'Thảm đỏ' đón du khách quốc tế
Du lịch Việt Nam ngay trong tháng đầu năm đang đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Ở đó, bên cạnh những chỉ số tăng trưởng còn là những đánh giá cao từ các chuyên trang du lịch, truyền thông uy tín của quốc tế.
Thông từ Tổng cục Du lịch, từ tháng 1/2023 đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng cao, trong đó ghi nhận lượng khách tăng ở một số thị trường khu vực châu Á. Một số thị trường trọng điểm đang dẫn đầu lượng khách quốc tế đến Việt Nam là Hàn Quốc tăng hơn 28%, Mỹ tăng 49,6%, Thái Lan tăng 12,7%, Australia tăng 78,7% so với tháng trước. Đáng chú ý, một số thị trường có lượng khách du lịch tăng cao hơn cả năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19), như: Campuchia tăng 258%, Ấn Độ tăng 148%, Singapore tăng 25%, Lào tăng 7%. Các thị trường gần về mức năm 2019 có: Mỹ, Malaysia, Anh, Hàn Quốc, Pháp.
Du lịch Việt Nam ngay trong những tháng đầu năm cũng đón nhận nhiều tin vui khi được báo chí quốc tế đánh giá cao. Theo đó, nhiều điểm đến của Việt Nam đã góp mặt trong các bảng xếp hạng du lịch uy tín của quốc tế. Có thể kể đến, tạp chí du lịch Travel+Leisure (ấn bản châu Á) đã xếp vịnh Hạ Long là 1 trong 4 điểm đến tuyệt vời nhất ở châu Á để ngắm bình minh và hoàng hôn; Ninh Bình đứng 7 trong 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới năm 2023 của giải thưởng Traveller Review Awards; Phong Nha (Quảng Bình) nằm trong top 7 điểm đến được Booking.com gợi ý cho dịp Valentine; TP Hồ Chí Minh được đánh giá là điểm đến xu hướng hàng đầu châu Á năm 2023 (Travel of Path). Sơn Đoòng là một trong 10 hang động ngoạn mục nhất thế giới (The Travel). Côn Đảo là điểm đến hàng đầu của du lịch biển đảo năm 2023 (Conde Nast Traveller). Hội An là một trong 25 thành phố đẹp nhất thế giới năm 2023 (Travel and Leisure). Hà Giang là một trong 52 điểm đến tuyệt vời dành cho du khách trong năm 2023 (The New York Times, Traveller)… Đặc biệt, mới đây trang web chính thức của ASEAN vừa đăng tải bài viết về 6 điểm đến của ASEAN được đánh giá là “Điểm đến tốt nhất” do Tripadvisor (một trong những trang web cung cấp dịch vụ tư vấn du lịch đáng tin cậy nhất thế giới) bình chọn. Trong đó, Việt Nam có 2 điểm đến lọt vào danh sách này là TP Hồ Chí Minh và phố cổ Hội An (Quảng Nam).
Có thể nói, du lịch Việt Nam sau một thời gian “đóng băng” bởi Covid-19 đang có những bước tiến ngoạn mục và khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch thế giới. Tuy nhiên, đề giữ được thành tích này ngành du lịch Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Đơn cử, với một thị trường lớn như Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại du lịch quốc tế từ 8/1/2023 và từ 6/2 nối lại các tour du lịch theo đoàn tới 20 quốc gia, tuy nhiên, Việt Nam chưa nằm trong danh sách này. TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho biết, không chỉ với Việt Nam mà với tất cả thị trường du lịch trên thế giới, Trung Quốc là “nguồn” không thể thay thế. Trước dịch Covid-19, chỉ riêng Trung Quốc đã mang lại doanh thu 200 tỷ USD cho du lịch thế giới.
Không chỉ “thâm hụt” về nguồn khách du lịch Trung Quốc, các đơn vị lữ hành Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Theo các chuyên gia du lịch, ngân sách xúc tiến của ngành du lịch Việt Nam hiện nay còn thấp. Ngoài ra, chính sách visa của Việt Nam vẫn chưa “cởi mở” so với nhiều nước trong khu vực dẫn đến những khó khăn để có thể đón khách từ nhiều thị trường. Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành, để đạt được mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023, Việt Nam phải đổi mới nhiều hơn. Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có chiến lược bài bản hơn về xúc tiến, quảng bá tới các thị trường trọng điểm, bao gồm thị trường Trung Quốc.
Nhằm tạo được sức hút, tạo điểm nhấn thị trường du lịch Việt Nam, trong năm 2023 nhiều địa phương đã triển khai các chương trình kích cầu. Ngoài năm du lịch quốc gia 2023 tổ chức tại Bình Thuận, từ ngày 10 đến 14/3, Lễ hội cafe Buôn Ma Thuột lần thứ 8 sẽ diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk)… Ngoài ra, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế… cũng đang tích cực tổ chức chương trình làm việc, xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Ấn Độ… Đồng thời, làm việc với các cơ quan đại diện, các tổ chức nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành uy tín trong và ngoài nước để đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thị trường quốc tế.
Để gỡ điểm nghẽn thu hút khách quốc tế, Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã đề xuất nhiều chính sách liên quan, trong đó có việc cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ; Kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày; Xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế… “Nhằm quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường quốc tế, năm 2023, Tổng cục Du lịch cùng các cơ quan sẽ tích cực tham gia các sự kiện, hội chợ quốc tế về du lịch ASEAN, truyền thông, quảng bá trên các kênh lớn” - ông Khánh cho biết.