Cô giáo làng liệt 2 chân và hành trình gieo con chữ miễn phí

Hoàng Minh 16/02/2023 19:44

Bố mẹ mất sớm, bị liệt hai chân sau bạo bệnh, phải bỏ dở việc học giữa chừng, thế nhưng Phạm Thị Lý (39 tuổi, Hưng Yên) đã nỗ lực để trở thành cô giáo của hơn 100 em nhỏ. Dùng đôi tay thay đôi chân đến từng bàn học, nhiều năm qua, lớp học miễn phí của cô Lý luôn tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương. Gia cảnh nghèo khó, di chuyển khó khăn, động lực nào giúp cô Lý luôn nhiệt huyết và bền bỉ với công việc của mình.

Phạm Thị Lý đã nỗ lực vươn lên số phận, để trở thành cô giáo của hơn 100 em nhỏ.

Từng đứng lớp với rất nhiều học sinh, nhưng Phạm Thị Lý không khỏi bối rối khi lần đầu xuất hiện trước ống kính máy quay của "Trạm yêu thương". Những câu hỏi trắc nghiệm nhanh từ chương trình không chỉ giúp cô tự tin và cởi mở hơn mà còn mang tới nhiều thông tin thú vị về cô giáo đặc biệt này.

Phạm Thị Lý tự nhận mình là một người cẩn thận nhưng có phần khó tính và nghiêm khắc. Chính điều đó đã giúp học sinh của cô nghiêm túc hơn trong mỗi giờ học. Nói là lớp học, nhưng thực chất nó chỉ rộng chừng 20 m2, không bàn ghế khang trang, không bảng đen phấn trắng, không tiếng trống vào lớp. Thay vào đó là những chiếc bàn nhỏ xinh dành cho học sinh ngồi bệt xuống sàn nhà để học. Với Phạm Thị Lý, hai từ “cô giáo” rất thân thương, cô luôn cảm thấy tự hào và cảm động khi được gọi là “cô giáo Lý”.

Dùng đôi tay thay đôi chân đến từng bàn học, nhiều năm qua, lớp học miễn phí của cô Lý luôn tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương.

Kể về công việc hiện tại, Phạm Thị Lý cho biết: “Trở thành cô giáo là ước mơ của mình từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng, những biến cố liên tiếp ập đến khiến hành trình theo đuổi đam mê ấy gặp không ít khó khăn, sóng gió”. Bố mất sớm, gia cảnh lại khó khăn, mọi chi tiêu trong gia đình đều đặt lên đôi vai của mẹ. “Thế nhưng, điểm tựa duy nhất của ba anh em mình đã không còn sau một tai nạn giao thông. Mẹ mất, mình cũng không đậu vào ngôi trường mà mình mơ ước”. Nỗi buồn này chưa qua, nỗi đau khác lại tới, sự ra đi của mẹ đã khiến cả ba anh em suy sụp tinh thần.

Thế nhưng, nỗi đau khổ chưa dừng lại. Sau khi mẹ mất, căn bệnh tim bẩm sinh của Phạm Thị Lý tái phát khiến cô phải nhập viện cấp cứu. Trải qua ca phẫu thuật thập tử nhất sinh, vì sức khỏe yếu, cộng thêm biến chứng sau ca mổ đã khiến đôi chân của cô Lý teo tóp và liệt hoàn toàn. Nếu muốn di chuyển đi lại trong nhà, cô phải di chuyển bằng hai tay. Từ một người lành lặn, có thể tự do đi khắp nơi, giờ lại phải sống dựa vào một chiếc xe lăn khiến cho Lý không khỏi tủi thân và sống khép mình.

Mơ ước được đứng trên bục giảng tưởng chừng đã khép lại, nhưng khát khao được dạy học chưa bao giờ vơi trong lòng cô gái trẻ khi đó. Sau những ngày vật lộn với những cơn đau do bệnh tật, người ta lại thấy cô Lý vùi mình bên sách vở bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Ban đầu, Phạm Thị Lý nhận dạy kèm cho các cháu là người quen trong làng. Sau một thời gian thấy cháu tiến bộ, nhiều người trong xóm đã dẫn con đến nhờ cô Lý kèm giúp. Lớp học ban đầu chỉ 1-2 học sinh, vậy mà có những lúc đông lên đến 20 cháu.

“Thời gian đầu nhiều người hoài nghi vì tôi bị liệt như vậy thì làm sao có thể đủ sức dạy học, hơn nữa tôi cũng chưa qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm nên làm sao dạy cho học sinh hiểu được” – cô Lý tâm sự. Tuy nhiên, với tinh thần học hỏi và sự nhiệt huyết của bản thân, Phạm Thị Lý đã chứng tỏ cho mọi người thấy người khuyết tật cũng có thể dạy học, và giúp đỡ người khác.

Mỗi khi chia sẻ về công việc của mình, cô Lý vẫn khiêm tốn: “Nói là dạy học nhưng tôi chủ yếu kèm các cháu làm bài cô giáo về nhà và chuẩn bị cho bài hôm sau đến lớp. Khi gặp những bài khó, tôi thường hỏi chị gái, bạn bè cũng là giáo viên tiểu học hoặc tôi đọc lại trong sách”. Lớp học tình thương được khởi đầu chỉ với số học sinh ít ỏi, thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại, số học sinh theo học cô Lý đã lên tới cả trăm em. Để đảm bảo điều kiện học tập cho các cháu, cô Lý đã phân chia thành các ca học để từ đó có thể quan tâm, chỉ bảo các em nhiều hơn.

Không có công việc ổn định và hàng tháng vẫn phải lên bệnh viện lấy thuốc uống, thế nhưng các lớp học của cô Lý đều là miễn phí: “Có lẽ mình phải cảm ơn các phụ huynh vì đã tin tưởng giao con cho mình kèm cặp. Nhờ có các con mà cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa và nhiều màu sắc hơn. Chính các con đã giúp mình có thêm động lực để theo đuổi đam mê dạy học này.

Chia sẻ về tương lai, cô Lý cho biết sẽ không ngừng trau dồi kiến thức để có thể truyền dạy cho các em một cách tốt nhất, giúp đỡ nhiều bạn nhỏ hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học chữ.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, Phạm Thị Lý đã không ngừng nỗ lực và nghiêm túc theo đuổi ước mơ của mình. Nhiều câu chuyện thú vị với những tình huống dở khóc dở cười ở lớp học đặc biệt của cô giáo làng liệt 2 chân đang chờ khán giả khám phá trong "Trạm yêu thương" chủ đề “Yêu thương những chuyến đò”, lên sóng lúc 10h00 thứ Bảy ngày 18/02/2023 trên kênh VTV1.

Hoàng Minh