Người hữu duyên cùng gốm cổ
Nhà sưu tập Phạm Ngọc Dũng (hiện sống tại Gia Lâm - Hà Nội) là người mê gốm. Anh đã dành 30 năm để sưu tầm và tặng lại những món đồ gốm quý giá cho nhiều bảo tàng, cơ sở, trường học với mong muốn lan tỏa giá trị của gốm cổ Việt Nam.
Đưa gốm cổ trở lại
Đón tôi bằng cái bắt tay thân tình, anh Phạm Ngọc Dũng bảo: “Gì chứ gốm thì tôi có thể nói chuyện cả ngày. Tôi nghiện gốm và văn hóa gốm hơn bất cứ điều gì”. Dù có vóc dáng dũng mãnh của một võ sư, nhưng anh Dũng lại là người dễ gần, cởi mở. Được biết anh là con một thương gia nổi tiếng ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc. Bố anh chơi đồ gốm sứ cổ song đều bị phá hủy và thất lạc do bom đạn của chiến tranh. Anh chia sẻ, bản thân có nhiều đam mê nhưng gốm cổ lại mê hoặc nhất.
Anh Dũng kể: “Năm 1983, trong một lần đi làm phim ở Hòa Bình, tôi vào một quán nước ven đường nghỉ. Tôi phát hiện ra mấy chiếc bát gốm được chủ quán dùng để... kê chân bàn. Tôi liền gạ chủ quán bán lại. Ông chủ quán đồng ý, còn chạy về lấy ra thêm. Mỗi cái bát bán 1 nghìn đồng và chỉ với 9 nghìn đồng, tôi đã có trong tay bộ bát 9 chiếc thời Lý. Tôi thích sưu tập từ đó”.
Để có kiến thức sưu tập, anh Dũng mày mò tự học và rút kinh nghiệm. Hà Nội bấy giờ chưa nhiều người hiểu được giá trị của đồ cổ nên việc mua bán cũng dễ dàng và anh mua được khá nhiều. Ngoài ra, bà con họ hàng có vài món đồ gốm cổ thì đều trao đổi với anh.
Anh cũng đi nhiều tỉnh của miền Bắc, tìm kiếm và thiết lập những mối quan hệ với người dân để có nhiều thông tin. Các tỉnh anh hay đến nhất là Thanh Hóa - nơi xuất hiện những lò gốm sớm nhất nước và Hòa Bình, nơi trước đây người dân có tục chôn đồ vật theo người chết. Bộ sưu tập đầy lên theo từng năm với đủ những món đồ gốm cổ, từ tượng, khạp, chậu, chum, vò, bình, chén, đĩa thời Lý, Trần, Lê… lần lượt tề tựu trong bộ sưu tập của anh.
Anh Dũng chia sẻ: “Đã từ lâu cổ vật không chỉ được coi như vật trang trí nội thất mà nó còn là tiêu chí đánh giá trình độ, kinh tế, văn hóa, kể cả vị trí xã hội của một gia đình, dòng họ. Điều đó không chỉ đối với thế giới mà ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng trước đây, điều này chỉ đúng với những cổ vật sứ, đồng, ngọc và những chất liệu khác, còn gốm gần như bị lãng quên do nhiều tác động của lịch sử. Cho đến thập niên 80 của thế kỷ XX do chính sách mở cửa, qua nhiều kênh thông tin, chúng ta mới biết rằng gốm cổ Việt Nam từ lâu được nhiều quốc gia chú ý và được giới thiệu ra nước ngoài bằng nhiều con đường”.
Không chỉ sưu tầm, anh Dũng còn nghiên cứu về lịch sử gốm sứ Việt Nam. “Trong việc sưu tầm, ngoài lòng yêu thích và sự say mê thì trước hết người sưu tập phải có một số kiến thức lịch sử phát triển mỹ thuật qua từng thời kỳ về chất liệu, chủng loại. Người sưu tầm sau phải học hỏi người đi trước, từng bước bổ sung và hoàn thiện kiến thức cho mình”, anh Dũng chia sẻ.
Qua các tài liệu nói về gốm cổ Việt Nam trong và ngoài nước, anh Dũng nhận thấy rất rõ rằng gốm Việt Nam từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVI – XVII được nhắc tới với nhiều thể loại hiện vật phong phú, đa dạng. Có thể nói từ góc độ nghệ thuật nó đã đạt tới đỉnh cao nhất với phong cách riêng, đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ trong quá trình phát triển của nền sản xuất gốm Việt Nam. Gốm ở giai đoạn sau (thế kỷ XVIII – XIX) qua phong cách gốm Bát Tràng, chúng ta nhận thấy rõ phong cách của nghệ thuật tạo hình và đề tài trang trí đã mất đi nhiều yếu tố của nghệ thuật truyền thống.
Năm 1997, nhà sưu tập Phạm Ngọc Dũng đặt vấn đề thành lập Hội Cổ vật Thăng Long. Anh cùng đồng nghiệp phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội làm bộ phim tài liệu “Những bộ gốm lưu lạc ở Thăng Long” để thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Bộ phim có tiếng vang nhất định và một năm sau, Hội Cổ vật Thăng Long ra đời. Năm 1999, anh là người đầu tiên mở triển lãm đồ gốm cổ. Đến nay anh đã nhiều lần mở triển lãm.
Tấm lòng hào phóng
Là người sưu tập có tiếng, anh Phạm Ngọc Dũng hầu như chỉ mua chứ ít khi bán, nhưng lại hào phóng mang tặng. Anh đã tặng hơn 40 cổ vật cho Viện Văn hóa dân gian, hơn 150 cổ vật cho Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, 150 cổ vật cho Khoa Bảo tàng Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, 150 cổ vật cho Bảo tàng Dân tộc học, hơn 70 cổ vật cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… Hiện bộ sưu tập của anh còn khoảng hơn 1.600 cổ vật gốm đủ các loại, nhiều nhất là chén, đĩa, bình, chum, vại và cả đồ tùy táng có niên đại trải dài từ thế kỷ I đến XIX.
Nhiều người hỏi sao anh không giữ lại để làm bảo tàng tư nhân, hoặc bán đi lấy khoản tiền lớn để sống sung túc hơn? Anh giãi bày: “Đó là tình yêu, đam mê và sự cống hiến. Và đó cũng là cách gìn giữ văn hóa, tri ân công lao tiền nhân đã tạo nên những cái hay, cái đẹp cho đời”. Bản thân anh cũng không lý giải được tại sao mình đam mê gốm đến thế. Chắc có lẽ, đó là tình yêu, mà yêu thì không cần đến lý do. Lần khác có người hỏi, anh Dũng trả lời: “Các chuyên gia nước ngoài từng tặng chúng ta rất nhiều cổ vật Việt Nam còn lưu lạc nơi xứ người. Thậm chí, họ còn xắn tay giúp chúng ta bảo tồn di sản văn hóa Việt. Vậy tại sao một người sưu tầm bình thường như tôi lại không thể làm điều ấy?”.
Mới đây anh Dũng đã cho ra mắt cuốn sách “Hữu duyên cùng gốm cổ”, nhằm chia sẻ thêm kiến thức cho giới sưu tầm và cả giới chuyên môn để tránh mua phải những món đồ giả cổ. Theo anh, khi mua một hiện vật, trước hết phải biết được nó tìm thấy ở vùng nào, địa phương nào, sau là những cổ vật khác được chôn theo cùng với nó, rồi quan sát hình dáng, hoa văn, màu men và cuối cùng là cốt (xương) của hiện vật gốm để đối chiếu với những gì mà người sưu tầm biết được. Bản thân gốm mang nhiều dấu ấn lịch sử, là tinh hoa văn hóa và cả hồn dân tộc. Xét về mặt mỹ thuật và kỹ thuật, gốm đều có những nét rất độc đáo. Nếu nhìn những thứ đồ cổ khác bằng sự nhanh nhạy của cái đầu, thì phải nhìn gốm bằng trái tim mới thấy hết vẻ đẹp.
Trong ngôi nhà rộng, rất nhiều hoa lan, anh Phạm Ngọc Dũng thường hội ngộ bạn bè, chia sẻ về nghệ thuật, thú chơi gốm, võ thuật. Anh vẫn còn nhiều trăn trở với gốm và gửi gắm nhiều tâm sự với cơ quan chức năng. Anh Dũng nói: Qua một thời gian hoạt động tìm hiểu và sưu tập trước tình hình phát triển của xã hội sau Luật Di sản văn hóa, cần gấp rút thành lập một số tổ chức có chuyên môn hoạt động với những chức năng, giám định, mua bán, trao đổi, đấu giá những cổ vật mà Nhà nước cho phép, phổ biến những thông tin, tư liệu trong lĩnh vực này. Cơ quan chức năng cần phát hiện mua những cổ vật, bảo vật quý hiếm của nước ta có thể bị thất thoát ở trong và ngoài nước cho các bảo tàng quốc gia.
Theo đó, tổ chức nhận ký gửi, bảo vệ, bảo hiểm, đánh giá và vận chuyển cổ vật cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; kết hợp với việc trùng tu, phục chế và sửa chữa các cổ vật và di tích bị hư hỏng.
Nhà nước cũng cần khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động như triển lãm những bộ sưu tập tư nhân, xây dựng bảo tàng tư nhân, phát hành tài liệu giới thiệu các bộ sưu tập trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiến tới thành lập hội những người yêu thích cổ vật trong cả nước. Đấy là những hoạt động mang tính thời điểm cần có để đẩy mạnh công việc xã hội hóa giúp Nhà nước phát hiện, lưu giữ được những cổ vật quý hiếm đang nằm trong nhân dân.
Những việc làm trên cần phải được diễn ra thường xuyên như mở các cuộc tọa đàm, hội thảo trên mọi hình thức trong lĩnh vực này. Mặt khác, cần có những biện pháp ngăn chặn khai thác bừa bãi. “Song song với hoạt động của các cá nhân và tập thể một cách hữu ích thì các cơ quan chức năng phải đôn đốc việc duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ những khu di tích lịch sử và di tích văn hóa; khen thưởng động viên một cách xứng đáng bằng kinh tế và tinh thần đối với tập thể, cá nhân đã có công phát hiện, bảo vệ những cổ vật của đất nước”, anh Dũng nhấn mạnh.