Lo kết quả học bạ ảo

Lâm An 17/02/2023 08:00

Những mùa tuyển sinh gần đây, xét học bạ THPT là phương thức được nhiều trường đại học (ĐH) sử dụng, dành phần lớn chỉ tiêu. Tuy nhiên, bên cạnh ưu thế về giảm áp lực thi cử, mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh thì phương thức này cũng gây ra không ít tranh cãi vì lo ngại nảy sinh tiêu cực.

Nhiều trường đại học dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Ảnh: Minh Quang.

Trường top trên cũng xét học bạ

Trong hơn 80 trường ĐH công bố đề án tuyển sinh năm 2023 tới thời điểm, nhiều trường dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng học bạ. Trong đó, những trường ĐH top trên như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Thủy lợi… đều công bố xét học bạ THPT.

Ngày 16/2, Trường ĐH Giao thông vận tải thông báo, với thí sinh xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh kết hợp học bạ, trường lấy điểm sàn 15 cho tổng 2 môn còn lại của tổ hợp xét tuyển, tăng 3 điểm so với năm 2022. Với phương thức xét học bạ 3 năm THPT, điểm xét tuyển là tổng trung bình 3 môn theo tổ hợp, không môn nào dưới 5,5 điểm, tăng 0,5 điểm mỗi môn so với năm 2022.

Đáng chú ý, năm nay có những trường dành tới 60 - 70% tổng chỉ tiêu cho phương thức này như Trường ĐH Khánh Hòa, ĐH Phạm Văn Đồng... Lý giải của các trường là để tăng tỷ lệ thí sinh đỗ, để tuyển đủ chỉ tiêu.

Ngược với những trường tăng dần chỉ tiêu cho phương thức này lại, có một số trường giảm chỉ tiêu xét học bạ như Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM… Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho biết, chỉ tiêu xét học bạ của trường năm nay được điều chỉnh giảm 20 - 30% vì kết quả học bạ ngày càng "ảo".

Ai chịu trách nhiệm về chất lượng tuyển sinh?

Khi các trường xét tuyển học bạ nhiều, việc giáo viên phổ thông “nới tay” chấm điểm cho học sinh hoặc chủ động cho học sinh thi, kiểm tra lại để gỡ điểm là việc tất yếu sẽ xảy ra. Từ câu chuyện một giáo viên dạy môn công nghệ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị kiểm điểm vì cho 21 học sinh của một lớp điểm 0, dù sau đó có tạo điều kiện để các em gỡ điểm lại trong quá trình học, cho thấy căn bệnh thành tích vẫn đang hiện hữu trong ngành Giáo dục. Tâm lý môn chính, môn phụ, chấm thoáng với những môn không thi tốt nghiệp, thi vào cấp 3… khiến học sinh phớt lờ việc học một số môn nhưng cuối năm vẫn có bảng điểm đẹp.

Thậm chí, với cả những môn sẽ thi tốt nghiệp, việc “vênh” giữa điểm học bạ và điểm thi thực tế ở nhiều địa phương rất rõ. Chuyện thí sinh tổng kết môn học được 8 nhưng thi đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chỉ được 4, 5 điểm là việc không hiếm.

Theo dữ liệu đối sánh trung bình điểm học bạ từng môn của các địa phương và kết quả điểm thi THPT 2022 do Bộ GDĐT công bố cho thấy, ở hầu hết các môn đều vênh nhau rất lớn. Đa số các địa phương dẫn đầu cả nước về điểm học bạ lại không có điểm thi cao nhất, thậm chí một số địa phương còn xếp ở vị trí cuối bảng. Đơn cử như điểm học bạ môn Toán của TP Hải Phòng là 8,14 - cao nhất cả nước nhưng điểm trung bình thi tốt nghiệp chỉ là 6,47. Với môn Hóa học và Sinh học, tỉnh Bình Phước có điểm học bạ xếp thứ 14 nhưng điểm thi lại nằm cuối bảng, vênh giữa 2 điểm này tới gần 3,8 điểm.

Theo Bộ GDĐT, việc có nhiều môn ở nhiều tỉnh, thành phố có chênh lệch giữa điểm thi với điểm học bạ cho thấy việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp THPT.

Như vậy, việc nhiều trường sử dụng kết quả học bạ THPT để xét tuyển vào ĐH đặt ra những lo ngại về sự công bằng và tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu giáo viên "nâng đỡ" cho học sinh của mình, thậm chí có thể xuất hiện tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ.

Thực tế mùa tuyển sinh năm 2022 đã ghi nhận những bất cập ở phương thức xét tuyển này khi điểm chuẩn xét tuyển học bạ của nhiều trường ĐH tăng mạnh, thậm chí, có thí sinh dù đạt đến 30 điểm bằng phương thức xét tuyển này nhưng vẫn không trúng tuyển.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, khi các trường ĐH mở rộng cửa xét tuyển bằng học bạ, nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực khác. Chẳng hạn, có thể khiến kết quả học tập của học sinh bị méo mó.

Đây cũng là kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa với Bộ GDĐT về việc nghiên cứu bỏ xét tuyển ĐH bằng học bạ. Cử tri cho rằng hiện nay, nhiều tiêu cực nảy sinh để “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ ở các trường THPT.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Luật Giáo dục ĐH năm 2018 cho phép các trường ĐH tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Quy chế tuyển sinh ĐH do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường ĐH được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

Theo Bộ GDĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển ĐH hay không, các trường THPT phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.

“Học bạ mỗi trường đánh giá khác nhau, không có thang đo chung. Tuyển sinh bằng phương thức này, trường ĐH có thể đủ chỉ tiêu nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng học sinh? Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ cũng vì thế mà càng khó giải quyết” - GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói.

Lâm An