệu Varan Vietnam 2016 rồi quyết định chuyển hướng theo con đường làm phim tài liệu độc lập. Ban đầu khi bước chân vào thế giới điện ảnh, Diễm bị người thân và bạn bè ngăn cản. Đặc biệt mẹ cô là người cương quyết phản đối. “Ngày tôi chọn theo nghề làm phim độc lập, mẹ và tôi "chiến tranh lạnh" với nhau. Có hôm giận mẹ, tôi tắt điện thoại làm mẹ lo lắng phải gọi cho bạn thân hỏi thăm. Sau dần mẹ biết tôi làm phim độc lập nên kinh tế không ổn định, mẹ lại lặng lẽ gửi tiền chu cấp cho tôi như thời sinh viên”, Lệ Diễm tâm sự.
Ngoài mẹ, nhiều bạn bè của Diễm cũng khuyên cô nên dừng lại, làm phim độc lập vốn vất vả, lại ít người xem, không có nguồn thu ổn định, thậm chí phải bỏ tiền túi để làm. Ấy thế nhưng Diễm bỏ ngoài tai hết những câu nói ngăn cản con đường cô đến với điện ảnh.
Đối với đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm, làm phim độc lập mang đến cho cô sự tự do. Làm phim cho cô cơ hội được sống hòa mình với cuộc sống của nhân vật và khám phá nhiều điều thú vị của cuộc sống. Theo đuổi phim tài liệu cho phép cô kể chuyện bằng hình ảnh từ góc nhìn chân thực nhất, đó là điều khiến cô luôn yêu nghề: “Phim tài liệu có những cảnh mà không một bộ phim điện ảnh nào có thể set-up được bởi nó đi ra từ đời sống. Tôi yêu và trân trọng những gì là sự thật nguyên bản”.
Với những thành công đã đạt được, trong tương lai Hà Lệ Diễm sẽ tiếp tục hoàn thành các dự án phim tài liệu của mình ở miền Trung và Tây Nguyên và dự kiến phát hành bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” vào đầu tháng 3 tới tại các rạp chiếu phim ở Việt Nam.