Lại 'nóng' lừa đảo trực tuyến
Thời gian qua, lừa đảo trực tuyến lại “nóng” khi các đối tượng liên tục sử dụng những thủ đoạn mới khiến nhiều người “sập bẫy”. Lừa đảo trực tuyến chủ yếu dưới hình thức giả mạo thương hiệu; mạo danh cơ quan chức năng, nhân viên ngân hàng, nhân viên sàn thương mại điện tử,… thông qua tin nhắn, cuộc gọi, mạng xã hội để “gài bẫy” theo kịch bản, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Muôn vàn hình thứclừa đảo trên mạng
Tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trực tuyến, tấn công mạng đã không còn là khái niệm xa lạ thời gian gần đây. Cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra nhiều cảnh báo với người dân về các biện pháp phòng tránh để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Tuy vậy, thực tế cho thấy số lượng nạn nhân sập bẫy liên tục tăng lên không ngừng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã khởi tố nhiều vụ án hình sự để xử lý nghiêm và nâng cao tính răn đe.
Tuy vậy, các chiêu thức lừa đảo vẫn biến tướng không ngừng, liên tục thay đổi cách thức, thủ đoạn để đánh lừa người dân, qua mặt cơ quan chức năng. Đáng nói, những hình thức lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi và diễn biến phức tạp hơn. Do vậy, không những số lượng vụ bị lừa đảo ngày càng tăng cao mà hậu quả gây ra cũng nghiêm trọng hơn về thiệt hại tài sản, đồng thời để lại tâm lý bức xúc, lo lắng cho người dân.
Các hình thức lừa đảo phổ biến được các đối tượng này sử dụng trong năm 2022 theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) “điểm mặt” bao gồm 3 nhóm lừa đảo chính: Giả mạo thương hiệu; Chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Cũng theo thống kê của Bộ TT&TT, năm 2022 ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến. Trong đó, lừa đảo tài chính chiếm 75,6%; còn lại là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân.
Theo đó, các hình thức lừa đảo chủ yếu là giả mạo thương hiệu, chiếm đến 72,6% (giả mạo SMS, website, số điện thoại của cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty tài chính…); chiếm đoạt tài khoản online (Facebook, Zalo...) chiếm 11,4%; các hình thức khác (việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay…) chiếm 16%.
Còn theo đánh giá của lực lượng chức năng, trên thực tế, số lượng người dân bị lừa đảo thông qua các hình thức lừa đảo trực tuyến này có thể lớn hơn rất nhiều so với thống kê bởi nhiều người bị lừa nhưng không trình báo.
Còn nhiều vướng mắc
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, thời gian qua, mặc dù báo chí, truyền thông và các cơ quan nhà nước đã tuyên truyền rất nhiều về các thủ đoạn, cách thức lừa đảo trên mạng tuy nhiên trên thực tế, hành vi, thủ đoạn, cách thức lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt và rất khó đối phó.
Các đối tượng lợi dụng vào việc công nghệ ngày càng phát triển, thời lượng và nhu cầu sử dụng Internet của người dân ngày càng tăng lên, mọi hoạt động của con người đều có thể được tối ưu hóa trên chiếc điện thoại di động. Các đối tượng xấu thường lợi dụng điều này dẫn dụ và lừa đảo người dùng qua điện thoại dưới rất nhiều hình thức khác nhau như cuộc gọi, mạng xã hội, ứng dụng, App…. Các hình thức lừa đảo chủ yếu như: Lập các App cho vay tiền với lãi suất cắt cổ, tuyển cộng tác viên sàn thương mại điện tử, cộng tác viên làm online; cuộc gọi lừa đảo; giả mạo nhân viên của sàn TMĐT, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số; giả danh nhân viên ngân hàng. Thậm chí giả mạo cả lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án,… để lừa đảo.
Theo phân tích của Luật sư Hùng, mặc dù các lực lượng chức năng đã có rất nhiều khuyến cáo, hướng dẫn, cảnh báo, xử lý và đã khởi tố hình sự rất nhiều vụ án. Nhưng các hình thức lừa đảo này vẫn gia tăng cả về số lượng, nạn nhân, phạm vi. Điều này có thể xuất phát từ các lý do cơ bản như sau:
Thứ nhất: Lợi dụng vào việc người dân thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin, quá tin người. Khi thấy các đối tượng liên hệ, ban đầu vì sự tò mò, nhưng rồi sau đó sập bẫy không hay.
Thứ hai: Tâm lý không muốn công khai, tiết lộ mình bị lừa, hoặc số tiền bị lừa nhỏ. Vì thế mà nhiều vụ việc các nạn nhân không tố giác tội phạm khiến cho việc tìm hiểu, đấu tranh loại tội phạm này khó khăn, kéo dài và không xử lý triệt để vụ việc.
Thứ ba: Do việc quản lý còn lỏng lẻo, chưa quyết liệt, các đối tượng dễ dàng xây dựng, lập app, kênh, số điện thoại mới để tiếp tục lừa đảo…
Thứ tư: Thủ đoạn, cách thức lừa đảo ngày càng tinh vi, khó đối phó, thậm chí nhiều đối tượng để máy chủ ở nước ngoài để gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh tội phạm.
Vì thế, việc phát hiện xử lý hành vi phạm tội của các đối tượng là hết sức khó khăn. Nhiều vụ án do nạn nhân ở nhiều địa bàn khác nhau, số tiền ít nên tiếp nhận xử lý của các địa phương còn lúng túng, chưa có sự phối hợp để ngăn chặn, xử lý hành vi phạm tội. Dù có văn bản hướng dẫn của Viện Kiểm sát tối cao, Bộ Công an liên quan thẩm quyền giải quyết nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Do những vụ án này đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật điều tra, xác minh thông tin đối tượng lừa đảo.
Các cơ quan nhà nước cũng đã điều tra, khởi tố rất nhiều vụ lừa đảo, nhưng chưa thể xử lý triệt để dạng tội phạm này. Loại hình tội phạm này gia tăng cả về quy mô, số lượng, hình thức, loại hình gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm.
Vì vậy các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà, bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.
Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài..., thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Người vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 81, Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân có trị giá dưới 2.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng;
+ Thiết lập hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước phục vụ cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng;
+ Trộm cắp hoặc sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản hoặc để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có trị giá dưới 2.000.000 đồng.
Trường hợp số tiền lừa đảo, chiếm đoạt trên 02 triệu đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật hình sự. Tùy thuộc theo tính chất, mức độ, thủ đoạn, hành vi và số tiền chiếm đoạt mà mức phạt cao nhất có thể lên đến tù chung thân.
Luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Hệ thống Luật sư X, Đoàn Luật sư TP Hà Nội):
Cần sự phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn
Vấn nạn lừa đảo trực tuyến hay lừa đảo qua mạng cho đến nay vẫn không ngừng gia tăng, có xu hướng biến hóa, mỗi ngày có thêm nhiều chiêu thức phức tạp và tinh vi hơn. Ngoài nguyên nhân khách quan do sự phát triển của tội phạm công nghệ gia tăng, nguyên nhân chủ yếu còn do người sử dụng đang quá dễ dàng trong việc cung cấp, phát tán thông tin riêng tư cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội trong nước, thậm chí là các ứng dụng nền tảng mạng xã hội nước ngoài. Dẫn đến việc thông tin vấn đề cá nhân bị tiết lộ, từ đó các đối tượng xấu thực hiện hành vi đánh cắp thông tin cá nhân và thực hiện nhiều phương thức lừa đảo.
Do tính chất phức tạp của tội phạm không gian mạng - tội phạm công nghệ cao nên lực lượng chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết và xử lý các vụ việc lừa đảo qua mạng. Như khó truy vết, chứng từ điện tử để thu thập chứng cứ là rất phức tạp.... Vì thế, để giải quyết tình trạng này, cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng, đơn vị liên quan.
Đối với công tác phòng, chống tội phạm mạng đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, từ việc ban hành và thực thi chính sách, pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước; sự sáng tạo, tự chủ trong sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên không gian mạng bảo đảm an toàn, an ninh mạng của các doanh nghiệp; đến ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của mỗi người dân.
Bản thân người dân cần chủ động phòng ngừa, ứng phó với những phương thức lừa đảo trên mạng. Sẽ còn có rất nhiều các phương thức khác, tinh vi hơn mà các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần tự cảnh giác, phòng ngừa và phát hiện tố giác tội phạm. Trong đó cần tăng cường tính năng bảo mật các tài khoản mạng xã hội, các tài khoản ngân hàng... Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không quen biết...
H. Chiến (ghi)