Cháy bất thường ở vùng nguyên liệu mía

S.T 17/02/2023 06:54

Niên vụ 2022-2023, vùng nguyên liệu mía của tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra cháy lớn bất thường so với mọi năm. Tính đến thời điểm này, có khoảng 250ha mía bị cháy, tăng hơn gấp 5 lần so với niên vụ trước.

Nông dân thu hoạch các diện tích mía cháy tại xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Gần đây nhất là vụ cháy xảy ra tại xã H’Bông, huyện Chư Sê làm thiệt hại 27ha mía. Theo ông Bùi Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã H’Bông, năm nay tình hình thời tiết thuận lợi, giá mía thu mua cao hơn năm ngoái nên bà con đang rất phấn khởi vì chuẩn bị được đón một mùa mía ngọt thì lại xảy ra sự việc đáng tiếc này. Phần lớn diện tích mía cháy trên địa bàn đều đang chuẩn bị cho thu hoạch theo lịch và kế hoạch của phía nhà máy.

Do thời tiết khô hanh cộng với nắng nóng, từ đầu năm đến nay, huyện Ia Pa cũng đã xảy ra 15 vụ cháy mía. Là địa phương có diện tích mía lớn với 4.200ha, nên huyện Ia Pa thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác và thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn để hạn chế tình trạng mía cháy.

“Địa phương đã trực tiếp làm việc với nhà máy đường và đề nghị đơn vị này tổ chức hướng dẫn người dân quản lý chặt chẽ vùng nguyên liệu mía. Khi thu hoạch mía cần tạo các đường ranh cản lửa phòng trường hợp xảy ra cháy sẽ không cháy lan tạo thành các vụ cháy lớn” - ông Trần Đình Thức - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Pa cho biết.

Còn theo ông Trương Quang Trình - Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu, Công ty TNHH MTV Thành Công Gia Lai, đến thời điểm này, vùng nguyên liệu của công ty đã xảy ra 80 vụ cháy, gây thiệt hại khoảng 260ha, tương đương với 22.000 tấn. Mía cháy làm đảo lộn lịch thu hoạch, ảnh hưởng đến tâm lý nông dân trồng mía và chất lượng sản xuất của nhà máy.

Trước tình trạng mía cháy diễn ra bất thường, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương tập trung triển khai công tác phòng, chống cháy mía; các công ty, nhà máy đường ưu tiên thu mua sớm nhất những diện tích mía bị cháy để hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với nông dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát và yêu cầu các công ty, nhà máy đường đẩy nhanh tiến độ thu mua mía cho người dân theo hợp đồng mà nhà máy đã ký kết đầu tư. Đồng thời hướng dẫn người trồng mía và người dân canh tác nông nghiệp ở khu vực lân cận các ruộng mía thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy chữa cháy, nhất là vào các tháng mùa khô; tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân mía cháy và xử lý nghiêm các đối tượng đốt mía (nếu có) theo quy định của pháp luật.

S.T