Quán trà đá thời 4.0: Nhận chuyển khoản cả tiền lẻ
Dạo một vòng Hà Nội, không thiếu những nơi chỉ cần giơ điện thoại lên cũng có thể mua được đồ. Đó là nhờ thời đại mã QR thịnh hành, hàng quán nào cũng dán biển quét mã thanh toán, nên chẳng cần phải mang theo tiền.
Tài khoản ngân hàng của "bà bán nước"
Trong cái thời tiết đã dịu bớt lạnh và xen chút nắng của một ngày xuân Hà Nội, tại khu vực công viên Nguyễn Khuyến, nhiều người trẻ tay cầm điện thoại, tay nhâm nhi ly trà đá vỉa hè rồi cùng nhau tán gẫu, nói chuyện phiếm.
Bỗng chốc một khách hàng nam quay sang hỏi bà bán nước tiền để thanh toán, một ly nước cùng vài chiếc kẹo lạc, bà đáp lại "của cháu hết 7 nghìn". Loay hoay một lúc, người khách liền bảo "cháu quên mang ví mất rồi, quán mình có cho chuyển khoản không ạ?"
Một số người ở đó bật cười, nhiều người cũng thắc mắc, có 7 nghìn đồng vậy thì chuyển khoản làm gì? Thế nhưng bà lại vui vẻ đáp rằng: "Đây cháu quét mã này nhé. Nếu 7 nghìn không trả được cứ chuyển nhiều hơn rồi bà gửi lại tiền mặt", rồi chỉ tay vào khay kẹo cao su, nơi dán chiếc mã QR của ngân hàng. Lúc này nhiều người mới để ý, hoá ra ở đây cũng..."hiện đại".
Qua hỏi thăm bà cụ bán nước, bà cho biết mình tên là Hà, năm nay đã 72 tuổi, tuy nhiên do thấy sức vẫn còn, ở nhà con cháu đi làm cả ngày nên không có việc gì làm nên ra ngồi bán nước ở công viên, vừa được hít thở không khí trong lành lại được trò chuyện cùng mọi người.
Hỏi về tài khoản ngân hàng của bà, bà Hà cho biết: "Bán hàng ở công viên này khách đến đây chủ yếu là mấy người trẻ tuổi, cỡ ngang tuổi con cháu tôi là chủ yếu. Nhiều lần chúng nó hỏi mình có số tài khoản không, lúc đấy làm gì biết đấy là cái gì đâu, nên về hỏi con gái. Con gái tôi in cho tôi một cái mã bảo dán vào đây để nếu ai hỏi thì đưa ra thôi người ta trả tiền qua đấy".
Bà Hà chia sẻ thêm, mấy cốc nước này chả đáng là bao nhưng để mọi người mất công chạy đi rút tiền trả cũng ngại, nghe con gái bảo giờ ở đâu cũng làm thế cả nên tôi làm theo. Tối về con gái bà lại đưa mẹ tiền nhận được, hôm nào nhiều thì vài trăm ít thì vài chục, cũng đủ đi chợ rồi mua thêm đồ để bày bán ở đây.
Anh Trần Đình Hoan (24 tuổi), một khách hàng quen tại hàng nước của bà Hà cho biết: "Ngày trước tôi hay đưa bà tiền trước rồi lần nào uống thì trừ dần, hoặc có những hôm tôi nợ lại rồi gom nhiều nhiều trả một thể, tại ít khi mang theo tiền mặt bên người. Từ lúc bà có cái mã QR ở đây thì tiện hẳn luôn, cứ ngồi uống nước tán gẫu ăn thêm tý hướng dương kẹo lạc rồi chuyển cho bà là xong".
Hỏi rằng bà có sợ bị mọi người lừa khi chuyển khoản mà không biết có nhận được hay không, bà cười nói: "Mấy đồng bạc này ai thèm lừa bà làm gì, mà kể cả có không trả thì bà cũng coi như là làm phước thôi. Nhưng mấy cô cậu thanh niên ở đây tốt lắm, thấy bà già rồi nên chuyển tiền toàn bảo bà không cần trả lại thôi. Bán chuyển khoản thế này còn lãi nhiều hơn ý chứ".
Thời mã QR trở nên phổ biến khắp nơi
Không chỉ có câu chuyện phía trên, ngày nay, đi đến đâu người ta cũng có thể dễ dàng chuyển khoản thanh toán tiền qua app điện thoại. Từ những nơi đắt tiền hơn như hàng gội đầu, làm móng đến những quán ăn vỉa hè như bò bía, bánh tráng trộn, cá viên chiên,... ở đâu cũng có thể bắt gặp những chiếc mã QR nhỏ được dán lên trên một bề mặt phẳng.
Thậm chí có người còn có đến 2, 3 mã QR của các tài khoản ngân hàng khác nhau, phòng trường hợp mà ngân hàng này lỗi thì có ngân hàng khác thay thế liền.
Chị Phương Nhi (27 tuổi) chia sẻ: "Ở Hà Nội đi đâu cũng thấy tiện khi không cần phải mang tiền theo, thậm chí hôm nọ tôi ra chợ mua bó rau cũng thấy người ta dán mã QR ở trước cửa, mà nhiều lúc mua ít cũng ngại chuyển khoản, lại lấy thêm đồ, dù sao cũng cần dùng tới. Chính ra như vậy hàng quán lại bán được nhiều hàng hơn".
Nhanh nhạy với sự điều chỉnh hành vi tiêu dùng của khách, những người kinh doanh dù nhỏ lẻ ở Hà Nội đều thích ứng rất nhanh. Chị Thuý Ninh, chủ cửa hàng nhỏ bán đồ ăn vặt tại một góc đường Nghĩa Tân đã nhanh chóng dán thông tin chuyển khoản và mã QR ở trước cửa hàng. Chị cho biết, giờ đi đâu cũng chẳng cần phải mang tiền hay phải nghĩ việc trả lại khách bao nhiêu tiền, chỉ cần đưa mã ra, mọi người nhập đúng số tiền và ấn giao dịch là xong. "Hệ thống chuyển tiền bây giờ cũng nhanh hơn trước nhiều, bên kia vừa trừ tiền thì bên này đã nghe thấy tiếng cộng tiền vào tài khoản, nhanh gọn tiện lợi vậy thì đúng là ai cũng nên dùng".
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số lượng thanh toán không dùng tiền mặt tính đến hết tháng 11/2022 đã có sự tăng trưởng khoảng 85% về số lượng giao dịch và 31% về giá trị giao dịch. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt qua quét mã QR, điện thoại di động và Internet đều tăng trưởng mạnh, lần lượt là 185%, 116% và 89%.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), nhận định giá trị giao dịch và số lượng giao dịch có sự chênh lệch và giá trị thường thấp hơn. Tuy nhiên, điểm thấp này không đáng lo ngại mà ngược lại còn là tín hiệu mừng. Bởi những khoản thanh toán giá trị thấp gia tăng chứng tỏ người dân đã sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn.
Đáng chú ý, hình thức thanh toán bằng quét QR và điện thoại di động đã ghi nhận sự tăng trưởng đến 3 con số cũng nói lên rằng người dân đang ngày càng quen với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Không chỉ với người dân tại các đô thị, thành phố lớn, ngay cả ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang dần phổ cập.